Phương án tuyển sinh các trường đại học năm 2025 thay đổi thế nào?

Nhiều trường đại học đã dự kiến phương án tuyển sinh năm 2025, trong đó có nhiều thay đổi về tổ hợp xét tuyển, chỉ tiêu cho từng phương thức.

TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, năm 2025, trường dự kiến giữ nguyên chỉ tiêu đào tạo chung trong toàn trường nhưng sẽ điều chỉnh để ưu tiên cho các ngành/chương trình đào tạo liên qua đến lĩnh vực đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, vi mạch – bán dẫn.

"Về phương thức và tổ hợp xét tuyển nhà trường sẽ giữ ổn định như năm trước, tuy nhiên sau khi Bộ GD- ĐT chính thức ban hành quy chế tuyển sinh năm 2025, nhà trường sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong tuyển sinh", TS Phạm Thanh Hà thông tin.

Còn theo PGS. TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện tại nhà trường chưa có phương án tuyển sinh cụ thể cho năm 2025. Tuy nhiên, về cơ bản Học viện vẫn sẽ giữ ổn định quy mô như những năm trước. Còn về phương án xét tuyển dự kiến sẽ có chút thay đổi, điều chỉnh theo quy định Bộ GD-ĐT.

Nhiều trường dự kiến sẽ có điều chỉnh trong chỉ tiêu giữa các phương thức cũng như tổ hợp xét tuyển (Ảnh minh họa)

Nhiều trường dự kiến sẽ có điều chỉnh trong chỉ tiêu giữa các phương thức cũng như tổ hợp xét tuyển (Ảnh minh họa)

Đại diện Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, năm 2025 dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT xuống còn 15%, giảm 3% so với năm 2024. Với phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, trường dành 83% chỉ tiêu, xét tuyển thẳng 2%. Đại học Kinh tế quốc dân cũng dự kiến sẽ dùng 4 tổ hợp xét tuyển thay vì 9 tổ hợp như năm 2024, gồm A00, A01, D01, D07, không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, không có tiêu chí phụ, các môn đều tính hệ số 1 khi xét tuyển.

Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm tới dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40% đồng thời tăng nhẹ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy. Năm tới, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng dự kiến mở rộng điểm tổ chức để thí sinh vùng sâu vùng xa vẫn có thể thuận lợi tham gia kỳ thi này.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM cho biết, với việc có thêm các môn học mới trong chương trình GDPT 2018, đặc biệt khi học sinh có thể tùy chọn 2 môn bất kỳ trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, việc xây dựng tổ hợp môn trong xét tuyển phải vừa đảm bảo kiến thức nền của học sinh khi vào học đại học ở từng ngành cụ thể, vừa tương thích và phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của học sinh. Hiện nhà trường đang xây dựng và có một số điều chỉnh trong đề án tuyển sinh năm 2025.

Dự kiến, năm 2025 Trường ĐH Công thương TP.HCM sẽ xét tuyển theo 5 phương thức gồm: Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; Xét kết quả học tập THPT; Xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM; Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo Đề án; Xét theo kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm TP.HCM kết hợp kết quả học tập THPT.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/phuong-an-tuyen-sinh-cac-truong-dai-hoc-nam-2025-thay-doi-the-nao-post1141651.vov
Zalo