Phong trào phụ nữ đòi quyền sống: Ngọn lửa đấu tranh quật cường giữa lòng địch
Kỷ niệm 55 năm ngày ra đời Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống (2/8/1970 - 2/8/2025), PNVN giới thiệu bài viết về lịch sử và hoạt động của Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó nổi bật là luật sư Ngô Bá Thành và Tổng thư ký Trần Thị Lan - những người đã góp phần đưa phong trào đấu tranh sôi nổi, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng bất chấp sự đàn áp, bắt bớ của địch.
Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống đã trở thành một mặt trận đấu tranh công khai, độc đáo và mạnh mẽ, quy tụ hàng ngàn phụ nữ miền Nam Việt Nam.
Ra đời vào tháng 8 năm 1970 tại Sài Gòn, Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống đã trở thành một mặt trận đấu tranh công khai, độc đáo và mạnh mẽ, quy tụ hàng ngàn phụ nữ miền Nam Việt Nam. Điểm nổi bật nhất của phong trào là đã tập hợp, quy tụ được sự tham gia của mọi tầng lớp: từ nữ trí thức, luật sư, sinh viên đến tiểu thương,công nhân, nông dân, các nhà tu hành và thậm chí cả phu nhân của các quan chức trong chính quyền Sài Gòn.
Dưới sự dẫn dắt của những người lãnh đạo thông minh, quả cảm như luật sư Ngô Bá Thành và Tổng thư ký Trần Thị Lan, phong trào đã tổ chức đấu tranh sôi nổi, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng bất chấp sự đàn áp, bắt bớ của địch. Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống không chỉ là biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của phụ nữ mà còn là một bộ phận quan trọng góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Khi nỗi đau lên tiếng
Chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ đã khiến đô thị miền Nam Việt Nam chìm trong không khí ngột ngạt. Mùa hè năm 1970, sự kiện chính phủ Lon Nol thảm sát dã man hàng ngàn Việt kiều ở Campuchia đã trở thành giọt nước tràn ly, thổi bùng lên ngọn lửa căm phẫn trong lòng người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Hàng loạt cuộc biểu tình, tuần hành do sinh viên, học sinh khởi xướng đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ. Chính trong không khí sục sôi ấy, một mặt trận đấu tranh công khai, rộng lớn và độc đáo của phụ nữ đã được hình thành.
Ngày 26/7/1970, sau một đại hội quy tụ 15 đoàn thể phụ nữ, tổ chức ban đầu với tên gọi "Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống" đã được thành lập. Bản tuyên ngôn của Ủy ban đã vang lên như một lời thề sắt đá: "Hòa bình là nguyện vọng nhất thiết và cấp thiết của toàn dân Việt Nam" và "Phụ nữ kết hợp thành một khối sát cánh cùng đồng bào mọi giới đứng lên dành HÒA BÌNH và QUYỀN SỐNG".

Phong trào phụ nữ đòi quyền sống chào mừng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và ngày Quốc tế Lao động ngày 01-5-1975
Ngày 02/8/1970, tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn, Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống đã chính thức ra mắt trong một cuộc tập hợp và biểu dương lực lượng hùng hậu của nữ giới thành phố. Buổi lễ có sự tham dự của hơn 1.000 đồng bào, quy tụ đầy đủ đại diện cho mọi tầng lớp, nghề nghiệp, các hội đoàn...
Những ngọn cờ tiên phong
Linh hồn và là Chủ tịch của phong trào là Luật sư Ngô Bá Thành, một hình mẫu trí thức uyên bác, có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quả cảm, đã từ bỏ cuộc sống ở nước ngoài để cùng gia đình trở về Việt Nam, dấn thân vào cuộc đấu tranh của dân tộc. Sát cánh bên bà là Tổng Thư ký Trần Thị Lan, một nhà giáo thông minh, bản lĩnh và đầy nhiệt huyết. Cùng với những nhân vật uy tín khác như: Ni sư trưởng Huỳnh Liên và các đại diện từ nghiệp đoàn… đã tạo thành một bộ chỉ huy tài tình, mưu lược, dẫn dắt phong trào vượt qua mọi sóng gió.

