Phú Thọ xây dựng xã hội số

Trong thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là xu hướng mà đã trở thành một nhiệm vụ chiến lược, mang tính sống còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia và địa phương. Tại Việt Nam, chiến lược quốc gia về CĐS đến năm 2030 đặt mục tiêu xây dựng một xã hội số toàn diện, lấy công nghệ làm động lực thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong bối cảnh đó, tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn của dân tộc, không ngừng nỗ lực bắt nhịp với xu hướng này, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực.

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã không ngừng khẳng định vai trò tiên phong trong CĐS ở khu vực miền núi phía Bắc. Thực hiện chiến lược CĐS quốc gia, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân được hướng dẫn thực hiện các thao tác nộp hồ sơ trên môi trường số tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Người dân được hướng dẫn thực hiện các thao tác nộp hồ sơ trên môi trường số tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch phát triển năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) CĐS trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển hạ tầng Internet, thanh toán số và nền tảng số đạt kết quả tích cực. Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số đạt 12,5%, đứng thứ 10 cả nước.

Tính đến tháng 10/2024, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 9,7%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ lao động kinh tế số đạt 4,9%, tăng 0,7% so với năm 2023; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản có tài khoản thanh toán điện tử 73,9%, tăng 6,7% so với năm 2023; tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 87,5%, tăng 3,43% so với năm 2023; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng ước đạt 76,77%, tăng 4,83% so với năm 2023. Những con số trên cho thấy sự tiến bộ trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số của người dân và DN.

Việc tổ chức, thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh cấp trên 1,3 triệu thẻ căn cước công dân, 979 nghìn tài khoản định danh điện tử; hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với 1.183.176 dữ liệu, góp phần đẩy mạnh khai thác các tiện ích từ Đề án 06 và đăng nhập giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến.

100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, VneID; 70% bệnh nhân sử dụng căn cước công dân, VneID thay thế thẻ Bảo hiểm y tế; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu học phí tại các cơ sở giáo dục, chi trả lương hưu, chế độ chính sách đối với người có công. Định hướng đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ DN sử dụng hợp đồng điện tử đạt tối thiểu 80%...

Việc xây dựng một xã hội số không thể tách rời khỏi mối quan hệ hợp tác giữa hai trụ cột chính: Cơ quan nhà nước và DN công nghệ. Nếu cơ quan nhà nước đóng vai trò định hướng chiến lược, xây dựng hành lang pháp lý, thì DN công nghệ lại là lực lượng triển khai, cung cấp hạ tầng và giải pháp số hóa. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên đã và đang góp phần hình thành nên một hệ sinh thái số bền vững tại Phú Thọ, từ chính quyền số, kinh tế số đến xã hội số.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm dữ liệu số và hệ thống IOC (Sở Thông tin và Truyền thông) nghiên cứu và phân tích các chỉ số CĐS của tỉnh.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm dữ liệu số và hệ thống IOC (Sở Thông tin và Truyền thông) nghiên cứu và phân tích các chỉ số CĐS của tỉnh.

Xác định cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã vào cuộc một cách tích cực với quyết tâm cao, xác định và đánh giá cụ thể, rõ ràng các điều kiện về nhân lực, hạ tầng, trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ của người dân tại địa phương để từ đó xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ CĐS cần triển khai có tính sát thực và phù hợp. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã quan tâm, ban hành các văn bản chỉ đạo, kiện toàn Ban Chỉ đạo CĐS, xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ CĐS có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cũng có nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng các DN công nghệ. Đơn cử như UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) giai đoạn 2020-2025 nhằm cung cấp dịch vụ số, xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số, hướng tới CĐS toàn diện trong mọi lĩnh vực. UBND tỉnh cũng giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở KH&ĐT, Đảng ủy Khối DN tỉnh... khảo sát trực trạng CĐS trên địa bàn, sau đó kết nối các DN viễn thông, công nghệ khẩn trương tiếp xúc, triển khai hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp người dân và DN. Sở TT&TT, Cục Thuế tỉnh cũng đã tích cực đồng hành cùng các DN viễn thông và ghi nhận những nỗ lực trong hỗ trợ CĐS của các DN này.

