Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét cho ý kiến 8 nội dung lớn

Sáng 10/7 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thứ 47 nhằm cho ý kiến vào 8 nội dung lớn, nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ 10.

Cho ý kiến 8 nội dung lớn

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 47, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp thứ 47 ngay sau khi kỳ họp thứ 9 vừa kết thúc tốt đẹp. Chúng ta đã thông qua sửa đổi Hiến pháp năm 2013 cùng 34 luật và 34 nghị quyết quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các nhiệm vụ phát triển đất nước. Hiện, các vị đại biểu Quốc hội đang khẩn trương tiếp xúc cử tri tại 34 tỉnh, thành phố để thông tin kết quả kỳ họp, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: QH

Ngay sau kỳ họp thứ 9, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã nhanh chóng triển khai các nội dung nghị quyết, đặc biệt là việc đưa chính quyền địa phương hai cấp vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 nội dung lớn, cụ thể:

Thứ nhất, cho ý kiến bước đầu về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là chuyên đề vừa thiết thực, vừa có ý nghĩa chiến lược khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Nguồn nhân lực chất lượng cao chính là nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững.

Thứ hai, xem xét, quyết định điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 trên cơ sở tờ trình của Chính phủ và báo cáo của Ủy ban Pháp luật, Tư pháp.

"Đề nghị các đồng chí cho ý kiến xác đáng về sự cần thiết, cấp bách và tính khả thi của từng dự án luật, đảm bảo chương trình lập pháp bám sát yêu cầu thực tiễn, đồng thời kiểm soát tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật. Năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ liên tục điều chỉnh chương trình lập pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và xây dựng bộ máy"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thứ ba, cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ 9 và bước đầu chuẩn bị kỳ họp thứ 10 – kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Việc tổng kết cần toàn diện, rút ra bài học, phát huy đổi mới, tạo đột phá trong hoạt động Quốc hội. Kỳ họp thứ 10 có tính chất đặc biệt quan trọng, vừa hoàn tất nhiệm vụ của nhiệm kỳ, vừa tạo tiền đề cho nhiệm kỳ tiếp theo. Việc chuẩn bị phải thật bài bản, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, phương thức và chất lượng, khẳng định vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung đánh giá thẳng thắn kết quả và hạn chế của kỳ họp thứ 9, định hướng rõ ràng cho kỳ họp thứ 10 để đáp ứng yêu cầu phát triển và kỳ vọng của cử tri, nhân dân.

Thứ tư, cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và tháng 6 năm 2025.

Do tháng 5 và tháng 6 là thời gian diễn ra Kỳ họp, tập trung cao độ vào công tác chuẩn bị, tiến hành đối với những nội dung trình Quốc hội, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 cùng với tháng 6 tại phiên họp này.

Thứ năm, xem xét phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ sáu, thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ bảy, thông qua nghị quyết về tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025–2027.

Thứ tám, thông qua nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

Đảm bảo chất lượng kỳ họp cuối nhiệm kỳ

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, ngoài 8 nội dung lớn đã nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với hai nội dung: báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội quý II/2025; và nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 31/QH15 hướng dẫn một số nội dung kỳ họp Quốc hội.

Mặc dù phiên họp diễn ra trong một ngày, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ tài liệu, phát huy kết quả các phiên họp trước, hoàn thành tốt các nội dung chương trình phiên họp này.

Phiên họp có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và đại diện một số bộ, ngành. Ảnh: QH

Phiên họp có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và đại diện một số bộ, ngành. Ảnh: QH

"Đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa để đảm bảo chất lượng kỳ họp cuối nhiệm kỳ và các sự kiện quan trọng sắp tới của Quốc hội"- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Trong bối cảnh chỉ còn hơn ba tháng chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ phối hợp chặt chẽ, khẩn trương chuẩn bị dự thảo luật, nghị quyết dự kiến trình kỳ họp thứ 10 để đảm bảo tiến độ, chất lượng, tránh dồn công việc sát kỳ họp.

Thời gian tới là giai đoạn cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với khối lượng công việc rất lớn, nhiều nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Trách nhiệm của các cơ quan Quốc hội ngày càng cao hơn. "Tôi đề nghị các đồng chí bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chủ động cập nhật, triển khai nhiệm vụ mới, tích cực phối hợp với Chính phủ và các cơ quan liên quan, hoàn thành chương trình kế hoạch năm 2025 và cả nhiệm kỳ, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân"- Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phien-hop-thu-47-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-xem-xet-cho-y-kien-8-noi-dung-lon-409900.html
Zalo