Quản lý KTX ở Trung Quốc không cho sinh viên gặp người thân lần cuối
Sinh viên cầu xin suốt 1,5 tiếng, thậm chí đã quỳ xuống, nhưng quản lý ký túc xá vẫn từ chối mở cửa vì chưa đến giờ.
Quản lý ký túc xá Học viện Kỹ thuật Sinh thái Quảng Đông (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) khiến dân mạng Trung Quốc phẫn nộ vì khiến một số sinh bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để gặp người thân đang hấp hối. Người này khăng khăng áp dụng giờ giới nghiêm và không cho sinh viên rời ký túc xá.
Theo SCMP, sinh viên này được gia đình thông báo người nhà rơi vào nguy kịch ngay trong đêm. Cô đã ngay lập tức mua vé cho chuyến bay sớm nhất vào lúc 7h30 và được đại diện nhà trường cho phép nghỉ học.
Tuy nhiên, khi chuẩn bị rời khỏi ký túc xá vào khoảng 5h để kịp chuyến bay, quản lý ký túc xá từ chối mở cổng, nói rằng ký túc xá không cho phép sinh viên ra ngoài trong khung giờ giới nghiêm (từ 23h đến 6h30 hôm sau).
Nữ sinh cho biết cô đã cầu xin trong 1,5 giờ, thậm chí quỳ xuống trước cửa phòng của quản lý ký túc xá, nhưng người phụ nữ trung niên không làm gì ngoài việc ngồi trên giường. Người này nói rằng bà chỉ có thể mở cửa ký túc xá nếu sinh viên cung cấp giấy tờ từ phòng công tác sinh viên của trường.
Trong thời gian này, sinh viên cố gọi cho nhà trường nhưng không ai bắt máy. Điều này khiến cô bỏ lỡ chuyến bay và không thể gặp người thân lần cuối.
Đến ngày 25/11, Học viện Kỹ thuật Sinh thái Quảng Đông đăng thông báo, thừa nhận quản lý ký túc xá xử lý sai vụ việc. Hai quản lý ký túc xá liên quan vụ việc này đã bị điều sang vị trí khác và bị trừ tiền thưởng.
Nhà trường cũng cam kết sẽ đào tạo lại các quản lý ký túc xá để xử lý trường hợp khẩn cấp một cách linh hoạt và bảo vệ quyền hợp pháp của sinh viên.
Dù đã lên tiếng, trường này vẫn vấp phải sự phẫn nộ từ sinh viên và cộng đồng mạng. "Nhà trường quản lý sinh viên như học sinh tiểu học", "Một số người rất thích gây khó khăn cho người khác dù họ không có nhiều quyền lực trong tay", cộng đồng mạng mỉa mai.
Tuy nhiên, một người lên tiếng bênh vực quản lý ký túc xá, nói rằng: "Là nhân viên được thuê ngoài, có thể họ cũng sợ gặp rắc rối. Vì thế, họ có xu hướng chỉ nghe theo lệnh của quản lý. Nhà trường phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc này".