Phổ cập GD mầm non cho trẻ 3-5 tuổi ở vùng cao: Thách thức lớn nhất là cơ sở vật chất
Chặng đường phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi mới bắt đầu, dù đối mặt với nhiều thách thức, các trường vùng cao vẫn tự tin sẽ làm tốt.
.t1 { text-align: justify; }
Ngày 9/2/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015. Cùng với đó, Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT ngày 2/12/2010 ban hành quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã tạo tiền đề cho các trường mầm non trên cả nước thực hiện mục tiêu này.
Đến nay, hơn 15 năm thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhiều trường mầm non trên cả nước đã huy động được 100% trẻ 5 tuổi ra lớp. Từ thành công trên, trong kỳ họp thứ 9 năm 2025, Quốc hội đã thông qua nghị quyết mở rộng phổ cập cho trẻ mầm non từ 3 - 5 tuổi, với mục tiêu đến năm 2030, 100% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho toàn bộ trẻ từ 3 - 5 tuổi.
Từ nhiệm vụ mới này, nhiều trường mầm non tại vùng khó cho biết, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình phổ cập trẻ 5 tuổi, nhà trường hoàn toàn tin tưởng có thể từng bước hoàn thành mục tiêu phổ cập cho cả nhóm trẻ 3 - 5 tuổi trong giai đoạn tới.
Trường mầm non vùng khó đối mặt với nhiều thách thức
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng (xã Tương Dương, tỉnh Nghệ An) - một điểm trường vùng biên còn nhiều khó khăn, chia sẻ: “Giáo viên mầm non rất mừng khi Quốc hội thông qua nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của xã hội ngày càng cao đối với giáo dục mầm non. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, chúng tôi hiểu rằng trường sẽ đối mặt với không ít thách thức".
Theo cô Quang, khó khăn lớn nhất hiện nay nằm ở cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Nhiều hạng mục được đầu tư từ năm 2011, khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đến nay đã xuống cấp. Đặc biệt, hệ thống nhà vệ sinh ở các điểm trường chủ yếu là công trình tạm, không có bể tự hoại, mất vệ sinh và mất an toàn. Các thiết bị, đồ dùng học tập và đồ chơi theo danh mục tối thiểu của chương trình giáo dục mầm non mới cũng thiếu hụt đáng kể.
“Chúng tôi không nói đến việc đáp ứng đầy đủ, mà ngay cả mức tối thiểu theo yêu cầu cũng rất khó để đạt được. Những trường miền núi như chúng tôi không thể vận động phụ huynh đóng góp, vì người dân còn rất nghèo", cô Quang bộc bạch.

Cô Lê Thị Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng. Ảnh: NVCC
Nữ phó hiệu trưởng cho biết thêm, một thách thức khác là hệ thống phụ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ như bếp ăn bán trú, thiết bị nấu ăn và hệ thống cấp nước sạch hiện cũng rất thiếu thốn và xuống cấp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nuôi dưỡng cũng như việc bảo đảm an toàn vệ sinh cho học sinh.
Về đội ngũ giáo viên, hiện tại trường có đủ số lượng theo định mức. Tuy nhiên, tình hình chung của các điểm trường vùng sâu trong xã vẫn thiếu giáo viên, chỉ đạt khoảng 1,6 - 1,7 giáo viên/lớp. Nếu huy động trẻ ra lớp tăng mạnh trong thời gian tới trong khi đội ngũ giáo viên không được bổ sung kịp thời sẽ rất khó đảm bảo chất lượng dạy và học.
"Dù vậy, một tín hiệu tích cực là nhờ chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho học sinh vùng khó, công tác vận động trẻ đến trường hiện nay không gặp nhiều trở ngại. Khi có chính sách hỗ trợ rõ ràng, chúng tôi tin rằng việc huy động trẻ 3 - 4 tuổi đến trường sẽ khả thi. Phụ huynh cũng dần thay đổi nhận thức và có nhu cầu gửi con học nhiều hơn,” cô Quang khẳng định.
Cô Ma Thị Tranh - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non An Thắng (xã Nghiên Loan, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trường cô cũng gặp những thách thức trên. Cô chia sẻ: "Dù nhà trường đã huy động được trẻ từ 3 đến 5 tuổi ra lớp đầy đủ, song điều kiện để các em được học tập, sinh hoạt đúng chuẩn theo yêu cầu của phổ cập giáo dục mầm non vẫn còn nhiều hạn chế. Thách thức lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất chưa đồng bộ, giáo viên thiếu so với yêu cầu, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ với trẻ em dân tộc thiểu số".
