Phố Nghề tinh xảo, phố Người tài hoa

Là con rể của phố Hàng Bạc (Hà Nội), nhưng tôi đi bộ đội, chuyển ngành ra lại đi công tác các địa phương suốt nhiều năm nên hiếm khi được lang thang ngắm phố và không am tường lắm về cư dân trong phố này. Nghỉ hưu chừng một năm, vợ tôi bảo: 'Tôi sẽ đưa ông đi dọc con phố, lần lần để ông biết cái phố phường nhà vợ ông như thế nào. Giờ rảnh rỗi rồi, ông còn khỏe, tranh thủ đi, kẻo sau lại hối tiếc'. Nghe bà xã nói có lý, tôi đồng ý ngay.

Dấu ấn phố cổ kiên cường

Ăn xong bát phở gà đặc biệt tại hàng phở bà Minh 104 Hàng Bạc, vợ tôi thủng thẳng giới thiệu: Phố Hàng Bạc dài gần 300m, rộng hơn 6m, chạy từ cuối phố Hàng Mắm (Ngã ba Mã Mây), chạy cắt qua ngã tư phố Tạ Hiện - Đinh Liệt, đến chỗ ngã tư Hàng Ngang, Hàng Đào nối Hàng Bồ.

Thời xưa phố có nghề đúc bạc, đổi tiền và kim hoàn. Qua biến thiên lịch sử, chỉ còn lại nghề kim hoàn, chạm vàng, chạm bạc trụ lại. Người trong phố chủ yếu là dân Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội cùng vài nơi khác tụ về chung tay lập nghiệp.

Rạp Chuông vàng trên phố Hàng Bạc.

Rạp Chuông vàng trên phố Hàng Bạc.

Phố có hai ngôi đình để thờ Tổ nghề. Đó là “Đình trên” tức Trương Đình (số nhà 50) và “Đình dưới” tức Kim Ngân Đình (số nhà 42).Họ Phạm ở phố này chiếm tỷ lệ khá cao, nhà 104 bán phở và nhiều nhà lân cận cũng họ Phạm Đình, quê Châu Khê, Hải Dương, mấy đời làm vàng bạc. Bây giờ các gia đình chuyển đổi nghề nhiều, chỉ còn lại một bộ phận nhỏ giữ nghề kim hoàn.

Họ Phạm phố này nổi tiếng nhất là nhà tư sản Phạm Chân Hưng, chủ hiệu vàng Chân Hưng, là người giàu nức tiếng ở phố Hàng Bạc trước Cách mạng Tháng Tám. Cụ từng làm chủ bút tờ Báo Nông - Công - Thương, làm Chủ tịch khu Đông Kinh Nghĩa Thục (bao gồm phố Hàng Bạc và nhiều khu phố lân cận), làm Chủ tịch Tuần lễ vàng đầu tháng 9/1945 do Bác Hồ phát động.

Ngôi nhà 86 Hàng Bạc của cụ Chân Hưng từng là nơi Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô thường xuyên tụ họp, chỉ đạo nhiều trận đánh có tiếng vang lớn, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen, đặc biệt là trận chợ Đồng Xuân. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ở đây một thời gian và chính ngôi nhà số 86 này là nơi tổ chức lễ cưới của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Vợ tôi đưa tay chỉ về phía bên trái phố, đó là rạp hát Chuông Vàng, số nhà 72. Tại đây, ngày 14/1/1947, trong không khí hừng hực khí thế chiến đấu của “Toàn quốc kháng chiến”, đại đội Quyết tử quân của Liên khu I đã làm lễ tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” và từ nơi này đã vang xa khắp thành phố bài hát “Cùng nhau đi Hồng binh/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh…” ("Cùng nhau đi hồng binh" - Đinh Nhu).

Những người làm đẹp cho đời

Người con cả của cụ Phạm Chân Hưng là Phạm Huy Thông (1916 - 1988), không chỉ là một trí thức lớn, một nhà thơ tài danh, mà còn là một nhà cách mạng ưu tú. Năm 1956, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm giáo sư trong đợt đầu tiên và đảm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Một con đường đẹp của Thủ đô bao quanh hồ Ngọc Khánh được mang tên Phạm Huy Thông.

Bà xã chợt kéo tôi vòng trở lại, đến trước nhà số 124, bà bảo: Ông vẫn thường hát ngâm nga “Tung cánh chim tìm về tổ ấm/ Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm…”, thì đây, nhà của ông Hoàng Giác(1924-2017) tác giả bài hát đó. Ông này quê gốc làng Chèm, Hà Nội, là nhạc sĩ tiền chiếnnổi tiếng của nềnTân nhạc Việt Nam. Ông sáng tác chỉ khoảng 20 bài thôi, nhưng một số tác phẩm được yêu thích, vượt thời gian như “Mơ hoa”, “Ngày về”, “Lỡ cung đàn”...

Con trai cả của nhạc sĩ Hoàng Giác là nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm (1952-2021), cũng từng là bộ đội chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, nổi tiếng với các bài thơ “Những câu thơ viết đợi mặt trời”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” và các kịch bản phim truyện “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa Đông năm 46”, “Mùi cỏ cháy”… Trong đó, “Mùi cỏ cháy”giúp Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.

Vợ tôi kéo tay tôi sang bên kia đường, dãy nhà số lẻ, nhà số 27 là gia đình diễn viên điện ảnh nổi tiếng Hoàng Yến (1933-2020). Bà tên đầy đủ là Lê Thị Hoàng Yến, quê Gia Lâm, Hà Nội, thuộc thế hệ diễn viên khóa I của Trường Điện ảnh Việt Nam (nay làTrường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Hà Nội). Bà từng công tác tại Đoàn kịch - Điện ảnh của Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam (sau làHãng phim truyện Việt Nam).

