Phú Thọ khơi dậy tiềm năng nông nghiệp công nghệ cao

Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ mới không chỉ có sự tái cấu trúc địa giới hành chính mà còn mở ra cơ hội vàng để kiến tạo hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) hiện đại, hiệu quả, bền vững và giá trị gia tăng cao.

Lợi thế tiềm năng

Với diện tích rộng tới hơn 9.000km2, dân số hơn 4 triệu người, tỉnh Phú Thọ mới trước hết có lợi thế lớn về quỹ đất và nhân lực cùng các tiểu vùng khí hậu, loại hình thổ nhưỡng..., đủ để phát triển gần như mọi sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Tiếp đó, tỉnh mới lại được kế thừa nền tảng nông nghiệp công nghệ cao khá cơ bản từ các tỉnh cũ trước khi sáp nhập.

Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc cũ có hơn 73% diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp và được biết đến như một điển hình phát triển NNCNC của khu vực phía Bắc.

Giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh đạt 5-5,3%, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 9 cả nước. Toàn tỉnh đã hình thành hơn 4.800 ha rau an toàn tại 71 địa phương; tích cực triển khai chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, phát triển hợp tác xã và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái - sử dụng kỹ thuật số trong sản xuất - đã tạo ra những cánh đồng mẫu lớn năng suất cao. Tuy nhiên, tỉnh vẫn gặp không ít rào cản như tập quán canh tác truyền thống còn phổ biến, liên kết chuỗi yếu, quỹ đất tập trung hạn chế, trong khi hạ tầng phục vụ sản xuất như thủy lợi, kho bảo quản, chế biến vẫn chưa đồng bộ.

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại nông trại “Đào Gia trang” (xã Vĩnh Tường) giúp gia tăng cả chất lượng và sức cạnh tranh.

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại nông trại “Đào Gia trang” (xã Vĩnh Tường) giúp gia tăng cả chất lượng và sức cạnh tranh.

Tỉnh Phú Thọ cũ lại ghi dấu ấn lớn bằng chủ trương tăng tốc chuyển đổi số nông nghiệp. Theo đó, tỉnh xác lập nhiều vùng chuyên canh có tiềm năng ứng dụng công nghệ cao như 70 vùng chè, 166 vùng bưởi, 33 vùng chuối... Trong đó, hàng nghìn ha bưởi đã đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn và cấp mã số vùng trồng. Tỉnh cũng nỗ lực xây dựng các tổ hợp công nghiệp hậu thu hoạch như liên kết với Tập đoàn Lộc Trời phát triển chuỗi giá trị lúa gạo.

Song song với đó, hơn 80 hợp tác xã, trang trại đã đưa công nghệ cao vào áp dụng, bước đầu nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Dẫu vậy, quy mô trang trại vẫn còn nhỏ lẻ, hạ tầng logistics và các thiết bị chế biến sau thu hoạch còn thiếu, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa trong thời gian tới.

Chè ở Tân Sơn nức tiếng gần xa.

Chè ở Tân Sơn nức tiếng gần xa.

Với tỉnh Hòa Bình cũ, nhiều năm qua được biết đến là trung tâm cây ăn quả công nghệ cao, nổi bật với thế mạnh về cây ăn quả có múi khi chiếm tới 5% diện tích cam, bưởi toàn quốc, cho thu nhập bình quân từ 300–450 triệu đồng/ha/năm - thuộc nhóm cao nhất nước.Tỉnh đã phê duyệt 3 vùng và 11 khu NNCNC, triển khai phần mềm quản lý sâu bệnh, hỗ trợ mã vùng trồng, áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trong trồng dưa lưới, cà chua, sử dụng nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, UAV... Dù vậy, việc thiếu hụt nhân lực chuyên môn cao, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện và mô hình sản xuất còn manh mún vẫn là những rào cản cho sự lan tỏa rộng khắp của NNCNC trên địa bàn tỉnh.

Cây cam Cao Phong góp phần đưa tỉnh Hòa Bình cũ chiếm tới 5% diện tích cây ăn quả có múi của cả nước.

Cây cam Cao Phong góp phần đưa tỉnh Hòa Bình cũ chiếm tới 5% diện tích cây ăn quả có múi của cả nước.

Cơ hội bứt phá

Từ nền tảng đa dạng và thế mạnh riêng của từng vùng, tỉnh Phú Thọ mới cần hướng tới mục tiêu hình thành hệ sinh thái NNCNC liên kết ba địa phương - từ giống, sản xuất, chế biến, logistics đến thị trường. Hệ thống này không chỉ đảm bảo tăng giá trị gia tăng trên mỗi ha canh tác mà còn thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Trước mắt, tỉnh cần có cơ chế, chính sách cho việc xây dựng khuôn khổ đặc biệt áp dụng Nghị quyết hỗ trợ quy mô vùng; cải cách hành chính, ưu đãi tín dụng, tạo quỹ đất, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài theo mô hình liên kết “4 nhà”. Tập trung tái quy hoạch và tích tụ ruộng đất, mở rộng vùng chuyên canh tối thiểu lên quy mô từ 500-1.000 ha; tích tụ đất thông qua hợp tác xã, ưu tiên các vùng đã cấp mã số vùng trồng để hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với công nghệ cao.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống tưới tự động, nhà kính năng lượng tái tạo, kho lạnh, trung tâm logistic liên vùng, liên tỉnh; ứng dụng nền tảng số để quản lý sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử và điều hành sản xuất qua cảm biến, bản đồ GIS. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nông dân số, xây dựng mô hình học viện hoặc liên kết với đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đào tạo kỹ thuật cao và tư duy sản xuất hiện đại.

Hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã vốn đầu tư ban đầu, truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu; kết nối doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân để xây dựng chuỗi giá trị khép kín. Đầu tư công nghệ chế biến, đóng gói, cấp mã truy xuất; phát triển thương hiệu “Phú Thọ mới - VietGAP/CNC”; mở rộng các kênh phân phối qua siêu thị, online và xuất khẩu sang các thị trường lớn trong khu vực và trên thế giới.

Có thể nói, tỉnh Phú Thọ mới hoàn toàn có đủ điều kiện và cơ hội để trở thành hình mẫu nông nghiệp công nghệ cao của cả nước nếu biết phát huy lợi thế từng vùng. Trong đó, điều then chốt là phải xây dựng được hệ sinh thái đồng bộ từ chính sách đến tổ chức sản xuất - chế biến - thị trường theo chuỗi, ứng dụng công nghệ ngay từ đầu, tránh tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm. Khi ba khu vực cùng hướng về một tầm nhìn, đồng lòng đổi mới, tỉnh Phú Thọ mới sẽ không chỉ là sự gộp nối địa lý mà còn là nơi nông nghiệp xanh, sáng tạo và hiện đại.

Quang Nam

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phu-tho-khoi-day-tiem-nang-nong-nghiep-cong-nghe-cao-236586.htm
Zalo