QUAD có đủ sức định hình lại cuộc chơi toàn cầu?

Gần đây, Nhóm đối thoại an ninh 4 bên (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang nổi lên như một trụ cột định hình luật chơi mới.

Ngoại trưởng các nước QUAD tại cuộc họp ngày 1-7 ở Washington DC.

Ngoại trưởng các nước QUAD tại cuộc họp ngày 1-7 ở Washington DC.

Hướng tới sự tự cường

Khởi nguồn từ một chiến dịch cứu trợ nhân đạo sau thảm họa sóng thần năm 2004, Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đã phối hợp nhanh chóng để triển khai hỗ trợ khẩn cấp cho các quốc gia ven Ấn Độ Dương. Chính sự phối hợp hiệu quả này đã khơi gợi ý tưởng về một cơ chế đối thoại 4 bên - tiền thân của QUAD ngày nay.

Tuy nhiên, phải đến năm 2007, đề xuất chính thức thành lập QUAD được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra, với kỳ vọng tạo dựng một “vòng cung dân chủ” nhằm thúc đẩy ổn định, phát triển và thượng tôn pháp luật tại khu vực.

Mặc dù được xem là một ý tưởng chiến lược mang tính đột phá, nhưng trong suốt một thập kỷ tiếp theo, QUAD gần như “ngủ đông” vì những khác biệt trong ưu tiên đối ngoại giữa các nước thành viên, cũng như vì quan ngại về khả năng bị hiểu lầm thành một liên minh quân sự.

Chỉ đến năm 2017, khi các diễn biến tại khu vực ngày càng phức tạp và những rủi ro chuỗi cung ứng, khủng hoảng y tế và cạnh tranh công nghệ bắt đầu lan rộng, 4 quốc gia mới đồng thuận tái khởi động QUAD với hình thức linh hoạt, không ràng buộc nghĩa vụ pháp lý nhưng có cam kết chính trị mạnh mẽ.

Từ một cơ chế đối thoại không chính thức, QUAD dần dần thiết lập các cuộc họp định kỳ từ cấp thứ trưởng lên đến ngoại trưởng và lãnh đạo cấp cao. Kể từ năm 2021, các hội nghị thượng đỉnh thường niên được tổ chức đều đặn, mang lại sự ổn định về thể chế và hướng tới một tầm nhìn chiến lược lâu dài.

Dù không có trụ sở thường trực hay ngân sách chung, sự đồng thuận về nguyên tắc và ưu tiên hợp tác đã giúp QUAD mở rộng vai trò từ một diễn đàn an ninh sang nền tảng phát triển kinh tế đa phương năng động.

Trong các tuyên bố chung gần đây, các nước thành viên liên tục nhấn mạnh mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ quốc tế và có khả năng phục hồi trước các cú sốc toàn cầu.

Không theo đuổi liên minh phòng thủ, không yêu cầu chọn phe, QUAD tự định vị như một mạng lưới hợp tác mở, hướng tới sự tự cường của các nền kinh tế khu vực và vai trò chủ động của các quốc gia đang phát triển.

“Trận địa mềm” của thế kỷ 21

Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị Ngoại trưởng vừa kết thúc tại Washington, Mỹ, các vấn đề nổi bật không nằm ở kế hoạch quân sự, mà tập trung vào các sáng kiến hạ tầng, công nghệ số và đào tạo nguồn nhân lực khu vực.

Các nước thành viên khẳng định tiếp tục đầu tư mạnh vào các dự án phát triển chất lượng cao, đồng thời nâng cao năng lực của các quốc gia đối tác để thích ứng với những thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và rủi ro mạng.

Trong lĩnh vực hạ tầng, QUAD đang từng bước xây dựng một mạng lưới đầu tư minh bạch, hiệu quả và không ràng buộc điều kiện chính trị. Các dự án tiêu biểu như mở rộng cảng Colombo (Sri Lanka) do Nhật và Ấn Độ hợp tác triển khai, hay các trạm điện mặt trời và cáp ngầm tại Philippines do Úc tài trợ, là minh chứng cho sự hiện diện ngày càng rõ ràng của nhóm tại các nước đang phát triển.