Cô Tranh cho hay, tại Trường Mầm non An Thắng, lớp học chủ yếu là kiên cố và bán kiên cố, cơ bản đủ cho việc tổ chức dạy và học. Nhưng điều kiện ngoài lớp học như sân chơi, thiết bị phát triển vận động, hay các phòng chức năng phục vụ chương trình tăng cường tiếng Việt, làm quen tiếng Anh, giáo dục kỹ năng… thì vẫn còn thiếu rất nhiều.
Ngoài cơ sở vật chất, một vấn đề khác có thể khiến việc phổ cập gặp trở ngại là thiếu đội ngũ quản lý và nhân viên. Hiện tại, số giáo viên ở trường chỉ đủ đáp ứng tối thiểu nhu cầu giảng dạy, còn nhân viên và cán bộ quản lý vẫn thiếu so với yêu cầu thực tế.
“Dù 100% giáo viên của trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó 70% đạt trên chuẩn, nhưng nếu thực hiện đầy đủ các tiêu chí phổ cập cho cả trẻ 3 - 4 tuổi thì đội ngũ hiện nay vẫn chưa đủ mạnh", cô Tranh bộc bạch.
Một trở ngại đặc thù khác ở Trường Mầm non An Thắng là ngôn ngữ. Trường có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông và Dao. Việc giao tiếp tiếng Việt của trẻ gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số trẻ 4 tuổi vẫn chưa thể sử dụng tiếng Việt thành thạo.
“Do trẻ chủ yếu sinh hoạt trong môi trường tiếng mẹ đẻ nên khả năng tiếp cận tiếng Việt bị hạn chế. Tình trạng này khiến việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đặc biệt là các hoạt động phát triển ngôn ngữ gặp nhiều rào cản. Không chỉ trẻ, nhiều phụ huynh cũng không thông thạo tiếng Việt, có người mới chỉ ở mức xóa mù, khiến công tác tuyên truyền, vận động hoặc phối hợp giáo dục tại nhà trở nên khó khăn hơn", nữ nhà giáo cho hay.

Cô Ma Thị Tranh - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non An Thắng. Ảnh: NVCC
Tại Trường Mầm non Khau Phạ (xã Tú Lệ, tỉnh Lào Cai), việc thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cũng trở thành một thách thức khi nhà trường chuẩn bị triển khai nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi.
Cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: "Nhiệm vụ mở rộng độ tuổi phổ cập xuống nhóm trẻ từ 3 - 5 tuổi đặt ra không ít thách thức cho các trường học vùng cao như Trường Mầm non Khau Phạ. Việc tăng độ tuổi phổ cập đồng nghĩa với việc số lượng trẻ ra lớp tăng lên, kéo theo yêu cầu cao hơn về phòng học, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng như kinh phí hoạt động.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu giáo viên và thiếu cơ sở vật chất. Hai yếu tố này dẫn đến rất nhiều trở ngại khác. Khi số lượng trẻ ra lớp đông mà không đủ lớp để học, không có đủ giáo viên để dạy thì rõ ràng không thể triển khai phổ cập một cách hiệu quả".
Cô Huyền thẳng thắn chia sẻ, thực tế, trong năm học vừa qua, nhà trường chưa thể huy động đủ 100% trẻ 3 và 4 tuổi ra lớp như nhóm trẻ 5 tuổi. Nguyên nhân một phần ở phía phụ huynh không hợp tác, một phần do trường không đủ điều kiện để tiếp nhận hết số lượng trẻ trong độ tuổi. Mỗi năm, nhà trường đều có đề xuất tuyển dụng thêm giáo viên, nhưng tình hình tuyển dụng vẫn còn nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn thấp cũng khiến cho việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho giáo dục gần như không thể. Cô Huyền cho biết, trường gần như chưa từng tổ chức được một đợt huy động xã hội hóa nào có quy mô đáng kể. Việc tài trợ từ các tổ chức thiện nguyện chỉ dừng lại ở một vài phần quà nhỏ lẻ, mang tính động viên tinh thần là chính.
