Phụ nữ Tibu dưới 2 làn đạn

Sống dưới sự kiểm soát của quân đội Colombia cùng những nhóm nổi dậy gồm Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (Fuerzas Armadas Revolucionarias de Colombia - FARC), Quân đội giải phóng quốc gia (Ejército de Liberacíon Nacional - ELN), Quân đội giải phóng nhân dân (Ejército Popular de Liberacíon - EPL) và Lực lượng phòng vệ thống nhất Colombia (Autodefensas Unidos de Colombia - AUC), nhiều phụ nữ ở thị trấn Tibu sống giữa hai làn đạn bởi bất cứ lúc nào, họ sẽ bị bên này hay bên kia xử tử với tội danh gián điệp…

1. Đó là một sáng chủ nhật giữa tháng 1/2021, trong căn nhà nhỏ tại thành phố Tibu, tỉnh Norte de Santander, Colombia, gần biên giới Venezuela, Margarita nghe tiếng gõ cửa càng lúc càng dồn dập. Quay sang chồng, cô hỏi: “Ai đến tìm mình vậy?”.

Ảnh chân dung những phụ nữ đã bị ELN sát hạt trong một cuộc biểu tình ở Tibu.

Ảnh chân dung những phụ nữ đã bị ELN sát hạt trong một cuộc biểu tình ở Tibu.

Jaime, chồng Margarita lắc đầu rồi mở cửa. Trước mắt anh là 6 người đàn ông với tiểu liên AK-47 trên tay. Một trong số họ lên tiếng: “Chúng tôi là thành viên Quân đội giải phóng quốc gia (ELN). Chúng tôi muốn gặp cô Mar (tên gọi tắt của Margarita) để hỏi vài việc quan trọng”.

Biết rằng nếu không làm theo lời các tay súng, họ sẽ xông vào nên Mar đành phải bước ra. Chưa đi hết hiên nhà, gã chỉ huy nhóm ELN kéo Mar đứng lại. Gã nói: “Chúng tôi được biết cô là người đã bí mật cung cấp thông tin về ELN cho quân đội. Vì vậy, cô sẽ bị trừng phạt”.

Theo lời Mar: “Sự việc diễn ra rất nhanh. Họ không cho tôi nói một lời nào. Họ bắt đầu đánh tôi, bắt tôi phải khai tôi đã gặp ai và đã cung cấp những thông tin gì về họ”. May mắn là tiếng la hét vì đau đớn của Mar đã thu hút sự chú ý của hàng xóm nên chẳng mấy chốc, khoảng sân trước nhà cô đầy người. Lúc biết được câu chuyện, ông Sebatiens, trưởng khu phố nói với gã chỉ huy: “Các ông nhầm người rồi. Chúng tôi có thể cam đoan với các ông rằng gia đình Mar không làm gì cho chính quyền cả…”.

Có lẽ nhận thấy sự bất lợi khi trong đám đông, nhiều thanh niên với gậy gộc, cuốc xẻng vây quanh nên gã chỉ huy nhóm ELN hạ giọng: “Tôi tạm tha cho cô lần này nhưng cấm cô không được ra khỏi thị trấn. Chúng tôi sẽ xác minh những việc cô làm. Chúng tôi sẽ trở lại”.

Cho đến nay, 3 năm đã trôi qua nhưng Mar vẫn chẳng hiểu tại sao cô lại bị ELN buộc tội chỉ điểm, và sự sống sót của cô phải chăng là phép lạ bởi Mar không phải là người phụ nữ duy nhất bị nhóm ELN ở Tibu nhắm đến. Từ năm 2020 đến 2023, gần 100 phụ nữ đã bị ELN xử tử ngay trước cửa nhà mình, nhiều người khác bị dẫn đi mất tích, hàng trăm gia đình phải chuyển nơi ở sau khi ELN cho rằng an ninh quân đội đã sử dụng phụ nữ làm điệp viên. Tuy nhiên khi được trang tin Latin America Today đặt câu hỏi, Trung tá Rodiguez, chỉ huy quân đội ở Tibu phủ nhận: “Chúng tôi không tuyển dụng phụ nữ mà ngược lại, chúng tôi bảo vệ họ trước các mối đe dọa của phiến quân ELN. Chúng tôi có mạng lưới cơ sở của riêng của mình…”.

