Phường Đông Gia Nghĩa 'gõ từng nhà' để phòng, chống sốt xuất huyết
Phường Đông Gia Nghĩa (Lâm Đồng) chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống sốt xuất huyết (SXH).
Nhận được tin báo tại thôn Nghĩa Thuận, phường Đông Gia Nghĩa có ca mắc SXH vào đầu tháng 7/2025, ngay lập tức, cán bộ Trạm Y tế phường Đông Gia Nghĩa đã kịp thời có mặt khoanh vùng, phun thuốc phòng, chống muỗi.

Trạm Y tế phường Đông Gia Nghĩa đã kịp thời có mặt khoanh vùng, chỉ đạo phun thuốc phòng, chống muỗi tại thôn Nghĩa Thuận.
Nhân viên y tế của trạm phối hợp với cán bộ thôn đi đến từng hộ gia đình tuyên truyền, nhắc nhở cách phòng, chống SXH, nhất là diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường… Bà Đinh Thị Quyên, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đông Gia Nghĩa cho biết: “Ngay khi nhận được tin báo, chúng tôi lập tức cử nhân viên y tế kịp thời có mặt để hướng dẫn khoanh vùng, đồng thời phun thuốc muỗi đối với 15 hộ gia đình gần ca bệnh SXH để kiểm soát, khống chế dịch lây lan ra cộng đồng”.
Theo bà Quyên, mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân được xem là giải pháp cốt lõi, mang tính lâu dài trong phòng, chống dịch.

Cán bộ Trạm Y tế phường Đông Gia Nghĩa trực tiếp đến từng hộ gia đình hướng dẫn vệ sinh môi trường, đổ nước trong các vật dụng để phòng lăng quăng, bọ gậy.
Ngay từ đầu mùa mưa, trạm đã tham mưu phối hợp với các tổ dân phố, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức: phát thanh thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh, tổ chức truyền thông cộng đồng, truyền thông trực tiếp đến từng tổ dân phố, thông tin trên các trang, nhóm mạng xã hội. Mỗi tháng, trạm phối hợp với cán bộ văn hóa phường phát thanh 4 lần về phòng, chống dịch, trong đó có SXH.
“Chúng tôi xác định rõ vai trò của người dân là trung tâm trong việc kiểm soát dịch bệnh SXH. Vì vậy, tuyên truyền phải đi trước một bước, làm sao để mỗi người dân hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh và chủ động diệt lăng quăng, muỗi tại hộ gia đình mình”, bà Quyên cho hay.
Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn phường Đông Gia Nghĩa
chỉ ghi nhận 3 ca sốt xuất huyết, không có ổ dịch lớn. Đó là kết quả của sự chủ động, quyết liệt trong công tác phòng dịch của đội ngũ nhân viên y tế, hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân.
Bà Trần Thị Phúc, Tổ phó Tổ dân phố 4 chia sẻ: “Chúng tôi phối hợp với cán bộ y tế tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình phát quang bụi rậm, không để những vật có khả năng đọng nước ra môi trường như ly nhựa, hộp nhựa, lốp xe. Những chậu hoa, chậu cây sau khi không dùng cần được cất gọn gàng tránh đọng nước làm nơi trú ẩn của bọ gậy, lăng quăng”.

Lực lượng dân quân thường trực phường Đông Gia Nghĩa phối hợp dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường, phòng, chống lăng quăng, bọ gậy.
Còn bà Nguyễn Thị Oanh, người dân Tổ dân phố 4 cho biết: “Qua tuyên truyền, vận động của cán bộ y tế, tổ dân phố, chúng tôi biết được nguyên nhân của SXH để phòng tránh, nhất là tạo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ…”.
Tuy nhiên, theo nhận định của ngành Y tế, mùa mưa năm nay vẫn còn kéo dài, dịch SXH có thể gia tăng nếu lơ là, chủ quan. Do đó, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo trạm y tế phường, các bộ phận chuyên môn, tổ dân phố và toàn thể hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền, không để dịch bùng phát bất ngờ.
“Chúng tôi xác định phòng là chính, trong đó người dân là trung tâm của mọi hoạt động phòng dịch. Khi người dân cùng đồng lòng và quyết tâm thì sẽ kiểm soát tốt tình hình, giữ gìn sức khỏe cộng đồng, nhất là hạn chế thấp nhất số ca SXH trong mùa mưa năm nay”, bà Quyên nhấn mạnh.