Phòng, chống sốt xuất huyết ở Đồng Nai: Xác định điểm nguy cơ cao để tập trung nguồn lực
Đó là đề nghị của Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM – PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Thượng đối với ngành y tế Đồng Nai, tại chương trình giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng phòng bệnh, vừa diễn ra hôm 17/7.
Nỗ lực nơi "thế giới nhà trọ"
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, khu vực Trảng Bom hiện có hơn 350 nghìn dân. Với 4 khu công nghiệp lớn và 8 cụm công nghiệp trên địa bàn, nên đặc thù dân cư ở Trảng Bom là đông lao động nhập cư. Điều này cũng khiến nơi đây trở thành một trong những "thế giới nhà trọ" của tỉnh Đồng Nai. Chỉ tính riêng một ấp gần khu công nghiệp Bàu Xéo đã có hơn 3.000 dãy trọ (mỗi dãy có nhiều phòng trọ).

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Thượng (thứ hai từ trái) cùng hai lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai kiểm tra thực địa hộ gia đình chủ nhà trọ ở ấp 9, gần khu công nghiệp Bàu Xéo.
Giám sát thực địa tại một khu nhà trọ cho thấy, không chỉ hồ thủy sinh (không thả cá) có nhiều lăng quăng, mà một số vật dụng sinh hoạt trong nhà cũng đầy lăng quăng "đủ mọi độ tuổi". Điều này cho thấy, vật dụng chứa nước đã nhiều ngày.
Theo anh Trần Mạnh Hùng – Trưởng ấp 9, cuối tuần nào anh cùng các thành viên chi bộ ấp (các tổ trưởng) cũng tới các khu trọ nhắc nhở chủ nhà.
"Nhà trọ này mới nhắc ít hôm, chủ trọ gật đầu hứa hẹn nhưng sáng sớm lại lên rẫy, chiều tối mới về, trong nhà chỉ còn người già không xử trí được. Cả chi bộ ấp chỉ có mấy thành viên, mà cả ấp hơn 3.000 dãy trọ nên nỗ lực hết sức để bà con cùng diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, nhưng thú thiệt là vận động không xuể...", anh Hùng chia sẻ.

Cán bộ đoàn công tác đi thực địa nhà trọ.
Theo Trung tâm Y tế khu vực Trảng Bom, 6 tháng đầu năm 2025 đã ghi nhận 563 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 81,5% so với cùng kỳ 2024. So với các bệnh truyền nhiễm khác (tay chân miệng, sởi, ho gà...), sốt xuất huyết ở Trảng Bom đáng lo ngại hơn.
Được biết, tính 6 tháng đầu năm, trung bình cả nước có số mắc sốt xuất huyết tăng khoảng 70% so cùng kỳ. Thực tế cho thấy, số lượng nhà trọ quá nhiều ở Trảng Bom đã ảnh hưởng tới số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng.
Ngoài đặc thù "thế giới nhà trọ", Trung tâm Y tế khu vực Trảng Bom còn dẫn ra một số nguyên nhân khiến hiệu quả phòng, chống dịch sốt xuất huyết nơi đây chưa đạt như mong muốn: Hệ thống truyền thanh không còn phát như trước đây nên người dân "trắng" thông tin y tế (ảnh hưởng cả phòng dịch lẫn tiêm chủng phòng bệnh); lực lượng cộng tác viên hỗ trợ diệt lăng quăng không còn (từ 2022 tới nay)... Do đó, dù hết sức nỗ lực trong cả hệ thống, từ Trung tâm Y tế tới các trạm y tế, song số ca mắc sốt xuất huyết ở Trảng Bom chưa giảm như mong muốn.

Kiểm tra hoạt động y tế học đường tại Trường Mầm non Hoa Mai ở Trảng Bom.
Từ góc độ chuyên môn, PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Thượng chia sẻ rằng, năm 2022 cả nước ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao tới mức kỷ lục. Tuy nhiên, tới năm 2023 thì lắng dịu và tới năm 2024 thì sốt xuất huyết chạm đáy với số mắc thấp nhất. Vì vậy, trong năm nay 2025, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước, hay tại Trảng Bom, tăng cao so với cùng kỳ cũng là chuyện dễ hiểu. "Song, nếu không kịp thời phòng chống, nguy cơ sốt xuất huyết lan rộng và bùng phát sẽ ngày càng lớn", lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM cảnh báo.
Tập trung vào điểm nguy cơ cao
Dữ liệu từ CDC tỉnh Đồng Nai cho thấy, tính tới ngày 10/7/2025, toàn địa bàn ghi nhận 6.548 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 167% so với cùng kỳ 2024. Vì vậy, khi làm việc cùng đại diện lãnh đạo Sở Y tế và toàn hệ thống điều trị, dự phòng trên địa bàn Đồng Nai, PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Thượng đã hoan nghênh nỗ lực, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của tất cả nhân viên y tế thời gian qua.
Tuy nhiên, trước một số khó khăn, thách thức hiện nay, đáng nói là nguồn lực còn mỏng, ngành y tế Đồng Nai cần khẩn trương lập kế hoạch, đồng thời xác định cụ thể các khu vực, các điểm nguy cơ cao về sốt xuất huyết. Từ đó, tập trung nguồn lực tạo thành các mũi nhọn công phá hiệu quả, hóa giải nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết như mong muốn.

Một dãy trọ bình dân ở Trảng Bom - nơi có nguy cơ cao về sốt xuất huyết.
PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Thượng cũng gợi mở các phương thức khả thi trong nỗ lực tác động tới cộng đồng tại thời điểm hiện nay. Theo đó, với đồng bào dân tộc thiểu số thì nhờ người có uy tín (già làng, trưởng bản), với đồng bào Công giáo thì nhờ các linh mục chánh xứ thuyết phục, vận động tham gia các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết (diệt lăng quăng, phát quang sân vườn, ngủ màn...). Ngoài ra, y tế địa phương nên chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận, lực lượng chức năng... trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Liên quan tới công tác phối hợp để hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả như mong muốn, PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Thượng còn đề nghị ngành y tế Đồng Nai sớm tham mưu, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch.
Theo lãnh đạo Viện Pasteur TPHCM, việc này không thể chậm trễ mà cần gắng sức làm ngay. Bởi, vai trò của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ đó gia tăng cơ hội ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Nhà trọ khang trang, giảm nguy cơ dịch bệnh nhưng giá thuê cao hơn nhiều so với nhà trọ bình dân.
Tại buổi lamg việc, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai đã nhất trí với những chia sẻ, góp ý từ Viện Pasteur TPHCM, đồng thời chỉ đạo 22 đơn vị y tế, cùng các đơn vị liên quan nỗ lực phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thời gian tới.