Tibu là một trong những đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc xung đột vũ trang ở Colombia. Ngay từ những năm 1970, các nhóm nổi dậy đã lần lượt xuất hiện tại khu vực này, đầu tiên là Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), sau đó là ELN và Quân đội giải phóng nhân dân (EPL) và cuối cùng là Lực lượng phòng vệ thống nhất Colombia (AUC). Việc ký kết thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ với FARC năm 2016 đã làm dấy lên hy vọng vòng xoáy bạo lực có thể sẽ chấm dứt nhưng thay vào đó, ELN ngày càng lớn mạnh và Mặt trận 33, là nhóm bất đồng chính kiến tách ra từ FARC đã nhanh chóng thiết lập sự hiện diện ở Tibu.

Cả ELN và Mặt trận 33 hoạt động như một chính phủ thật sự. Họ tuần tra ở những khu vực do họ kiểm soát, áp đặt lệnh giới nghiêm, xử bắn những người tình nghi hoạt động cho quân đội, giám sát mọi sinh hoạt của người dân, đặc biệt là phụ nữ. Matador, chỉ huy ELN ở Tibu nói với trang tin Latin America Today: “Chúng tôi có chứng cứ để biết rằng từ tháng 8/2020, lực lượng an ninh Colombia đã tuyển dụng phụ nữ để thâm nhập vào hàng ngũ chúng tôi. Đổi lại, họ được ký hợp đồng dài hạn và được trả lương. Họ làm công việc chỉ điểm vì tiền”.

Theo Latin America Today, nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ ở Tibu - phần lớn là di dân đến từ Venezuela nhận lời cộng tác với quân đội chính phủ vì nghèo đói, thất nghiệp, lạc lõng nơi đất lạ quê người. Nhìn bề ngoài, công việc của họ rất đơn giản: Thu thập thông tin về các phong trào nổi dậy ở Tibu, sự xuất hiện của các thành viên trong thành phố, tìm cách thiết lập mối quan hệ với phiến quân ở những nơi họ thường lui tới, chẳng hạn như phòng bi-a, các quán bar hoặc các cửa hàng trò chơi điện tử…, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, 7 người bị ELN chặt đầu. Những mảnh bìa cứng ghim trên xác họ với dòng chữ “Cái giá phải trả cho những kẻ phản bội”.

Cha mẹ của Ana Julia Calderón với di ảnh con gái trong đám tang.

Cha mẹ của Ana Julia Calderón với di ảnh con gái trong đám tang.

2. Trở lại với trường hợp Margarita, cô và chồng từ Venezuela đến Tibu năm 2015. Cả hai nhanh chóng tìm được việc làm ở một trang trại. Những lúc rảnh rỗi, Mar còn dọn dẹp nhà cửa cho hàng xóm, chăm sóc trẻ em để kiếm thêm tiền. Thời gian trôi qua, vợ chồng Mar dần thích nghi với cuộc sống cho đến một ngày giữa tháng 10/2020.

Hôm ấy, Mar vừa dắt chiếc xe máy của cô ra khỏi nhà thì Rafael, thợ cơ khí có cửa hàng trong thành phố đến gần cô. Mar nói: “Tôi và Rafael có sự quen biết vì thỉnh thoảng anh ấy vẫn sửa xe cho tôi”. Sau vài câu thăm hỏi, Rafael móc túi lấy ra 2 tờ 100 USD đưa cho Mar: “Tôi biết trang trại cô làm có người theo ELN. Cô chỉ cần để ý rồi cho tôi biết họ thường giao du với ai. Tất cả những gì cô nói đều được giữ bí mật”.

