Phương án giảm 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu 'định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy' một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ. Theo ông Hưng, thực hiện theo phương án, tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Sáng nay (1/12), Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Trình bày chuyên đề triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày "một số nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị".
Về các vấn đề chung, theo ông Hưng, sẽ nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ.
Cùng với đó, tiến hành nghiên cứu, đề xuất giải thể, sáp nhập, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; giảm tầng nấc trung gian.
Nghiên cứu tổ chức lại hoạt động của các báo, tạp chí, truyền hình, cổng thông tin điện tử... của các ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ... để tăng cường chất lượng, hiệu quả, giảm chi phí.
Cụ thể, đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu "gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn" theo hướng nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng:
Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính.
Sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KHCN, chuyển đổi số; chuyển một số nhiệm vụ khác về: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các cơ quan liên quan.
Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường...; chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ và các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), chuyển nhiệm vụ về: Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về: Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.
Chuyển Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo.
Nghiên cứu, sắp xếp một số bộ, ngành khác để bảo đảm tinh gọn.
Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp 2 viện hàn lâm khoa học và 2 đại học quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.
Nghiên cứu sắp xếp Học viện Hành chính quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các bộ, trước hết là sắp xếp các đơn vị như: Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Quản lý Thị trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố...; tiếp tục xem xét, sắp xếp mô hình tổ chức một số đơn vị bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động Đài truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC; chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là Đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước đảm bảo chi cho các hoạt động. Nghiên cứu, xây dựng, cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ Đài Truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.
Nghiên cứu tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, ngành.
Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, thực hiện phương án này, tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.