Địa hình khó khăn cũng là yếu tố khiến việc đến trường của một số trẻ không thuận lợi. Một số gia đình sinh sống xa điểm trường, giao thông đi lại bất tiện. Tuy vậy, trong vài năm gần đây, công tác tuyên truyền và vận động trẻ ra lớp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhà trường đánh giá việc vận động học sinh đến trường hiện nay không còn là trở ngại lớn, đa số phụ huynh đều sẵn sàng cho con em theo học nếu trường có đủ điều kiện tiếp nhận.
Chủ động chuẩn bị nguồn lực, linh hoạt xây dựng kế hoạch phổ cập
Trước yêu cầu mở rộng phổ cập giáo dục mầm non cho cả trẻ 3 và 4 tuổi, trường Mầm non An Thắng đã chủ động chuẩn bị từ sớm. Theo cô Ma Thị Tranh, ưu tiên lớn nhất trong giai đoạn này là làm sao để việc ra lớp của trẻ diễn ra đều đặn, không xảy ra tình trạng “năm đủ, năm thiếu”. Đây là cơ sở quan trọng để nhà trường có thể duy trì các chỉ số trong phổ cập.
“Chúng tôi xác định, phổ cập không chỉ là vận động trẻ đi học, mà phải đảm bảo các em được học tập đầy đủ, liên tục theo đúng chương trình. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với chính quyền xã, các đoàn thể để vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp đầy đủ, đúng độ tuổi", cô Tranh cho biết.
Song song với công tác vận động, nhà trường cũng rà soát cơ sở vật chất, đề xuất cấp trên sửa chữa, bổ sung các hạng mục cần thiết phục vụ dạy học. Nhiều hạng mục như đồ chơi ngoài trời, thiết bị phát triển vận động, học liệu cho các lớp nhà trẻ và mẫu giáo đã được lên kế hoạch xin hỗ trợ hoặc huy động xã hội hóa.
“Chúng tôi đã lập dự trù kinh phí cụ thể, đề xuất cấp trên xem xét hỗ trợ thêm. Ngoài ra, nếu nguồn ngân sách không đủ, trường cũng xây dựng phương án vận động các đơn vị tài trợ, mạnh thường quân để bổ sung phần thiếu hụt", nữ nhà giáo bày tỏ.
Một điểm thuận lợi của trường là đội ngũ giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng về tiếng dân tộc để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Hiện 80% giáo viên đã được trang bị tiếng dân tộc, góp phần giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp, đặc biệt là trẻ mới ra lớp ở độ tuổi nhà trẻ. Tuy nhiên, để hiệu quả truyền thông và vận động phụ huynh cao hơn, cô Tranh kiến nghị nên có thêm hình thức tuyên truyền bằng tiếng dân tộc tại các thôn, bản.
“Không ít phụ huynh vẫn còn e dè khi đưa con đi học sớm. Nếu có tài liệu, loa phát thanh hoặc đội ngũ tuyên truyền viên sử dụng tiếng mẹ đẻ, thì việc thuyết phục người dân cho con đi học từ sớm sẽ hiệu quả hơn rất nhiều", cô chia sẻ.
Về lâu dài, cô Ma Thị Tranh mong muốn các chính sách hỗ trợ giáo viên vùng cao - đặc biệt trong bối cảnh triển khai phổ cập trẻ từ 3 tuổi cần rõ ràng và sát thực tiễn hơn. Giáo viên vùng khó làm việc rất áp lực, vừa dạy học, vừa làm công tác dân vận, lại phải hỗ trợ cả kỹ năng tiếng Việt. Nếu có chính sách hỗ trợ thiết thực thì giáo viên sẽ yên tâm công tác, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phổ cập trong giai đoạn mới.
Về phía Trường Mầm non Khau Phạ, nhà trường đã và đang chủ động rà soát lại toàn bộ số lượng trẻ trong độ tuổi 3 - 5 tuổi trên địa bàn. Trên cơ sở đó, trường xác định rõ các nhóm ưu tiên, đảm bảo nhóm trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp 100% để đáp ứng tiêu chí phổ cập bắt buộc. Với nhóm trẻ 3 - 4 tuổi, trường sẽ huy động theo khả năng thực tế, phụ thuộc vào đội ngũ và điều kiện sẵn có.

