Phát triển văn hóa đọc: nền tảng xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh
Trong những năm qua, công tác phát triển văn hóa đọc trên địa bàn TP Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau 5 năm triển khai Luật Thư viện.
Nỗ lực để phục vụ bạn đọc tốt hơn
Theo Sở VH&TT Hà Nội, sau 5 năm thi hành Luật Thư viện, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thư viện trên địa bàn Thủ đô đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nổi bật là Thư viện Hà Nội đã tập trung kiện toàn hệ thống, phát triển tài nguyên thông tin, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị các bộ sưu tập tài liệu cổ, quý hiếm, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học. Việc không ngừng bổ sung và cập nhật kho sách đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng nội dung, hình thức, đã đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả.
Bên cạnh đó, với chính sách miễn phí sử dụng thư viện cùng việc cải tạo, nâng cấp không gian văn hóa mở hiện đại, sáng tạo…, Thư viện Hà Nội đã đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển mình từ thư viện truyền thống sang hiện đại; mang lại nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút ngày càng đông bạn đọc yêu thích và đến sử dụng thư viện.
Tại cấp huyện, hệ thống thư viện cũng có những bước tiến đáng ghi nhận. Theo đó, hệ thống thư viện hầu hết đã triển khai kho sách mở, cho phép bạn đọc tiếp cận tài liệu dễ dàng và thuận tiện hơn. Một số thư viện còn bố trí các phòng phục vụ chuyên biệt, phân loại theo đối tượng bạn đọc và loại hình tài liệu, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có để phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc sách, học tập tại địa phương.
Đặc biệt, các hoạt động thường niên như Tuần lễ Sách và Văn hóa đọc luôn là điểm nhấn thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, thiếu niên nhi đồng và bạn đọc thư viện. Năm 2024, có 28/30 quận, huyện, thị xã hưởng ứng với gần 500.000 lượt bạn đọc tham gia.
Bên cạnh đó, Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc Hà Nội tổ chức từ năm 2021 - 2024 cũng ghi nhận sự tham gia nhiệt tình của 100% quận, huyện, thị xã. Những kết quả đạt được không chỉ khẳng định vai trò của hệ thống thư viện, mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng thói quen đọc sách, lan tỏa niềm đam mê tri thức và thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc bền vững tại Thủ đô.
Lan tỏa văn hóa đọc qua các mô hình sáng tạo
Hướng đến mục tiêu bền vững, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch “Phát triển mô hình đọc sách trên địa bàn TP Hà Nội” thuộc Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, nhằm nâng cao chất lượng văn hóa, cải thiện nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Trọng tâm của kế hoạch là thúc đẩy thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách rộng khắp, với ưu tiên đặc biệt dành cho các khu vực nông thôn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Mục tiêu lớn hơn là biến thư viện thành điểm đến quen thuộc của mọi tầng lớp Nhân dân.
Một trong những điểm sáng của việc phát triển văn hóa đọc tại Hà Nội là các hoạt động Hè thường niên được tổ chức tại Thư viện Hà Nội với chủ đề hấp dẫn “Cùng đọc sách hay - Hè vui bổ ích” dành cho bạn đọc thiếu nhi. Các hoạt động này không chỉ thu hút đông đảo trẻ nhỏ mà còn tạo cơ hội cho các em trải nghiệm không gian thư viện, nâng cao và nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ sớm.
Ngoài ra, Thư viện TP còn phối hợp với các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn tổ chức nhiều mô hình trải nghiệm phong phú, bổ ích như hoạt động đọc sách nhóm; các buổi giao lưu, chia sẻ về sách... góp phần lan tỏa văn hóa đọc và đưa sách đến gần hơn với cộng đồng.
Bên cạnh các hoạt động tổ chức tại Thư viện Hà Nội, các quận, huyện, thị xã cũng triển khai nhiều mô hình phát triển văn hóa đọc hiệu quả. Điển hình là mô hình "Làng đọc sách" tại huyện Phúc Thọ, nơi các tủ sách cộng đồng được đặt tại các thôn, đình. Không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ sách, những không gian này còn trở thành trung tâm chia sẻ tri thức, khơi gợi sự học hỏi và khuyến khích văn hóa đọc ngay tại các khu dân cư.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Phúc Thọ Đỗ Phan Khôi chia sẻ: “Thời gian qua, huyện rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển thư viện tại các trường học, tủ sách tại các thôn, tổ dân phố, đồng thời chú trọng bồi dưỡng đội ngũ nhân viên thư viện”. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của địa phương đối với việc phát triển văn hóa đọc.
Không chỉ ở huyện Phúc Thọ, các câu lạc bộ đọc sách “Tôi yêu sách”, “Cùng em đọc sách” và “Bạn đọc tuổi teen” tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ cũng đang trở thành những điểm đến thu hút sự tham gia của học sinh, thanh thiếu niên. Qua đó, tạo nên phong trào đọc sách sôi nổi, khơi dậy tinh thần yêu sách và lan tỏa niềm đam mê học hỏi trong cộng đồng.
Những mô hình đầy sáng tạo này là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Hà Nội trong hành trình xây dựng và phát triển văn hóa đọc - một yếu tố quan trọng để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, thúc đẩy sự phát triển toàn diện Thủ đô.