PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ THANH: ỦNG HỘ CHÍNH PHỦ ĐỀ XUẤT CÁC BIỆN PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN VÀ TẠO ĐIỀU KIỆN KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI

Phát biểu tại Phiên họp tại Tổ 12 sáng 20/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức ủng hộ Chính phủ trong đề xuất các biện pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi giúp khơi thông nguồn lực đất đai và kịp thời giải quyết những vấn đề đang là điểm nghẽn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội...

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ sáng 20/6/2024

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ sáng 20/6/2024

Phát biểu tại Phiên thảo Tổ 12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định: Bốn luật trên là 4 lĩnh vực có sự điều chỉnh, tác động đến chính trị, kinh tế, xã hội và đời sống của Nhân dân rất lớn. Do vậy, tính cấp bách trong việc triển khai các nội dung liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng là để phục hồi, thúc đẩy kinh tế cũng như giải quyết những vấn đề mà nhu cầu của doanh nghiệp, của Nhân dân liên quan đến vấn đề đất đai là rất cần thiết.

Cũng xuất phát từ thực tiễn như vậy, Chính phủ có trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét những nội dung Chính phủ trình để báo cáo với Quốc hội về tính cần thiết cho việc điều chỉnh một số nội dung có hiệu lực sớm. Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 với một số nội dung như trong dự án Luật đã nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức ủng hộ Chính phủ trong đề xuất các biện pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi giúp khơi thông nguồn lực đất đai góp phần phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng và nhu cầu về phát triển sản xuất, kinh tế, đời sống của Nhân dân.

Các ĐBQH thuộc Tổ 12 tham dự Phiên thảo luận

Các ĐBQH thuộc Tổ 12 tham dự Phiên thảo luận

Trước những băn khoăn về việc nhiều văn bản chi tiết chưa được thẩm tra cũng như khẳng định sự sát thực, tính đúng đắn của các văn bản hướng dẫn chi tiết? Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ thể hiện sự cam kết trên bằng việc bổ sung thêm một khoản vào điều khoản thi hành. Đó là ở Điều 5 của dự thảo Luật thì cần phải quy định rõ là Chính phủ chịu trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong các luật, đảm bảo các văn bản hướng dẫn có hiệu lực cùng với thời điểm hiệu lực thi hành của luật và đảm bảo việc thực thi các luật này đi vào cuộc sống và đảm bảo độ chính xác, đúng đắn của dự án Luật này.

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Về tên luật, tại Điều 8 của Nghị quyết 351/2017/UBTVQH14 có quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy định tên gọi của văn bản là một câu ngắn gọn, một từ hoặc cụm từ phản ánh khái quát nội dung chủ yếu của văn bản. Đồng thời, tại nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua có nêu: Tên gọi chính thức của luật sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định khi xem xét thông qua dự án luật.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc, điều chỉnh tên gọi của luật. Theo đó, đề nghị sửa là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về hiệu lực thi hành của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Như vậy, sẽ đúng với quy định, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tên gọi của luật thì phải phản ánh được cái nội dung chính của dự thảo luật mà dự thảo Luật này chủ yếu là điều chỉnh về hiệu lực thi hành của một số điều trong luật./.

Bích Lan - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87552
Zalo