Bằng cách đặt trọng tâm vào các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, lao động và quản trị, QUAD đang góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng khu vực, tạo ra một đối trọng tích cực với các mô hình đầu tư truyền thống.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy vì dịch bệnh và xung đột địa chính trị, QUAD cũng thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến về đa dạng hóa và nâng cao năng lực sản xuất chiến lược. Mỹ và Nhật Bản hiện đã đầu tư hàng tỷ USD vào các nhà máy bán dẫn tại Ấn Độ, đồng thời hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.

Trong khi đó, Úc với thế mạnh tài nguyên khoáng sản chiến lược, đang tăng cường hợp tác khai thác và chế biến lithium, đất hiếm - những nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất pin và công nghệ xanh.

Thành công đáng ghi nhận của QUAD trong giai đoạn đại dịch là sáng kiến vaccine khu vực, khi nhóm cam kết cung ứng hơn một tỷ liều vaccine Covid-19 sản xuất tại Ấn Độ, với công nghệ từ Mỹ, tài chính từ Nhật và hậu cần do Úc đảm nhận. Mô hình phối hợp liên quốc gia này không chỉ giúp giảm tải áp lực cho hệ thống y tế khu vực, mà còn tạo tiền lệ tích cực cho các sáng kiến y tế tương lai.

Không cần “chọn phe”

Điểm đặc biệt của QUAD và cũng là lý do khiến nhóm có sức lan tỏa nhanh trong khu vực, là cách tiếp cận mềm dẻo và không gây chia rẽ. Không có điều khoản bắt buộc, không đòi hỏi các nước ngoài nhóm phải liên kết chính trị, QUAD tạo ra một không gian hợp tác mở, nơi các quốc gia có thể tiếp cận nguồn lực, công nghệ và kiến thức mà không bị đặt vào thế “phải chọn phe”.

Trong thời đại mà chủ quyền quốc gia và sự tự chủ chiến lược được đặt lên hàng đầu, đây là một ưu thế vượt trội của QUAD so với các liên minh truyền thống.

Với Việt Nam và các nước ASEAN, QUAD mang lại cả cơ hội và thách thức. Một mặt, khu vực được tiếp cận nguồn vốn hạ tầng chất lượng cao, chuỗi cung ứng đa dạng và công nghệ tiên tiến. Mặt khác, việc tận dụng các sáng kiến của QUAD đòi hỏi năng lực thể chế, minh bạch hóa môi trường đầu tư và khả năng hấp thụ công nghệ. Những quốc gia có chính sách linh hoạt, định hướng rõ ràng và sẵn sàng cải cách thể chế sẽ là những nước hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng hợp tác mới này.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển công nghiệp bán dẫn, đẩy mạnh chuyển đổi số và củng cố vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các sáng kiến của QUAD hoàn toàn tương thích với các chiến lược quốc gia hiện hành như Quy hoạch điện VIII, chiến lược quốc gia về AI, và kế hoạch tăng trưởng xanh đến năm 2050.

Sự hiện diện ngày càng lớn của các doanh nghiệp Nhật, Úc và Mỹ tại các khu công nghiệp công nghệ cao ở phía Nam Việt Nam cũng phản ánh xu hướng hội nhập sâu của Việt Nam vào mạng lưới đối tác do QUAD thúc đẩy.

Dù không phải là thành viên chính thức, Việt Nam có thể tham gia vào các chương trình đào tạo nhân lực, nhận tài trợ cho các dự án năng lượng sạch, hoặc đồng tổ chức các diễn đàn công nghệ với các nước QUAD.

VĨNH CẨM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/quad-co-du-suc-dinh-hinh-lai-cuoc-choi-toan-cau-post124206.html
Zalo