Bà Ngô Bá Thành và bà Trần Thị Lan tại phiên tòa xét xử hai lãnh đạo Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống
Để tạo ra một thế mạnh hợp pháp và có tính quần chúng hơn, đại hội bất thường ngày 18/10/1970, Ủy ban đã chính thức đổi tên thành "Phong trào Phụ nữ Việt Nam Đòi quyền sống". Phong trào không chỉ xây dựng cơ sở trong quần chúng lao động mà còn khéo léo vận động sự tham gia của các nữ trí thức, chủ hãng, công chức cấp cao… và cả những "mệnh phụ, phu nhân" của các quan chức trong chính quyền Sài Gòn. Từ Sài Gòn, phong trào nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh. Dưới ảnh hưởng của phong trào, nhiều tổ chức quần chúng khác cũng được hình thành, tiêu biểu là Phong trào Nông dân đòi quyền sống.
Cuộc đấu tranh không khoan nhượng
Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống đã tổ chức hàng trăm cuộc đấu tranh trên nhiều mặt trận với các khẩu hiệu cụ thể, cấp thiết: đòi dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình, chống bắt lính và bảo vệ nhân phẩm phụ nữ.Trên mặt trận dân sinh, họ đã giành được những thắng lợi vang dội, buộc giới chủ các nhà máy lớn như bột giặt Viso hay hãng Pin con Ó phải cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương và chống sa thải vô cớ cho công nhân. Họ sát cánh cùng giới công nhân trong các cuộc đình công.
Trên mặt trận chính trị, họ không ngần ngại đối đầu trực diện với chính quyền. Tháng 8/1971, phong trào đã huy động lực lượng chống lại trò hề "độc diễn bầu cử Tổng thống" của Nguyễn Văn Thiệu. Họ đã đốt thẻ cử tri ngay trước trụ sở Hạ nghị viện. Cuộc đấu tranh này đã bị đàn áp dã man, Chủ tịch Ngô Bá Thành và Tổng Thư ký Trần Thị Lan bị bắt giam.
Trên mặt trận ngoại giao, phong trào đã tạo được tiếng vang quốc tế. Tháng 5/1971, tại nhà riêng của bà Ngô Bá Thành ở số 2 Cao Bá Quát, Sài Gòn, một cuộc hội thảo quốc tế đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện phụ nữ từ Úc, Pháp, Canada, New Zealand và Hoa Kỳ. Hội thảo đã ra một bản tuyên ngôn chính trị, lên án chiến tranh, đòi Mỹ rút quân, lập chính phủ ba thành phần và bảo vệ nhân phẩm phụ nữ Việt Nam, được nhiều hãng thông tấn lớn đăng tải, tạo ra một áp lực quốc tế đáng kể.
Trong hoạt động nhân đạo và binh vận, các thành viên của phong trào thường xuyên tổ chức thăm viếng các trại giam tù chính trị ở Thủ Đức, Chí Hòa, Côn Đảo để động viên tinh thần và ủng hộ vật chất cho các chiến sĩ cách mạng.
Phong trào phụ nữ đòi quyền sống còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, phối hợp tác chiến với các phong trào đấu tranh khác một cách chẽ, hiệu quả.

Chiếc áo len bà Ngô Bá Thành tự tay đan, thêu trong tù có dòng chữ ĐÒI QUYỀN SỐNG
Tinh thần bất khuất sau song sắt
Bị bắt giam và trải qua nhiều nhà tù của địch, bà Ngô Bá Thành, bà Trần Thị Lan và nhiều tấm gương của phong trào vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu ngoan cường, giữ vững phẩm cách, khí tiết bất chấp những trận đòn tra tấn tàn bạo. Đặc biệt, trong nhà giam Chí Hòa, bà Ngô Bá Thành và bà Trần Thị Lan có một sáng kiến đấu tranh vô cùng độc đáo: lập ra chương trình phát thanh "Tiếng nói Phụ nữ đòi quyền sống". Họ dùng một chiếc bình tưới cây làm loa, mỗi tối, những bản tin "tự chế" bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp lại vang lên, tố cáo chế độ nhà tù hà khắc và hô vang các khẩu hiệu đấu tranh, củng cố tinh thần cho các tù nhân khác và gửi tín hiệu ra bên ngoài.
Trong khi đó, ở bên ngoài, phong trào vẫn bền bỉ hoạt động, phối hợp với Ủy ban cải thiện chế độ lao tù đấu tranh đòi thả tự do cho các tù chính trị.

Chiếc áo bà ba thêu khẩu hiệu TỰ DO, HÒA BÌNH của các nữ tù nhân chính trị phong trào Phụ nữ đòi quyền sống mặc trong cuộc biểu tình, tuần hành
Sức sống bất diệt
Trong những năm cuối của cuộc chiến, Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống tiếp tục hòa mình vào các phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam. Họ ủng hộ giới báo chí trong "Ngày ký giả đi ăn mày" để phản đối chế độ bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, tổ chức nhiều hội thảo ủng hộ bản cáo trạng chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và đòi Mỹ chấm dứt viện trợ quân sự.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hầu hết các thành viên của phong trào đều tích cực, hăng hái tham gia vào các hoạt động cách mạng, góp phần thầm lặng nhưng quan trọng vào ngày toàn thắng của dân tộc.
Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, sức mạnh của quần chúng nói chung, của phụ nữ nói riêng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Kế thừa truyền thống hàng nghìn năm lịch sử, họ đã đấu tranh kiên cường trên mọi mặt trận, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của đại thắng mùa Xuân năm 1975. Chiến tranh đã lùi xa nhưng Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống đã, đang và sẽ mãi là niềm tự hào, là nguồn cảm hứng bất tận, cỗ vũ, khích lệ các thế hệ người Việt nói chung, phụ nữ nói riêng trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì một đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.