Phóng viên, chuyên gia cũng trở thành 'con mồi' của tội phạm lừa đảo

Không chỉ những người dân thiếu kiến thức mà rất nhiều trường hợp nạn nhân của những vụ lừa đảo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng lại là những người có hiểu biết, danh tiếng lẫn địa vị xã hội.

Nhà báo Hà Loan

Nhà báo Hà Loan

Khi chuyên gia tài chính cũng trở thành nạn nhân

Là phóng viên theo dõi mảng tài chính - ngân hàng, thường xuyên được tiếp cận thông tin, cập nhật những thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực này, song nhiều lúc tôi cũng không khỏi sửng sốt vì thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội quá tinh vi, thiên biến vạn hóa, khiến ngay cả những người có hiểu biết, am hiểu về lĩnh vực này cũng trở thành nạn nhân.

Mới đây, báo chí xôn xao về trường hợp Chủ tịch UBND một huyện bị lừa mất tới hơn 170 tỷ đồng bằng thủ đoạn hết sức phổ biến, đã được các cơ quan chức năng, truyền thông cảnh báo nhiều lần. Theo đó, đối tượng lừa đảo mạo danh cơ quan bảo vệ pháp luật, cho biết vị Chủ tịch có dính dáng đến pháp luật và yêu cầu người này mở tài khoản để chuyển tiền vào, sau đó xâm nhập vào tài khoản và rút hết tiền. Hay trường hợp một chuyên gia tài chính - ngân hàng nổi tiếng bị kẻ gian “hack” mất gần 500 triệu đồng vào cuối năm ngoái. Dù đã báo ngân hàng và cơ quan công an, nhưng việc truy tìm các đối tượng lừa đảo và lấy lại số tiền đã mất gần như là không thể. “Tôi là chuyên gia về kinh tế và thường xuyên lên diễn đàn khuyến nghị mọi người cần cẩn thận, bảo vệ thông tin tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, chính tôi cũng từng mất tiền vì nhóm lừa đảo” - vị chuyên gia chia sẻ với phóng viên.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia trong một lần chia sẻ với phóng viên cũng kể về câu chuyện bạn thân của ông, cũng là một chuyên gia nhiều năm làm việc trong ngành ngân hàng, nhưng mới đây bị lừa mất 470 triệu đồng. Sau khi nghe bạn trình bày và than thở, vị chuyên gia chỉ có thể đưa ra lời khuyên là “hãy im lặng”, bởi một người thông minh, có am hiểu về lĩnh vực ngân hàng nhưng sau cùng vẫn để bị lừa bằng những thủ đoạn rất sơ đẳng.

Bản thân phóng viên viết bài này, vì một nguyên nhân nào đó bị đối tượng lừa đảo nắm giữ thông tin số về số điện thoại cũng đã liên tục trở thành mục tiêu của bọn chúng. Hàng ngày, các đối tượng liên tục gọi điện, khi thì thông báo trúng thưởng từ các nhãn hàng, sàn thương mại điện tử; khi thì mời gọi nhận tài liệu chứng khoán; khi thì yêu cầu cập nhật thông tin căn cước công dân; khi thì thông báo bị xử phạt vi phạm giao thông; thông báo có kiện hàng hoàn; thông báo có dính đến hành vi vi phạm pháp luật… Nhờ sự cảnh giác và cập nhật thông tin thường xuyên, tôi mới may mắn chưa bị lừa. Nhưng với những thủ đoạn tinh vi này, nếu người dân thiếu hiểu biết về tài chính và công nghệ, việc “mắc bẫy” là khó tránh khỏi.

Tình trạng lừa đảo qua mạng không ngừng gia tăng

Tình trạng lừa đảo qua mạng không ngừng gia tăng

Tích cực phối hợp để “chặt vòi bạch tuộc”

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Đây chỉ là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Bộ Công an đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng; trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nhận được gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam. Trong đó, tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo được ghi nhận hơn 300 tỷ đồng.

Các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Trong đó, đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, sử dụng các địa điểm lừa đảo ở nước ngoài để hoạt động phạm tội tại Việt Nam. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác truy tìm thủ phạm và thu hồi tài sản cho người dân. Đáng nói, trong tất cả các vụ việc lừa đảo, ngân hàng luôn là khâu “trung gian” mà các đối tượng phạm tội cần lợi dụng để nhận tiền, rút tiền lừa đảo. Đa phần các tài khoản lừa đảo là “tài khoản ma”, tức là các tài khoản mà đối tượng mở bằng giấy tờ giả, tài khoản thuê, mua lại… Do đó, để Việt Nam không trở thành “vùng trũng” của tội phạm công nghệ, ngành ngân hàng và công an đang tích cực phối hợp để “chặt vòi bạch tuộc” của loại tội phạm này. Theo đó, từ đầu năm ngoái, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thống nhất ban hành Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 trong lĩnh vực ngân hàng.

Sau hơn 1 năm phối hợp thực hiện, Bộ Công an cho biết, đã thực hiện xác thực, làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam; 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại. Đồng thời, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp triển khai xác minh những tài khoản nghi ngờ giả mạo phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm, xây dựng lòng tin của người dân.

Đối với ngành ngân hàng, một quy định quan trọng được áp dụng từ ngày 1-7 tới đây được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tối đa việc kẻ gian lợi dụng ngân hàng để phạm tội. Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ thời điểm nêu trên, các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng số tiền chuyển trong ngày vượt 20 triệu đồng; hoặc các giao dịch Mobile Banking trên các thiết bị mới sẽ phải xác thực sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay). Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, đây là một trong những yếu tố quan trọng sẽ giúp ngăn chặn việc sử dụng các tài khoản không chính chủ để phục vụ các mục tiêu lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tiền. “Điều này có nghĩa nếu không may bị kẻ gian lấy cắp tiền trong tài khoản, số tiền bị mất trong ngày sẽ không quá 20 triệu đồng. Với quy định này, từ ngày 1-7, sẽ không có chuyện người dân nói rằng tôi đang ngủ mà bị đánh cắp hàng trăm triệu đồng trong tài khoản. Sẽ không bao giờ có chuyện điện thoại nóng ran lên rồi tiền tự động bốc hơi mất” - ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Dù vậy, sự nỗ lực của cơ quan chức năng sẽ không loại bỏ được hoàn toàn tội phạm. Theo quan sát của phóng viên, trước sự quyết liệt của ngành ngân hàng, thì những vụ việc gần đây cho thấy, các đối tượng dần chuyển sang thủ đoạn “thao túng tâm lý”, khiến người dân tự nguyện chuyển tiền cho bọn chúng, thay vì “đột nhập” vào thiết bị hay “app” (ứng dụng) ngân hàng của khách hàng để chuyển tiền đi. Do đó, việc bảo vệ đồng tiền của mình, quan trọng nhất vẫn sẽ phụ thuộc vào ý thức và sự hiểu biết của mỗi người dân.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phong-vien-chuyen-gia-cung-tro-thanh-con-moi-cua-toi-pham-lua-dao-post581655.antd
Zalo