Phú Thọ xây dựng cơ sở y tế xanh gắn với bền vững

Xây dựng cơ sở y tế xanh sạch đẹp, bền vững tạo môi trường an toàn trong chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, tạo động lực làm việc cho nhân viên y tế và là nền tảng quan trọng để cải thiện chất lượng trên toàn hệ thống.

Ngày 26/11, đoàn công tác của Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ và Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn của tỉnh Phú Thọ nhằm đánh giá công tác triển khai tăng trưởng xanh và xây dựng nền y tế xanh, bền vững.

Tại cả hai cơ sở, đoàn công tác đã đi thực tế các khoa phòng, tham quan những mô hình, cách làm hay trong việc thực hiện Quyết định số 3638/QĐ-BYT triển khai cơ sở y tế xanh sạch đẹp và áp dụng Bộ tiêu chí cơ sở y tế xanh sạch đẹp theo Quyết định số 5959/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành...

BS. Phan Thị Lý - Trưởng phòng Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) phát biểu tại buổi làm việc với Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

BS. Phan Thị Lý - Trưởng phòng Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) phát biểu tại buổi làm việc với Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

BSCK2 Bùi Trọng Quỳnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, việc xây dựng và duy trì cơ sở y tế xanh sạch đẹp, hướng tới sự hài lòng của người bệnh là một trong những nội dung trọng tâm mà bệnh viện đã và đang triển khai. Các giải pháp nhằm duy trì môi trường trong lành, sạch sẽ tại bệnh viện được thực hiện hàng ngày, quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên và mỗi người bệnh, người nhà người bệnh để hoạt động này thực sự có chất lượng, hiệu quả, thúc đẩy xây dựng cơ sở y tế đạt chuẩn xanh, bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên – Trưởng phòng Điều dưỡng - Quản lý chất lượng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích xây dựng là 7909,7m2 và đã dành hơn 17,4 nghìn m2 cho diện tích cây xanh, sân vườn. Ngay từ khi thành lập, bệnh viện đã xác định hoạt động theo mô hình "bệnh viện – khách sạn", đảm bảo tiêu chí sáng – xanh – sạch – đẹp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng cũng như các tỉnh thành trong khu vực Tây Bắc nói chung.

Các khoa, phòng trong bệnh viện đều có hệ thống cây xanh và được sắp xếp phù hợp, vườn hoa, cây cảnh trong khuôn viên được chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên tạo không gian làm việc xanh mát cho các y bác sĩ, tạo cảm giác dễ chịu đối với người bệnh.

Khu vực đăng ký khám, chờ khám được bố trí đầy đủ ghế ngồi, nước uống; các bàn tiếp đón có nhân viên trực được bố trí tại nhiều vị trí để kịp thời hướng dẫn cho người bệnh. Bệnh viện cũng bổ sung các biển chỉ dẫn, hướng dẫn quy trình khám bệnh, hòm thư góp ý; số điện thoại trực 24/24 giờ được sắp xếp tại vị trí dễ quan sát; các buồng bệnh cũng thường xuyên được vệ sinh, khử khuẩn, thay ga giường và quần áo cho người bệnh,… Khu nhà vệ sinh sạch sẽ, sàn không đọng nước, không trơn trượt; khu vệ sinh có bồn rửa tay, có gương, dung dịch rửa tay và bảng hướng dẫn rửa tay an toàn.

Xây dựng bệnh viện xanh sạch đẹp góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Xây dựng bệnh viện xanh sạch đẹp góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo quy định. Chất thải thu gom từ các khoa, phòng được phân loại thành chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt, chất thải tái chế, riêng chất thải y tế nguy hại được bảo quản trong tủ bảo quản lạnh. Đối với tất cả các loại rác thải, bệnh viện đều thực hiện ký hợp đồng với các công ty đủ điều kiện xử lý theo quy định. Do đó, toàn bộ chất thải tại bệnh viện được xử lý an toàn, không gây ô nhiễm môi trường...

Đồng thời, bệnh viện luôn duy trì và triển khai rộng rãi chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa trong cơ sở y tế, 100% các khoa, phòng đều thực hiện ký cam kết giảm thiểu rác thải nhựa. Thêm vào đó, bệnh viện cũng thường xuyên tuyên truyền cho người bệnh, người nhà người bệnh, các căng-tin dịch vụ hạn chế sử dụng các vật dụng bằng nhựa....

Qua thảo luận, Đoàn công tác đánh giá cao Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã duy trì được việc xử lý nước thải bệnh viện đạt tiêu chuẩn cột A - là tiêu chuẩn khá khó, yêu cầu cao; ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, toàn bộ hệ thống chiếu sáng đã được chuyển sang đèn Led, sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm năng lượng...

Đáng chú ý là việc đầu tư, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời ngay từ khi thiết kế và đi vào hoạt động, thường xuyên được duy tu bảo trì. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó trưởng Phòng Hành chính Quản trị cho biết: "Hệ thống năng lượng mặt trời của bệnh viện cung cấp 70m3 nước nóng trong một ngày, cấp đến từng khoa phòng, buồng bệnh giúp tiết kiệm năng lượng rất lớn và hướng đến tiêu chí bền vững, hiệu quả cao...".

Hệ thống năng lượng mặt trời của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ giúp tiết kiệm năng lượng, hướng đến tiêu chí bền vững, hiệu quả cao...

