Quan hệ đối ngoại đảng: Nhiều đóng góp quan trọng tại các diễn đàn đa phương chính đảng

Với nội dung và hình thức ngày càng phong phú và hiệu quả, quan hệ đối ngoại đảng đã và đang không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu không chỉ trong quan hệ song phương mà còn tại các diễn đàn đa phương chính đảng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung chủ trì Hội nghị trực tuyến thông báo về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tới Đảng Cộng sản Nhật Bản ngày 26/4. (Nguồn: TTXVN)

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung chủ trì Hội nghị trực tuyến thông báo về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tới Đảng Cộng sản Nhật Bản ngày 26/4. (Nguồn: TTXVN)

Trong những năm qua, quan hệ đối ngoại đảng, cùng với ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đã đạt được bước phát triển quan trọng, phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để phát triển nâng tầm vị thế và uy tín đất nước trên trường quốc tế.

Đảng ta đã tích cực tham gia hoạt động tại nhiều diễn đàn đa phương chính đảng trên thế giới như Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP), Diễn đàn chính trị Á-Âu (AEPF) trong khuôn khổ hợp tác giữa ICAPP và các chính đảng ở khu vực châu Âu, Cuộc gặp Quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP), Diễn đàn Sao Paulo, và các hội nghị, hội thảo của các chính đảng trong khu vực châu Á và Đông Nam Á.

Trong số đó, Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) là một trong những diễn đàn nổi bật nhất.

Diễn đàn đa phương quan trọng

Thành lập vào tháng 9/2000 tại thủ đô Manila, Philippines, Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và thế giới.

Đặc điểm đặc biệt cũng chính là thách thức đối với hoạt động của ICAPP trong những ngày đầu khi mới thành lập đó là sự đa dạng về văn hóa và tư tưởng chính trị của các thành viên.

Rất ít người tin ICAPP có thể tập hợp được các đảng chính trị với tư tưởng khác nhau dưới một mái nhà chung để thảo luận và tìm giải pháp cho các vấn đề chính trị khu vực và quốc tế.

Thế nhưng sau hơn 20 năm kể từ ngày thành lập, ICAPP đã trở thành một diễn đàn đa phương quan trọng không thể thiếu trong đời sống chính trị của các đảng tại khu vực châu Á.

Số lượng các đảng chính trị ở khu vực tham gia vào các hoạt động của ICAPP tăng đáng kể, từ 40 đảng chính trị đến từ 21 quốc gia vào năm 2000 lên đến gần 300 đảng chính trị đến từ hơn 50 quốc gia vào năm 2021.

Nội dung thảo luận tại các chương trình nghị sự, hội thảo chuyên đề của ICAPP thiết thực gắn liền với đời sống người dân ở khu vực châu Á như xóa đói giảm nghèo, thiên tai và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, trao quyền cho phụ nữ nông thôn...

ICAPP mở rộng hợp tác liên khu vực với các tổ chức chính đảng ở các khu vực khác trên thế giới như Hội nghị các đảng chính trị ở châu Mỹ-Latin và Caribbean (COPPAL) và Hội đồng các chính đảng châu Phi (CAPP).

Mô hình tổ chức của ICAPP đã được các đảng chính trị ở châu Phi và châu Mỹ Latin học tập.

Đóng góp hiệu quả

Đảng ta chính thức tham gia vào các hoạt động của ICAPP từ năm 2000 và trong nhiều năm liên tục được bầu là thành viên của Ủy ban thường trực ICAPP. Ủy ban Thường trực ICAPP bao gồm đại diện các đảng chính trị đến từ 23 quốc gia đến từ các tiểu vùng khác nhau ở khu vực châu Á.

Nhiệm vụ của Ủy ban thường trực ICAPP là quyết định đảng chính trị đăng cai các hoạt động của ICAPP, chủ đề tại các hội nghị, hội thảo, và sắp xếp các công việc khác liên quan đến các chương trình nghị sự của ICAPP.

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam, do bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương làm Trưởng đoàn, dự cuộc họp lần thứ 36 của Ủy ban thường trực ICAPP, ngày 3/9/2021. (Ảnh: DLH)

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam, do bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương làm Trưởng đoàn, dự cuộc họp lần thứ 36 của Ủy ban thường trực ICAPP, ngày 3/9/2021. (Ảnh: DLH)

Trên cương vị đó, Đảng ta đã đóng góp thiết thực, hiệu quả vào các hoạt động của ICAPP như đăng cai tổ chức thành công Cuộc họp lần thứ 19 Ủy ban thường trực ICAPP (tháng 4/2013). Đây là lần đầu tiên Đảng ta đăng cai tổ chức một hội nghị quốc tế chính đảng. Ngoài ra, Đảng ta còn tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) ủng hộ các hoạt động của ICAPP và đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy thực hiện mục tiêu, dự án ưu tiên của ICAPP.

Lãnh đạo cấp cao của ICAPP đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam, tham vấn ý kiến của lãnh đạo Đảng ta trong các vấn đề quan trọng liên quan đến xây dựng chương trình hoạt động của ICAPP hằng năm cũng như sự phát triển của ICAPP trong tương lai.

Ghi nhận những đóng góp quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam tại ICAPP, trong thư gửi đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta, Chủ tịch sáng lập ICAPP, ông Jose de Venecia, viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ của ICAPP, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các đảng chính trị châu Á. Bên cạnh đó, sự tham gia chủ động của Đảng Cộng sản Việt Nam vào các hoạt động ICAPP đã thể hiện vai trò của các chính đảng trong thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Chúng tôi và các thành viên ICAPP hy vọng tiếp tục duy trì đối thoại, quan hệ đối tác và tình hữu nghị với Đảng Cộng sản Việt Nam để ứng phó các thách thức toàn cầu, trong đó có việc kiểm soát đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế thế giới.”

Hợp tác chặt chẽ với đảng chính trị tại diễn đàn đa phương chính đảng nói chung và Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) nói riêng là một trong những ưu tiên của quan hệ đối ngoại Đảng trong những năm tới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, đồng thời góp phần thúc đẩy sự nghiệp hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực châu Á và cộng đồng trên toàn cầu.

Nội dung thảo luận tại các chương trình nghị sự, hội thảo chuyên đề của ICAPP thiết thực gắn liền với đời sống người dân ở khu vực châu Á như xóa đói giảm nghèo, thiên tai và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, trao quyền cho phụ nữ nông thôn...

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-doi-ngoai-dang-nhieu-dong-gop-quan-trong-tai-cac-dien-dan-da-phuong-chinh-dang-160424.html
Zalo