Phim ngắn 'Đàn cá gỗ': Giản dị, ấm áp tình nghĩa vợ chồng

Đoạt giải Cánh diều vàng 2024 ở hạng mục 'Phim ngắn xuất sắc nhất' (chỉ dài 30 phút), việc tác phẩm 'Đàn cá gỗ' của đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt ra rạp là tín hiệu rất tốt cho làng điện ảnh Việt Nam…

Cảm động, chân thực và ý nghĩa

Danh hiệu “Phim ngắn xuất sắc nhất” tại Cánh diều vàng 2024 chính là sự “bảo chứng” cho chất lượng của “Đàn cá gỗ”. Kế đến là ca khúc nhạc phim “Phép màu” cũng là một bài hát ăn khách gần đây. “Phép màu” do chính Nguyễn Quốc Hùng (vai chính trong phim) sáng tác và trình bày, được giới trẻ rất yêu thích với ca từ lãng mạn: “Chẳng phải phép màu, vậy sao chúng ta gặp nhau? Một người khẽ cười, người kia cũng dịu nỗi đau...”.

“Đàn cá gỗ” là phim ngắn được chiếu rạp - một cánh cửa mở ra đáng khích lệ cho thể loại phim ngắn độc lập của Việt Nam

“Đàn cá gỗ” là phim ngắn được chiếu rạp - một cánh cửa mở ra đáng khích lệ cho thể loại phim ngắn độc lập của Việt Nam

Lấy bối cảnh biển xanh tuyệt đẹp, nên thơ, 2 nhân vật chính của bộ phim là vợ chồng Cường - Hoa vốn quen nhau từ thời “thanh mai trúc mã”. Mái ấm của họ càng hạnh phúc với đứa con trai kháu khỉnh. Thế nhưng họ đang cảm thấy lạc lối khi khó khăn trong cuộc sống thường ngày bủa vây. Nghề đi biển của Cường không còn mang lại thu nhập để trang trải chi phí “cơm áo gạo tiền”. Tương lai bấp bênh, mờ mịt dễ làm người đàn ông trụ cột nuôi gia đình cảm thấy bất lực và kém cỏi. Rất may là Cường có người vợ hiểu chuyện, thương chồng và biết cách nghĩ cho gia đình tốt đẹp hơn. Một giải pháp được đưa ra là Cường nghỉ nghề cá, khăn gói lên Hà Nội thực hiện đam mê nghệ thuật từ thuở thiếu thời mà anh đã bỏ quên trong ký ức. Trước khi lập gia đình, Cường từng được biết đến như một tay đàn hát có năng khiếu thừa hưởng từ người cha yêu nhạc. Liệu âm nhạc có là cứu cánh cho Cường, hồi sinh một năng lực với khát vọng nghệ thuật?

Cảnh đám cưới hạnh phúc trong phim

Cảnh đám cưới hạnh phúc trong phim

Bộ phim gây xúc động với hình ảnh Hoa chịu thương chịu khó, kiên nhẫn động viên chồng chứ không chê trách hay coi thường anh. Cô muốn Cường trở lại là chính mình - chàng ca sĩ tài hoa trên sân khấu từng hát rất hay khiến cô say mê. Còn Cường không thể cứ nhụt chí và khiến tình cảm vợ chồng phai nhạt. Anh phải mạnh dạn lựa chọn lối đi như bao người chồng, người cha có bản lĩnh, có trách nhiệm khác trong xã hội. Như con thuyền vượt qua sóng gió, con người cũng mạnh mẽ, kiên cường vượt qua bão tố như một lẽ tất yếu trong hành trình tồn tại.

“Đàn cá gỗ” để lại hình ảnh rất “điện ảnh” khi Cường chơi đàn giữa làn nước xanh thẳm. Hoa đã kéo chồng mình lên như một hành động ẩn dụ đáng giá: Sẽ có lúc bạn cần người thân (ở đây là người vợ của Cường) sát cánh bên cạnh, “gọi tôi thức giấc cơn ngủ mê, dìu tôi đi lúc quên lối về” như lời ca khúc “Phép màu”. Nhân vật Hoa khiến khán giả cảm phục vì là một người vợ luôn đồng hành với chồng lúc hạnh phúc cũng như khi khó khăn, tạo động lực giúp chồng theo đuổi đam mê. Liệu ai mà không mong muốn có một tình yêu cảm động, một hôn nhân ý nghĩa như vậy?

