Phòng ngừa hỏa hoạn

Trong ngày 16/6/2024, liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy nhà dân tại phường Định Công, quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) và phường Đa Mai, TP Bắc Giang gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 7 người chết. Trước đó, tại địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy nhà trọ, cháy chung cư mini làm 70 người chết, hàng chục người bị thương.

Theo công bố của các cơ quan chức năng, nguyên nhân các vụ cháy đều liên quan đến sử dụng điện và các thiết bị điện. Với 2 trong số 3 vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại TP Hà Nội, xe cứu hỏa khó tiếp cận do ngõ hẹp khiến việc ứng cứu gặp khó khăn. Hậu quả các vụ cháy càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các ngôi nhà, tòa nhà hầu như không có lối thoát hiểm; ban công bị rào chắn bằng sắt quây kín; bị bít bởi biển quảng cáo hoặc kính cường lực; cháy trong đêm khi cư dân đang say ngủ. Kỹ năng, trang thiết bị hỗ trợ thoát hiểm của người dân còn hạn chế thậm chí không có.

Cùng với nỗi xót xa, bàng hoàng, ám ảnh trước những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người dân không khỏi lo ngại bởi nguy cơ hỏa hoạn luôn hiện hữu, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hiện đang là thời điểm nắng nóng cao độ giữa mùa hè, thành phố là nơi tập trung dân cư với mật độ cao; nhu cầu và mức độ sử dụng điện năng lớn dẫn tới khả năng quá tải, nhất là với hệ thống thiết bị của mỗi gia đình. Cùng đó, nếu hệ thống đường dây, đồ dùng điện ở hộ dân đã lâu năm, cũ nát, chắp vá thì khả năng gặp sự cố càng cao.

Thành phố cũng là nơi tập trung nhà ở liền kề (nhà ống) cao tầng, nhà hàng dịch vụ lẫn trong khu dân cư. Khá phổ biến tình trạng nhà ở đồng thời là nơi kinh doanh các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, đồ ăn uống đến thiết bị, vật tư, hàng may mặc, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng nói chung. Không ít hộ kinh doanh hàng hóa chồng chất trong nhà, kín đặc cả cầu thang lên xuống, chỉ chừa lối đi vừa chân.

Mặc đù cách đây ít lâu, chính quyền và cơ quan chức năng đã phát động rộng rãi phong trào “nhà tôi có bình cứu hỏa”, hầu như hộ dân nào cũng có ít nhất 1 bình song nếu không may xảy ra sự cố thì không hẳn ai cũng biết sử dụng bình đúng cách và hiệu quả. Thêm vào đó không ít người vẫn còn tâm lý chủ quan, xem nhẹ hỏa hoạn.

Với khu vực đô thị, để giảm thiểu nguy cơ, giảm thiểu mức độ thiệt hại nếu không may hỏa hoạn xảy ra, trước tiên, mỗi gia đình, mỗi người dân hãy có ý thức phòng ngừa chủ động và tích cực. Chính quyền, cơ quan chức năng tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo thường xuyên, liên tục; tổ chức kiểm tra, hỗ trợ các hộ dân tự kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị điện trong nhà để bảo đảm lắp đặt đúng cách, an toàn; sửa chữa, thay thế đồ dùng, đường dây đã cũ, hỏng. Cùng đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng và biện pháp thoát hiểm đến tận tổ liên gia, nhóm hộ gia đình.

Lâm Dũng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phong-ngua-hoa-hoan-072035.bbg
Zalo