Phổi mọc nấm sau một lần hút thuốc, cô gái trẻ chiến đấu suốt 4 năm để sống
Chỉ sau một hơi thuốc lá khi còn là thiếu nữ, Madelynn bị nấm mốc tấn công phổi, phải sống nhờ máy thở và mang bình oxy suốt 4 năm để giành giật sự sống.
Madelynn May, 27 tuổi, hiện đã hồi phục phần lớn sức khỏe. Nhưng ít ai biết, suốt bốn năm trước đó, cô từng phải chiến đấu với loại nấm nguy hiểm trong phổi sau một trải nghiệm hút thuốc tưởng chừng vô hại. Khi ấy, Madelynn chỉ mới là một thiếu nữ, lần đầu thử thuốc lá trong lúc ở nhà bạn bè.
"Chỉ sau một hơi hút, tôi đột nhiên không thể thở được nữa. Tôi ho dữ dội, ngạt thở rồi ngất đi vì thiếu oxy", Madelynn kể lại. Cô được bạn gọi cấp cứu và đặt vào tình trạng hỗ trợ sự sống ngay trên xe cứu thương. Các bác sĩ bối rối trước tình trạng suy phổi cấp tiến mà không rõ nguyên nhân.
Kết quả xét nghiệm khẩn cấp cho thấy trong cơ thể cô xuất hiện một loại nấm mốc xâm lấn mạnh, tấn công cả phổi, mũi và tai. Các cơ quan bắt đầu ngừng hoạt động vì không thể chống chọi lại với nấm. “Cơ thể tôi gần như bị bao phủ bởi nấm. Họ phải đặt portacath (ống truyền dưới da) để đưa thuốc chống nấm vào liên tục. Nhưng tình trạng vẫn xấu đi”.
Gia đình Madelynn nhận được thông báo rằng cô đang sống nhờ máy móc, trong khi các bác sĩ chưa thể xác định nguyên nhân chính xác. Suốt một năm đầu, cô liên tục được chuyển qua nhiều bệnh viện để tìm hy vọng chẩn đoán và điều trị.

Ảnh minh họa
Sau hàng loạt xét nghiệm và nội soi phế quản, cuối cùng cô được xác định mắc aspergillosis – một dạng nhiễm nấm do bào tử Aspergillus, thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường hô hấp. Bệnh khiến cô mắc suy hô hấp nặng, buộc phải dùng bình oxy liên tục mỗi ngày.
“Tôi sống trong bệnh viện khoảng một năm, trải qua ít nhất 8 lần nội soi phế quản. Mỗi lần bác sĩ làm sạch nấm trong cơ thể là một lần tôi phải chống chọi với đau đớn và kiệt sức. Tôi còn phải tập vật lý trị liệu để phục hồi cơ bắp do nằm giường quá lâu”, cô nhớ lại.
Một chi tiết đáng chú ý là suốt thời gian đầu điều trị, không ai nghĩ nguyên nhân bắt nguồn từ một điếu thuốc. Chính Madelynn cũng không nhớ mình từng hút. “Khi tỉnh lại, tôi hoàn toàn quên chuyện đã thử hút thuốc. Mãi sau này, khi bác sĩ hỏi kỹ về tiền sử tiếp xúc, tôi mới sực nhớ ra. Họ lập tức nói: điều đó hoàn toàn hợp lý”.
Theo các bác sĩ, khả năng cao cô đã hít phải bào tử nấm tồn tại trên điếu thuốc hoặc trong môi trường hút, từ đó tạo điều kiện cho chúng phát triển trong cơ thể. Với hệ miễn dịch còn yếu ở tuổi thiếu niên, cộng thêm điều kiện thuận lợi trong đường hô hấp, loại nấm Aspergillus nhanh chóng lan rộng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong suốt 4 năm sau đó, Madelynn phải sống chung với bình oxy, ho ra đờm đen và đối mặt với các triệu chứng tái phát. “Mỗi lần dùng tăm bông ngoáy tai, nó đen kịt. Tôi ho ra đờm đen suốt nửa năm trời”.
Đến nay, sức khỏe Madelynn đã ổn định trở lại. Cô không cần dùng oxy nữa, nhưng vẫn phải kiểm tra định kỳ và sống cẩn trọng hơn. “Tôi từng suýt phải ghép phổi, nhưng may mắn là nấm chưa phá hủy hoàn toàn. Bây giờ phổi tôi còn khỏe hơn nhiều người cùng tuổi. Tôi sẽ không bao giờ đụng vào bất kỳ dạng khói nào nữa – kể cả thuốc lá điện tử hay vape”, cô nói.
Theo chuyên gia sức khỏe, spergillus là loại nấm có mặt tự nhiên trong không khí, đất, thực phẩm ôi thiu, thậm chí trong các vật dụng ẩm mốc. Khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc hít phải lượng lớn bào tử, nguy cơ nhiễm trùng phổi, xoang và các cơ quan nội tạng tăng cao. Hút thuốc – đặc biệt là trong môi trường kém vệ sinh – có thể vô tình đưa bào tử nấm vào sâu trong phổi. Trường hợp của Madelynn là lời cảnh tỉnh cho thói quen tưởng chừng vô hại: chỉ một lần hút thuốc, hậu quả có thể kéo dài cả đời.