Buổi sinh hoạt câu lạc bộ cha mẹ - kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ tại Trường Mầm non Khau Phạ. Ảnh: NTCC
Cô Huyền nhấn mạnh: “Chúng tôi phải xây dựng kế hoạch trên cơ sở điều kiện thực tế, nhất là về đội ngũ giáo viên. Nếu gọi trẻ ra lớp quá đông mà không có giáo viên dạy thì không thể đảm bảo an toàn, chất lượng.
Về đội ngũ, hiện nay trường đã có một số thuận lợi. Đa số giáo viên là người địa phương hoặc đã gắn bó lâu năm với nhà trường, có thể giao tiếp bằng tiếng dân tộc. Nhờ đó, việc tương tác, dạy học với trẻ em dân tộc thiểu số trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Trong năm học tới, nhà trường xác định ưu tiên lớn nhất vẫn là tiếp tục rà soát, đánh giá lại thực trạng về đội ngũ, phòng học, học liệu... Từ đó, đề xuất tuyển dụng thêm giáo viên, mở rộng lớp học, đồng thời tìm kiếm các hỗ trợ từ cấp trên và các tổ chức để bổ sung cơ sở vật chất. Trường cũng sẽ duy trì việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác vận động trẻ ra lớp".
Cô Huyền đánh giá, việc phổ cập giáo dục cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi là một bước đi dài hơi. Đây không phải là nhiệm vụ quá khó, nhưng đòi hỏi các điều kiện hậu thuẫn đi kèm, phải đồng bộ từ đội ngũ, cơ sở vật chất đến chính sách hỗ trợ. Khi tất cả các yếu tố được đảm bảo thì việc triển khai mới có hiệu quả thực chất.
Trước yêu cầu mở rộng phổ cập giáo dục mầm non xuống nhóm trẻ 3 - 4 tuổi, về phía Trường Mầm non Xá Lượng, nhà trường đã chủ động triển khai một số nhiệm vụ ngay từ đầu tháng 7. Trong đó, công tác rà soát, tuyển sinh được đặc biệt chú trọng. Giáo viên được phân công trực tiếp xuống tận các bản, gõ cửa từng nhà để kiểm tra tình hình và cập nhật thông tin trẻ trong độ tuổi. Những trường hợp trẻ chưa đến lớp được xác minh cụ thể, từ lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, đến khoảng cách địa lý nhằm có giải pháp phù hợp.
"Từ trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, tỷ lệ huy động trẻ 3, 4 tuổi ra lớp của trường đã đạt trên 90%. Tuy vậy, vẫn còn một số trường hợp chưa thể đến lớp do đường xa, không có người đưa đón hoặc phụ huynh còn e ngại vì con quá nhỏ.
Về mặt chuẩn bị cơ sở vật chất, nhà trường sẽ tiến hành kiểm kê toàn bộ trang thiết bị, tài sản nhóm lớp để đánh giá tình trạng, thanh lý những đồ dùng hư hỏng và lập kế hoạch bổ sung tối thiểu. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, trường sẽ tập trung tiết kiệm chi thường xuyên, đồng thời tăng cường vận động tài trợ giáo dục dù biết rằng việc này ở miền núi là vô cùng khó", cô Lê Thị Quang bày tỏ.
Ngoài ra, cô Quang cho biết thêm, trong kế hoạch ưu tiên, trường xác định hai nội dung cần được đầu tư trước mắt: một là công tác chăm sóc - nuôi dưỡng, đặc biệt là bếp ăn bán trú cần đảm bảo sạch sẽ, đủ thiết bị để phục vụ bữa ăn cho trẻ; hai là danh mục học cụ, đồ dùng phục vụ học tập theo chương trình mới, cố gắng đạt ít nhất 50% các hạng mục theo quy định.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tham gia các lớp tập huấn chuyên đề, học liệu, truyền thông, kỹ năng mềm... để chuẩn bị sẵn sàng cho chương trình giáo dục mầm non đổi mới.
Khi được hỏi về kỳ vọng đối với công tác phổ cập nhóm trẻ 3 - 5 tuổi, cô Quang khẳng định: “Tôi tin là các trường mầm non vùng khó sẽ làm được, dù còn thách thức. Khi có sự chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, cơ sở vật chất và cơ chế chính sách đồng bộ, chắc chắn phổ cập mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi sẽ thành công, thậm chí tốt hơn cả phổ cập trẻ 5 tuổi trước đây, vì lúc này chúng ta đã có kinh nghiệm, có cơ sở để triển khai công tác này hiệu quả".