Ngôi nhà số 86 Hàng Bạc của nhà tư sản yêu nước Phạm Chân Hưng.

Ngôi nhà số 86 Hàng Bạc của nhà tư sản yêu nước Phạm Chân Hưng.

Bà tham gia từ những tác phẩm đầu tiên của nền điện ảnh nước nhà (phim “Vườn cam”, 1958, đạo diễn Phạm Văn Khoa). Hoàng Yến tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao, như phim "Người về đồng cói" (mẹ anh Văn), "Em bé Hà Nội", "Cô giáo vùng cao" (mẹ Xinh), "Làng Vũ Đại ngày ấy" (vợ cả Bá Kiến), "Số đỏ" (bà cố Hồng), "Bao giờ cho đến tháng Mười" (bà Hiến), "Giông tố" (bà đồ Uẩn), "Của để dành" (bà Vi), "Cảnh sát hình sự" (mẹ của Bắc “đại bàng”, phần 2)… Diễn viên, NSƯT Hoàng Yến nghỉ hưu năm 1989. Bà được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997.

Lưng lửng phố là nhà của nghệ sĩ độc diễn múa rối cạn Dương Văn Học, ông sinh năm 1940 tại Hà Nội. Tốt nghiệp đại học biểu diễn và biên đạo múa, nhưng ông rẽ ngang sang lĩnh vực độc diễn rối cạn. Ông đã giành được các giải thưởng: Huy chương Vàng Liên hoan Múa rối toàn quốc 1994; Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Giải thưởng của Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển; Giải thưởng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và nhiều Bằng khen tại các Liên hoan múa rối quốc tế.

Từ căn nhà ở phố Hàng Bạc này, Dương Văn Học từng bay đi biểu diễn tại 45 quốc gia trên thế giới. Nhiều vở diễn của ông được khán giả Pháp, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ, Hy Lạp, Hà Lan… hoan nghênh nồng nhiệt. Hiện nay ông xây dựng Bảo tàng nghệ thuật múa rối độc diễn đương đại duy nhất tại Việt Nam, trưng bày hơn 120 con rối lớn nhỏ, với các thể loại khác nhau do chính tay ông chế tác và được ông biểu diễn nhiều nơi trong nước và quốc tế.

Vợ tôi bỗng ngâm ngợi: “Ba mươi sáu mặt phố phường/ Hàng Giấy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào/ Người đài các, kẻ thanh tao”, rồi bảo: Ông có nhớ bài hát “Còn thương nhau thì về Buôn mê Thuột” không? Đây đây, nhà của ông nhạc sĩ Nguyễn Cường chuyên đội mũ cao bồi 24/24 đây, nhà số 94 trước mặt. Ông này sinh năm 1943, người Hà Nội chính gốc nhưng sáng tác rặt chất Tây Nguyên, thế mới tài!Nào là“Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Đôi mắt Pleiku”, “Ơi Mdrak”, “Ly cà phê Ban Mê”…

Ấy, nhiều bài ông viết lại rõ ra âm hưởng dân ca Bắc Bộ, như “Mái đình làng biển”, “Hò biển”, “Một nét ca trù ngày xuân”, “Nhớ tuổi thơ Hà Nội”… Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã được tặngGiải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuậtnăm 2007, Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2010 với bản hợp xướng hoành tráng “Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng” do hàng trăm nghệ sĩ vừa trình diễn vừa đánh trống đồng vang dội trong Lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Rồi bà xã tôi lại hướng sang nhà số 118 Hàng Bạc gần đó, nhà nhạc sĩ, ca sĩ Đức Chính, ông sinh năm 1957 tại Hà Nội. Ông từng công tác tại Đoàn văn công Phòng không - Không quân, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, từng đi biểu diễn phục vụ bộ đội nơi tuyến lửa và quốc tế, đã giành nhiều Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Có thể nói, ca sĩ Đức Chính là người thể hiện thành công nhất ca khúc “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” của Nguyễn Cường - ông bạn vong niên cùng phố: “Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội/ Những phố phường tuổi thơ tôi vời vợi/ Phố Hàng Lược chợ hoa/ Phố Hàng Đào lụa tơ/ Đất Thăng Long người ơi/ Mái nhà nào chờ tôi”…

Ông có chất giọng tenor bay, trong sáng và truyền cảm. Đức Chính còn có một số sáng tác nổi bật như ca khúc “Kỷ niệm không quên”, “Nhớ quê”, “Đất nước huyền thoại”, “Việt Nam chân trời rộng mở”... Ông được tặng danh hiệu NSƯT năm 2012.

Dừng chân ở giữa phố, vợ tôi hỏi: “Sao, ông thấy phố nhà vợ ông thế nào?”. Nhìn xa xăm về cuối phố, tôi trầm ngâm: “Người dân Hàng Bạc nghề thì tinh xảo, người thì tài hoa, làm đẹp cho đời qua nghề chạm bạc trang sức, còn làm đẹp cả cõi tâm hồn con người nữa”. Đúng lúc ấy, từ quán cà phê góc phố, một giai điệu thân quen văng vẳng vang ra: “Những mái nhà ngói xô bài ca/ Những gì đã qua lại bao la vọng về/ Những gì đã qua lại bao la một chiều” (“Mãi vẫn là tuổi thơ tôi - Hà Nội” - Nguyễn Cường).

Lê Phúc Hỷ

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/pho-nghe-tinh-xao-pho-nguoi-tai-hoa-i775182/
Zalo