Về phần mình, luôn xác định một trong những nhiệm vụ cốt lõi của DN công nghệ tại Phú Thọ là phát triển hạ tầng viễn thông và hệ thống mạng lưới kỹ thuật số, các DN viễn thông lớn trên địa bàn tỉnh như VNPT, Viettel, Công ty Mobifone khu vực 4 đã đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới hạ tầng viễn thông, kết nối Internet tốc độ cao đến cả các vùng sâu, vùng xa, làm tiền đề, nền tảng vững chắc cho công cuộc CĐS ở khắp các vùng miền trong tỉnh.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Trung- Bí thu Đảng ủy, Giám đốc Viettel Phú Thọ cho biết, Phú Thọ là một trong những địa phương đầu tiên Viettel triển khai chương trình hợp tác toàn diện, trong đó có CĐS. Viettel đã đầu tư, hỗ trợ tỉnh Phú Thọ để hoạt động CĐS của tỉnh được triển khai hiệu quả, thực chất, đưa Phú Thọ trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh ở cả ba trụ cột CĐS.

Cụ thể, tại trụ cột xã hội số, Viettel phổ cập thanh toán không tiền mặt tới gần hàng triệu khách hàng thông qua hệ sinh thái tài chính số Viettel Money; hệ thống quản lý nhà trường, học tập trực tuyến, sổ sức khỏe điện tử, hệ thống quản lý chương trình an sinh xã hội... tích hợp trên nền tảng dữ liệu quốc gia; góp phần nâng cao chất lượng và sự thuận tiện cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Là đơn vị dẫn đầu về dịch vụ an toàn thông tin tại Việt Nam, Viettel đã cung cấp hệ sinh thái giải pháp bảo mật thế hệ mới, hỗ trợ phát hiện sớm các nguy cơ, dấu hiệu lừa đảo cho các tổ chức, DN; đi cùng với đó là hoạt động truyền thông, cảnh báo các chiến dịch tấn công lừa đảo có chủ đích, hình thức giả mạo phổ biến tới cộng đồng, giúp người dân sống và làm việc an toàn hơn trên không gian số.

Gian hàng của Viettel tại Hội nghị Tôn vinh Doanh nghiệp tiêu biểu năm 2023 thu hút rất nhiều đại biểu đến tham quan và trải nghiệm.

Gian hàng của Viettel tại Hội nghị Tôn vinh Doanh nghiệp tiêu biểu năm 2023 thu hút rất nhiều đại biểu đến tham quan và trải nghiệm.

Cũng với mục tiêu lấy người dân và DN làm trung tâm, hệ sinh thái số của VNPT đã phủ khắp mọi lĩnh vực trong cuộc sống từ chính quyền số đến giáo dục số và y tế số... Đặc biệt, mới đây, VNPT ra mắt hệ sinh thái y tế số với bệnh viện thông minh (VNPT OneHealth); hệ sinh thái giáo dục số với hơn 20 sản phẩm, dịch vụ bao phủ hầu hết các quy trình, nghiệp vụ quan trọng của ngành giáo dục giúp cho các nhà quản lý, các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh có những nền tảng, công cụ hiệu quả, hiện đại hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học. vnEdu 4.0 có bộ giải pháp đầy đủ cho các trụ cột: quản trị số, dạy học số, dịch vụ số.

Còn với MobiFone - một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực viễn thông truyền thống đang chuyển mình sang DN công nghệ số - DN đang nỗ lực đem đến nhiều hơn những sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần tích cực vào công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Công nghệ số thuộc Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 4, Chi nhánh Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, thời gian qua, MobiFone đã phối hợp, đồng hành cùng Sở TT&TT, Cục Thuế tỉnh và các sở, ban, ngành, các huyện, thị triển khai nhiều giải pháp và sản phẩm CĐS thiết thực, hiệu quả hướng đến phục vụ người dân nhanh chóng, thuận tiện như: Giải pháp công nghệ Tour VR360 giới thiệu các “địa chỉ đỏ” và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh trên công nghệ thực tế ảo tăng cường AR/VR; hệ thống quản lý đào tạo, ứng dụng học và thi trực tuyến; giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt MobiFone Money... MobiFone vẫn đang ngày một nỗ lực để hoàn thiện một hệ sinh thái số, hướng đến tương lai số cho tất cả người dân và DN trên địa bàn.

CĐS không chỉ là một chiến lược mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy Phú Thọ phát triển toàn diện và bền vững. Những thành tựu bước đầu trong việc xây dựng xã hội số, với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và DN công nghệ, đã minh chứng cho tiềm năng và sự quyết tâm của tỉnh trong việc đổi mới. Chính quyền tỉnh giữ vai trò định hướng, xây dựng chính sách và hỗ trợ, trong khi các DN công nghệ mang đến những giải pháp hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển đặc thù của địa phương. Từ đây, những bước tiến trong CĐS tại Phú Thọ không chỉ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu CĐS quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số vào năm 2030.

Phương Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phu-tho-xay-dung-xa-hoi-so-223389.htm
Zalo