Lời đề nghị của Rafael khiến Mar hoảng sợ. Không trả lời, Mar nổ máy đi thẳng và cũng từ đó, cô chẳng bao giờ đem xe đến cho Rafael sửa nữa. Mar nói: “Nhưng anh ta không bỏ cuộc. 2 tháng sau, anh ta lại đến nhà tôi, đưa cho tôi một phong bì rồi cho tôi xem hình ảnh của một số người trong điện thoại. Nhiệm vụ của tôi chỉ là gọi ngay cho anh ta khi thấy những người này xuất hiện ở trang trại nơi tôi làm”. Vẫn theo Mar, sự từ chối của cô có thể khiến Rafael tức giận, và anh ta cố tình rò rỉ thông tin cho ELN để trả thù cô.

Nhưng không chỉ quân đội tuyển mộ phụ nữ ở Tibu làm gián điệp. Các nhóm vũ trang cũng sử dụng chiến thuật tương tự vì phụ nữ được cho là ít gây ra sự nghi ngờ hơn nam giới. Theo trang tin InSight Crime, chuyên điều tra những tội ác ở Mỹ Latin thì cuối tháng 12/2020, một sĩ quan an ninh quân đội Colombia tình cờ đọc được một tin nhắn trong điện thoại của người yêu anh ta gửi cho một bạn gái, nội dung cảnh báo người này phải hết sức cẩn thận vì an ninh đang nghi ngờ cô có mối quan hệ với một thành viên ELN. Vài ngày sau, quân đội Colombia tổ chức một cuộc phục kích, giết chết 6 phiến quân ELN còn 2 phụ nữ nêu trên cũng biến mất và đến nay, vẫn chẳng có một thông tin nào về họ.

Để trả đũa, ELN tấn công vào một ngôi làng ở ngoại ô Tibu. 3 phụ nữ có người thân là cảnh sát bị chặt đầu kèm theo lời cảnh báo: “Tất cả mọi cá nhân ở Tibu đều phải chịu trách nhiệm nếu trong gia đình có người cộng tác với an ninh quân đội”. Theresa, 28 tuổi, làm nghề thợ may ở Tibu nói: “Chúng tôi sống giữa hai làn đạn. Cả quân đội lẫn ELN bên nào cũng có thể giết chúng tôi với những tội danh vu vơ…”. Những video thực hiện bởi ELN lan truyền trên trang mạng WhatsApp cho thấy ảnh chân dung của hàng chục phụ nữ bị buộc tội “gián điệp” kèm theo đó là dòng chữ “tử hình” khiến nhiều người trong số họ phải bỏ nhà đi nơi khác bởi họ không thể thanh minh về việc mà họ chưa bao giờ làm. Trung tá Rodiguez, chỉ huy quân đội ở Tibu nói: “Đó là một trong những hình thức khủng bố tâm lý. Tôi khẳng định rằng những phụ nữ nêu trên không làm việc cho chúng tôi. ELN đưa hình ảnh của họ lên để không một người dân nào dám chống lại họ…”.

Xe bus bị ELN tấn công ở Tibu, 36 người chết cháy trong đó có 21 phụ nữ.

Xe bus bị ELN tấn công ở Tibu, 36 người chết cháy trong đó có 21 phụ nữ.

3. Nhưng không phải tất cả mọi phụ nữ ở Tibu đều khuất phục các nhóm phiến quân. Catalina chẳng hạn, tháng 8/2021 cô đã phải bỏ trốn khi các tay súng ELN đến nhà để giết cô chỉ vì cô là người giúp việc cho gia đình một sĩ quan cảnh sát. Catalina nói: “Vỏn vẹn 2 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2021, đã có 11 phụ nữ bị ELN sát hại và tôi có thể sẽ là người thứ 12. 35 chị chị em khác bị ELN kết án tử hình. Họ là người nấu cơm, may vá quần áo, tạp dịch trong các doanh trại quân đội. Tôi không thể chống lại họ nhưng tôi có thể làm cho thế giới biết những gì đang xảy ra với những người vô tội ở Tibu. Tội ác phải bị trừng phạt, quyền sống phải được tôn trọng và bảo vệ”.

