Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp

Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là xu hướng giàu tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích đa chiều. Tại tỉnh ta, sự phối hợp giữa ngành văn hóa, thể thao và du lịch với ngành Nông nghiệp và Môi trường đang được xem là động lực then chốt, góp phần đưa lĩnh vực này trở thành một hướng đi chiến lược trong phát triển du lịch địa phương.

Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Du lịch và nông thôn, nông nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết; những hoạt động của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tiền đề để phát triển du lịch. Ngược lại, du lịch phát triển sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ổn định khu vực nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp”.

Du khách trải nghiệm hái mận tại bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu

Du khách trải nghiệm hái mận tại bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu

Thực tế, trong những năm qua, hoạt động du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, việc UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3745/KH-UBND ngày 24/8/2023 về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 được xem là bước đi quan trọng, định hướng rõ ràng cho chiến lược phát triển dài hạn.

Các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Điện Biên bước đầu đã đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội: Tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống cho người dân nông thôn; đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong xây dựng môi trường du lịch văn minh, sạch đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, toàn tỉnh có 12 bản văn hóa du lịch, 20 homestay, 15 điểm tham quan vui chơi, giải trí. Trong đó, nổi bật một số địa điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, như: Bản Phiêng Lơi (Phường Điện Biên Phủ); bản Che Căn (xã Mường Phăng), bản Mển (xã Thanh Nưa), bản Nà Sự (xã Mường Chà). Khi đến với các bản văn hóa du lịch, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con dân tộc Thái; trực tiếp tham gia chế biến món ăn; giao lưu văn hóa, văn nghệ; thưởng thức ẩm thực địa phương; nghỉ ngơi tại các gia đình trong bản.

Nông dân xã Sính Phình thu hoạch ngô trên cao nguyên đá.

Nông dân xã Sính Phình thu hoạch ngô trên cao nguyên đá.

Hoạt động mua sắm cũng tương đối phát triển. Các mặt hàng được du khách ưa thích là sản phẩm thổ cẩm, các sản phẩm OCOP như: Mật ong Chà Nưa, bánh Chí Chọp, bánh Khẩu Xén, Trà Shan Tuyết P.H.14,… Trên địa bàn tỉnh có nhiều cửa hãng bán các mặt hàng đặc sản, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương, điều này góp phần quan trọng trong phát triển hoạt động mua sắm và hoạt động du lịch nói chung trên địa bàn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Phú cũng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn. Tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn của Điện Biên chưa được khai thác hết; sản phẩm còn đơn điệu, thiếu chiều sâu, mang tính bổ trợ, chưa đủ sức hấp dẫn để níu chân du khách dài ngày. Phần lớn các sản phẩm du lịch hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức độ tham quan, trải nghiệm đơn giản, thiếu sự đầu tư về nội dung, hình thức, tính kết nối giữa các điểm đến chưa cao.

Du khách tìm hiểu kỹ thuật trồng nho hạ đen tại xã Mường Phăng.

Du khách tìm hiểu kỹ thuật trồng nho hạ đen tại xã Mường Phăng.

Nhận thấy những rào cản và tiềm năng to lớn của du lịch nông nghiệp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động đề xuất, ký kết chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường giai đoạn 2025 - 2030, với mục tiêu cụ thể hóa các giải pháp phát triển du lịch nông thôn hiệu quả và bền vững.

Theo nội dung chương trình phối hợp, hai Sở sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu, số liệu liên quan đến các dự án nông nghiệp gắn với phát triển du lịch; phối hợp tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng, hướng dẫn địa phương xây dựng mô hình điểm về du lịch nông nghiệp; đồng thời phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị, đoàn công tác, đoàn khảo sát liên ngành để kiểm tra, đánh giá chất lượng điểm đến, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, việc phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch nông nghiệp - nông thôn như: Tài nguyên du lịch, điều tra chi tiêu của du khách, hạ tầng kỹ thuật… sẽ là nền tảng quan trọng để quản lý, đề xuất chính sách phát triển bài bản hơn. Các kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua kênh du lịch cũng là một trong những trọng tâm được chú trọng.

“Du lịch nông nghiệp, nông thôn bắt nguồn từ chiều sâu văn hóa bản địa, từ đời sống người nông dân - những người trực tiếp tạo ra sản phẩm và dịch vụ. Vì thế, việc phát triển du lịch ở khu vực này không chỉ đơn thuần là khai thác cảnh quan, mà còn là cơ hội để quảng bá văn hóa, nâng cao thu nhập và vị thế của người dân bản địa” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Minh Phú nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch - Sở Nông nghiệp và Môi trường ký kết thỏa thuận hợp tác.

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch - Sở Nông nghiệp và Môi trường ký kết thỏa thuận hợp tác.

Điện Biên là vùng đất giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa các dân tộc và các giá trị nông nghiệp truyền thống. Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với định hướng chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế số. Đây cũng là hướng đi giúp tỉnh khai thác các giá trị khác biệt, tạo dấu ấn riêng trong bản đồ du lịch khu vực Tây Bắc. Chương trình phối hợp giữa hai Sở không chỉ dừng lại ở những nội dung ký kết mang tính hình thức mà sẽ được cụ thể hóa bằng các hoạt động thường xuyên, linh hoạt, có sự theo dõi, đánh giá, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Qua đó đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả trong tổ chức triển khai, góp phần đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn Điện Biên phát triển thực chất, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của ngành du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.

Trong giai đoạn phát triển mới, khi du khách ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm chân thực, gắn với thiên nhiên, cộng đồng và văn hóa bản địa, thì du lịch nông nghiệp, nông thôn chắc chắn sẽ là “cánh cửa” rộng mở, tạo ra cơ hội lớn không chỉ cho ngành du lịch, mà còn cho cả nông dân và nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh Điện Biên.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/du-lich/phoi-hop-trong-phat-trien-du-lich-nong-nghiep
Zalo