“Đàn cá gỗ” ra rạp đánh dấu thể loại phim ngắn độc lập được “đàng hoàng” xuất hiện trên màn ảnh rộng. Với giá chỉ 39.000 đồng/vé, phim được xem là dễ thu hút đối tượng học sinh, sinh viên, dù chỉ được xếp suất trong 1 tuần duy nhất (từ 15 đến 22-7).

Phim Việt rộng đường ra rạp hơn trước

Một số trở ngại của “Đàn cá gỗ” là phim không có diễn viên ngôi sao (Lãnh Thanh là tên tuổi quen thuộc nhất góp mặt), kịch bản câu chuyện đè nén (do thời lượng ngắn), màu phim lẫn cách dựng chuyển cảnh mang nhiều ẩn dụ, cần người xem phải tự chiêm nghiệm, giải mã. Nhiều khán giả xem “Đàn cá gỗ” và ít nhiều “có cảm giác hụt hẫng” bởi vào rạp mà chưa xác định tâm thế… xem phim ngắn. Dù vậy, “Đàn cá gỗ” xứng đáng được quan tâm như một “case study” (trường hợp) dành cho người làm phim lẫn nhà phát hành trong nước soi chiếu, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhằm mạnh dạn mở đường cho các tác phẩm Việt Nam ở định dạng tương tự đến với đông đảo công chúng.

Đợt phim hè 2025 đánh dấu lần đầu tiên có tới 3 phim hoạt hình 3D “Made in Viet Nam” công chiếu tại hệ thống rạp thương mại là “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội” (đạo diễn Mai Phương), “Trạng Quỳnh nhí” (đạo diễn Trịnh Lâm Tùng) và “Wolfoo và Cuộc đua Tam Giới” (đạo diễn Thơ Phan). Đây là những điểm tích cực mở đường cho nhiều phim Việt đa thể loại, thời lượng, phim nghệ thuật, phim độc lập, phim đầu tay của các đạo diễn trẻ hoặc vừa tốt nghiệp chuyên môn… có thể công chiếu thương mại, thu hút khán giả đại chúng.

Doanh thu của các phim trên dĩ nhiên khó thể sánh bằng các phim điện ảnh Việt được đầu tư quy mô từ các nhà sản xuất, đạo diễn, nhóm làm phim chuyên nghiệp. Tuy vậy, một thị trường điện ảnh lành mạnh và nhiều dư địa phát triển như một ngành công nghiệp nghệ thuật giải trí thực thụ, bền vững thì cần có nhiều tác phẩm sáng tạo đa chiều, đa thể loại lẫn cách làm phim khác nhau để công chúng toàn quyền chọn lựa thưởng thức hợp ý mình.

Gương mặt Nguyễn Minh Hà (vai người vợ) trong “Đàn cá gỗ” được xem là một dấu ấn trong phim với ngoại hình “sáng” và diễn xuất ăn ý, vừa vặn với bạn diễn Nguyễn Hùng.

Minh Hà sinh năm 1999, xuất thân là người mẫu ảnh, được khán giả ái mộ ví là “Chương Tử Di phiên bản Việt Nam” do cô có ngoại hình khá giống với minh tinh điện ảnh Hoa ngữ Chương Tử Di.

Minh Hà là diễn viên đóng trong nhiều MV ca nhạc, như: “Anh luôn là lý do” của ca sĩ Erik, “Người đáng thương là anh” của ca/nhạc sĩ Only C… Minh Hà cũng đã được đạo diễn Lê Bình Giang chọn vào vai chính trong dự án phim điện ảnh “Ai đã tạo ra con người”.

Trung Nghĩa

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phim-ngan-dan-ca-go-gian-di-am-ap-tinh-nghia-vo-chong-post618032.antd
Zalo