Phối hợp chặt chẽ, đa dạng hóa hình thức để triển khai hiệu quả Đề án 1219
Tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Đề án 'Hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền' (Đề án 1219) do Bộ Quốc phòng tổ chức sáng 11-7 vừa qua, cùng với khẳng định tầm vóc, ý nghĩa quan trọng của đề án này, đại diện các cơ quan, đơn vị cũng nêu nhiều kinh nghiệm, giải pháp thực hiện. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến.
Thiếu tướng LÊ VĂN TRUNG, Phó chính ủy Quân khu 4:
Triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lặp
Nhằm triển khai Đề án 1219 có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời, hiệu quả, sát tình hình thực tế, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, Quân khu 4 chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch sát với đặc điểm, tình hình địa bàn. Trong tháng này, chúng tôi sẽ xây dựng và ban hành xong kế hoạch để đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện. Về tài liệu, chúng tôi sẽ chỉ đạo biên soạn bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Ngoài đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, phóng viên Báo Quân khu 4, chúng tôi sẽ mời thêm cán bộ, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí thường trú trên địa bàn, cơ quan báo chí địa phương tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tạo điều kiện để phóng viên thâm nhập, tìm hiểu thực tế.
Nhiều xã trong 64 xã biên giới thuộc địa bàn Quân khu 4 nằm trong diện nghèo nhất của cả nước; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật thấp, hạ tầng giao thông kém. Bên cạnh đó, các vấn đề phức tạp về an ninh biên giới có xu hướng gia tăng; hoạt động chống phá của các đối tượng còn phức tạp... đã tác động đến công tác xây dựng địa bàn, củng cố quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, thực hiện hiệu quả Đề án 1219 sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách về dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới trên địa bàn Quân khu 4.
----------------
Thiếu tướng VĂN NGỌC QUẾ, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP):
Bám cơ sở, tuyên truyền sát thực tế, hiệu quả
Bộ tư lệnh BĐBP đã phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong BĐBP, xác định mục tiêu, nội dung nhiệm vụ, hoạt động thực hiện Đề án 1219 theo từng năm, từng giai đoạn; chỉ đạo các đơn vị chủ động khảo sát, bám nắm tình hình địa bàn đứng chân của các đơn vị sau điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập, bảo đảm không bỏ sót đối tượng, địa bàn. Các đơn vị BĐBP đã lồng ghép hoạt động thông tin, tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc với các mặt công tác khác một cách bài bản, có nền nếp; phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm văn hóa từng vùng miền, dân tộc; phát huy tốt vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín và quần chúng nhân dân để đưa thông tin lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Quảng Nhâm, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ CHQS TP Huế hỗ trợ xây dựng nhà và vận động gia đình ông Hồ Văn Hình ở xã A Lưới 3, TP Huế chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: VÕ TIẾN
Thời gian tới, BĐBP tiếp tục bám sát tình hình và điều kiện thực tế để xác định nội dung phù hợp; thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền theo hướng kết hợp các hình thức truyền thống với hiện đại; tiếp tục nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả như “Tiếng loa biên phòng”, “Cụm thông tin đối ngoại”, “Biên giới với học đường”, “Tiết học vùng biên”, “Tủ sách pháp luật”, “Bản tin vùng biên”... Cùng với đó là tiếp tục duy trì và phát triển đội ngũ tuyên truyền viên, thông tin viên là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở; đầu tư kinh phí, trang thiết bị, huy động các nguồn lực, bảo đảm Đề án 1219 được triển khai thuận lợi, đồng bộ; gắn việc tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, các phong trào thi đua, các đề án, cuộc vận động ở địa phương, đơn vị. BĐBP cũng sẽ phối hợp chặt chẽ trong thông tin, tuyên truyền giữa BĐBP với các cơ quan, đơn vị có liên quan; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các cơ quan báo chí để tổ chức tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc hiệu quả.
--------------------
Đại tá PHẠM VIẾT KHÁNH, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2:
Phối hợp xác định tốt nội dung thông tin, tuyên truyền
Để thực hiện hiệu quả Đề án 1219, trước hết, chúng tôi quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa của Đề án 1219. Các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 2 cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để nắm dư luận, xác định nội dung, định hướng tư tưởng. Trong đó, chúng tôi xác định nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, tập trung vào các chính sách dân tộc, pháp luật về quốc phòng, an ninh và các quyền, nghĩa vụ của công dân. Chúng tôi sẽ chú trọng lựa chọn cán bộ là người dân tộc thiểu số, am hiểu phong tục, ngôn ngữ địa phương để tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, dân tộc, chính sách dân tộc và kỹ năng tuyên truyền. Đồng thời, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số làm “cầu nối” trong tuyên truyền chính sách.
Song song với các giải pháp nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền, chúng tôi cũng tính đến việc thiết lập cơ chế theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Đề án 1219 tại cơ sở, đặc biệt là các tỉnh biên giới Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang bằng cách: Lấy ý kiến phản hồi từ người dân để điều chỉnh nội dung, phương pháp thông tin, tuyên truyền phù hợp hơn với thực tế; đưa kết quả tuyên truyền và phối hợp tuyên truyền vào nội dung thi đua, khen thưởng, xác định là một tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
----------------------
Đại tá NGUYỄN MINH TUẤN, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân:
Muốn tuyên truyền hiệu quả phải hiểu đồng bào
Chúng tôi xác định việc triển khai thực hiện Đề án 1219 sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức như: Đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên còn mỏng, chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp; việc hiểu phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng, ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Vì vậy, một trong những nội dung giải pháp chúng tôi tập trung vào là nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ ở các tỉnh địa bàn biên giới đất liền. Hỗ trợ, bảo đảm kịp thời các tài liệu, ấn phẩm phục vụ lực lượng trực tiếp thông tin, tuyên truyền tại khu vực biên giới đất liền. Đồng thời, mở thêm các lớp học tiếng dân tộc, nắm chắc những phong tục, tập quán, tín ngưỡng văn hóa, những thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị đóng quân ở địa bàn biên giới đất liền phối hợp với đơn vị bạn, địa phương đứng chân nghiên cứu, khảo sát, nắm tình hình, thực trạng, nhu cầu của đối tượng thụ hưởng để thông tin, tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc chính xác, phù hợp, tránh chồng chéo.