Cùng với sự giúp sức của Alexandra, bạn trai cô, cả hai rong ruổi trên chiếc xe gắn máy, thu thập tất cả những thông tin, hình ảnh về tội ác của ELN với dân thường nói chung và phụ nữ Tibu nói riêng. Những hồ sơ này được Catalina gửi cho ông Francisco Barbosa Bộ trưởng Tư pháp Colombia, cho đại diện Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc ở Colombia, cho Tổng cục Điều tra hình sự Cảnh sát quốc gia Colombia cùng các tổ chức xã hội dân sự, các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước. Tiếp theo, Catalina tổ chức một cuộc biểu tình ngồi để phản đối bạo lực mà phụ nữ đang phải chịu đựng.

Chỉ vài ngày sau khi diễn ra cuộc biểu tình, thi thể của Nelly Avendano, người đã cung cấp thông tin cho Catalina được tìm thấy giữa đường với khuôn mặt nát bấy. Hai ngày sau, lại có thêm 2 phụ nữ bị giết nhưng cảnh sát không xác minh được nhân thân. Hôm sau nữa, xác một phụ nữ cổ họng bị cắt được phát hiện tại đồn điền cọ ở Campo Dos, ngoại ô Tibu rồi tiếp theo, Geraldine Poveda, một phụ nữ trẻ 23 tuổi bị giết ngay tại một con đường lớn ở trung tâm thành phố.

Chưa hết, tử thi của Ana Julia Calderón đầy những vết đạn, nổi lên trên một con mương. Cô cũng là người mà ELN công khai lên án tử hình trên trang mạng WhatsApp. Riêng với Catalina, 6 thành viên ELN đến nhà tìm cô lúc nửa đêm. Họ nói với cha mẹ Catalina rằng cô là “an ninh chìm của chính phủ”. Catalina kể: “Ngay sau khi nhóm ELN rút đi, mẹ tôi điện thoại cho tôi, vừa nói vừa khóc, bảo tôi nên nhanh chóng rời khỏi Tibu. Tôi hỏi mẹ tôi “mẹ có tin vào việc con đang làm không” thì mẹ tôi ngập ngừng: “Có! Nhưng mẹ cũng tin rằng họ sẽ giết con”.

Theo các nhà quan sát địa chính trị khu vực Mỹ Latin cùng số liệu của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, khoảng 329.000 người ở Tibu bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột vũ trang, trong đó hơn 100.000 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực phe nhóm. Vẫn theo số liệu này, từ năm 2017 đến 2023, trung bình mỗi năm có 553 phụ nữ bị giết và một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm trạng là Tibu, một phần của tỉnh Norte de Santander, nơi sản xuất và xuất khẩu cocaine lớn nhất Colombia. Cuộc điều tra gần đây do Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm thực hiện cho thấy Tibu hiện có 22.000 hecta trồng cây coca, 9 nhà máy chế biến lá coca thành cocain. Hàng chục nghìn gia đình nông dân tồn tại là nhờ loại cây này nên cũng dễ hiểu vì sao họ là chỉ điểm viên của quân đội hoặc là người cung cấp thông tin cho ELN.

Ông Néstor Leal, thị trưởng Tibu nhìn nhận rằng ông cùng các viên chức thành phố “lo lắng theo dõi phiến quân hành xử quyền lực như cảnh sát trong lúc người dân vì sinh kế nên phải khuất phục” trong lúc Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp tuyên bố đã xác định được nghi phạm của 81% các vụ giết người và đã ban hành lệnh bắt giữ nhưng đến nay, vẫn chưa có một kẻ nào phải vào tù…

Vũ Cao (Theo Latin America Today)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/phu-nu-tibu-duoi-2-lan-dan-i736043/
Zalo