Hệ thống năng lượng mặt trời của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ giúp tiết kiệm năng lượng, hướng đến tiêu chí bền vững, hiệu quả cao...

Tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, chia sẻ về kết quả thực hiện nhóm tiêu chí xanh sạch đẹp, BS. Nguyễn Hữu Hoàng - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn cho biết: "Hàng năm, Công đoàn cơ sở đều phát động phong trào xây dựng môi trường xanh sạch đẹp và thực hiện tốt 5S (Sàng lọc – sắp xếp – Sạch sẽ - Săn sóc – Sẵn sàng), giải cao nhất là 10 triệu đồng. Điều này đã khuyến khích, động viên và tạo ý thức cho cán bộ trong việc chăm sóc cây xanh cũng như sáng tạo ra nhiều góc thiên nhiên xanh, đẹp và ý nghĩa. Cây xanh được trồng và bố trí tại nhiều vị trí trong bệnh viện, bao gồm khu vực trong nhà tại các khoa, phòng và nhiều cây xanh khuôn viên ngoài trời tạo bóng mát và cảnh quan đẹp".

Người dân đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.

Người dân đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.

Ở nhóm tiêu chí sạch, các khu vực khám chữa bệnh, hành lang, phòng chờ, buồng bệnh luôn được làm sạch thường xuyên, đảm bảo không khí trong lành và không có rác thải tồn đọng. Nhà vệ sinh được lau dọn thường xuyên 30 phút - 1 giờ/lần; có đầy đủ giấy vệ sinh, nước rửa tay… Bố trí đầy đủ các thùng đựng rác tại các vị trí.

Trung tâm thực hiện giảm thiểu chất thải bằng cách sử dụng Hồ sơ bệnh án điện tử; Hệ thống lưu trữ hình ảnh y tế (PACS); giảm thiểu chất thải nhựa… Phân loại và xử lý chất thải y tế đúng quy định, đặc biệt là rác thải nguy hại và rác thải sinh hoạt. Nguồn nước sạch thường xuyên được đảm bảo cung ứng liên tục và đầy đủ 24/24h.

Ở nhóm tiêu chí đẹp, Trung tâm sửa chữa, nâng cấp và sơn sửa cơ sở vật chất nhằm đảm bảo thẩm mỹ và sự an toàn cho người sử dụng. Biển bảng chỉ dẫn lối đi vào các tòa nhà, khu vực buồng bệnh, nhà vệ sinh rõ ràng, dễ quan sát. Khuôn viên, phòng khám được trang trí với màu sắc thân thiện và hài hòa, mang lại không gian thoải mái. Đảm bảo đồng phục nhân viên y tế sạch sẽ, gọn gàng và chuyên nghiệp.

Sảnh chờ, hành lang được bố trí nhiều cây xanh, ghế ngồi tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh.

Sảnh chờ, hành lang được bố trí nhiều cây xanh, ghế ngồi tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn cho biết, hàng năm Trung tâm đều tự kiểm tra đánh giá theo từng nhóm tiêu chí để rút kinh nghiệm, triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo hiệu quả hơn.

"Người bệnh được hít thở không khí trong lành cũng hỗ trợ tốt cho việc điều trị. Nếu xung quanh chỉ toàn là bê tông thì cả nhân viên y tế và bệnh nhân đều thấy rất mệt mỏi. Chính vì thế mà ở các khoa phòng chúng tôi đều quan tâm đầu tư, chăm sóc, duy trì và thay thế cây cho phù hợp, tạo không gian thân thiện" - BS. Hoa nói.

Để hướng tới xây dựng cơ sở y tế xanh, bền vững, thời gian tới Trung tâm sẽ tăng cường hiệu quả năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng hệ thống chiếu sáng LED, cách nhiệt hiệu quả, và thiết kế công trình giảm tiêu hao năng lượng; đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời để giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.

Triển khai các thiết bị tiết kiệm nước như vòi nước tự động và hệ thống xả thông minh. Khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, phân hủy sinh học hoặc có thể tái sử dụng. Tiếp tục trồng cây xanh xung quanh khuôn viên cơ sở y tế để cải thiện chất lượng không khí.

Bên cạnh đó, tập huấn cho nhân viên y tế, cung cấp kiến thức và kỹ năng về y tế xanh, bảo vệ môi trường và quản lý chất thải. Truyền thông cho cộng đồng, khuyến khích bệnh nhân và người nhà tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như giảm sử dụng nhựa hoặc phân loại rác. Xây dựng văn hóa xanh, tạo thói quen tiết kiệm, tái chế và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong mọi hoạt động tại cơ sở y tế...

Qua buổi làm việc, BS. Phan Thị Lý - Trưởng phòng Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đánh giá cao những nỗ lực của hai đơn vị trong việc xây dựng và phát triển mô hình y tế xanh, bền vững. Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 5959 của Bộ Y tế về xây dựng cơ sở y tế xanh sạch đẹp, đến nay, tỉnh Phú Thọ là một trong 2 địa phương dẫn đầu miền Bắc về kết quả thực hiện 32 tiêu chí cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải trong các cơ sở y tế.

BS. Lý hi vọng những sáng kiến này sẽ được nhân rộng tại các cơ sở y tế khác để lan tỏa tinh thần vì một môi trường y tế thân thiện và phát triển bền vững.

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xay-dung-co-so-y-te-xanh-gan-voi-ben-vung-169241127120906398.htm
Zalo