Phổ điểm môn tiếng Anh gây bất ngờ, cần thay đổi cách dạy và học ra sao?
Đề thi và phổ điểm môn tiếng Anh đòi hỏi giáo viên phải thay đổi cách dạy, học sinh phải thay đổi cách học, cách tiếp cận, tăng cường kỹ năng đọc hiểu.
Chiều 15-7, Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Trong 12 môn thi, phổ điểm môn tiếng Anh gây bất ngờ, trái với dư luận trước đó. Sau khi kết thúc kỳ thi, đa số học sinh, giáo viên đều đánh giá đề quá sức với học trò.

Phổ điểm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT. Nguồn: BỘ GD&ĐT
Phổ điểm môn tiếng Anh rất 'đẹp'
Phổ điểm tiếng Anh hình chuông là dạng phân bố lý tưởng trong giáo dục với phần đỉnh nằm ở điểm trung bình - nơi chiếm đa số học sinh, hai bên đối xứng. Số học sinh đạt điểm quá thấp hoặc quá cao rất ít “khoảng trống" giữa yếu và giỏi bị xóa bỏ.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. Ảnh: DI LINH
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà nội nhận xét, phổ điểm tiếng Anh ‘rất đẹp’, phản ánh đúng thực tế và chất lượng dạy và học tại các trường.
"Phổ điểm đẹp, khá cân đối, không còn hình yên ngựa cho thấy những em chủ ý chọn môn tiếng Anh đều có sự chuẩn bị và năng lực khá tốt", ông Đức nhận định.
Cô Đỗ Thị Ngọc Anh, giáo viên IELTS tại DOL English, đánh giá phổ điểm có dạng hình chuông tương đối chuẩn, cho thấy đề thi có độ phân hóa tốt.
Số lượng điểm 10 là 141 thí sinh, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số hơn 351.000 thí sinh.
Điểm trung bình là 5,38 cho thấy mặt bằng chung về năng lực của tất cả thí sinh là trên mức trung bình một chút.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất đó là phổ điểm có dạng dốc thoải ở phía điểm cao (từ 7 điểm trở lên) cho thấy một thực trạng rõ ràng: để đạt điểm cao, thí sinh cần có năng lực ngôn ngữ thực sự, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu.
Số lượng thí sinh năm 2025 (351.848) đã giảm xuống chỉ còn khoảng 38,8% so với năm 2024 (906.549). Đây là một sự sụt giảm rất đáng kể về quy mô do đây là môn tự chọn. Có một xu hướng rõ ràng là kết quả thi năm 2025 đã cải thiện ở nhóm điểm thấp nhưng đồng thời cũng cho thấy việc đạt điểm cao trở nên khó khăn hơn.
Cô Trần Nguyễn Hương Giang, Tổ trưởng chuyên môn tổ tiếng Anh Trường THPT Hùng Vương nhận xét phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh đẹp. Nhiều học sinh đạt điểm trong khoảng giữa của biểu đồ ( 5_6 ). Điều này, cho thấy đề thi được thiết kế phù hợp với trình độ của đa số học sinh. Điểm >7,8 ít hơn cho thấy đề có tính phân hóa cao và đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Ở góc nhìn khác, cô Nguyễn Thị Thanh Thế, Bộ phận quản lý chuyên môn công ty Gia sư eTeacher chia sẻ phổ điểm đã phản ánh rõ nét hơn độ khó của đề thi năm nay. Điểm trung bình của các thí sinh tham gia môn thi Tiếng Anh là 5.38, phổ điểm "tụt", ít thí sinh đạt được điểm cao.
Với phổ điểm hiện tại, các chuyên gia sẽ thấy phổ điểm đẹp vì tạo được độ phân hóa rõ ràng, học sinh giỏi sẽ nổi bật hẳn và dễ phân lọc trong xét tuyển Đại Học, các trường tiệm cận hơn với mục đích chọn được thí sinh đúng năng lực. Tuy nhiên, với phổ điểm này có thể thấy nhiều học sinh chưa khá giỏi sẽ rơi vào tình huống trượt tốt nghiệp nếu điểm trung bình quá thấp.
Thay đổi cách dạy và học
Trước sự thay đổi của đề thi cũng như phổ điểm thi, cô Trần Nguyễn Hương Giang cho rằng giáo viên cần thay đổi cách dạy cho phù hợp với chương trình mới như tạo môi trường học tích cực, khuyến khích sự tham gia và tạo động lực cho học sinh thông qua các hoạt động thú vị và bổ ích.
Giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy và tăng cường ứng dụng công nghệ bằng cách khai thác các ứng dụng học tiếng Anh, trang web luyện tập ngữ pháp và từ vựng để học sinh có thể tự học tại nhà.
Đồng thời, giáo viên cần dạy các em 4 kỹ năng trong đó quan trọng là kỹ năng đọc và tập cho học sinh làm quen với dạng đề thi; khuyến khích học sinh tự học, lập kế hoạch học tập và sử dụng tài liệu tự học hiệu quả.
Tương tự, cô Đỗ Thị Ngọc Anh cũng cho rằng cần phải có một cuộc cách mạng trong phương pháp giảng dạy và học tập tiếng Anh. Cụ thể, cần tăng cường dạy bản chất, tư duy, lồng ghép các hoạt động rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong bối cảnh thực tế.
Học sinh phải tập trung vào việc xây dựng nền tảng từ vựng, ngữ pháp vững chắc và luyện tập kỹ năng đọc hiểu để sử dụng được.
Để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội và giúp thế hệ trẻ tự tin hội nhập, việc dạy và học tiếng Anh cần một cuộc cách mạng thực sự, tập trung vào năng lực sử dụng thực tế, tư duy.
Tương tự, GS Nguyễn Đình Đức cho rằng vẫn có 38,22% số thí sinh dự thi môn tiếng Anh có điểm dưới trung bình, cho thấy dù đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, nhưng để tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, chúng ta vẫn phải phấn đấu thêm rất nhiều.
"Để làm được điều đó, cần sự đồng hành của thí sinh, phụ huynh, mỗi gia đình và toàn xã hội với nhà trường và ngành giáo dục. Đột phá về ngoại ngữ là hành trình không thể một sớm một chiều", nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ nhấn mạnh.