Phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế từ Đề án 06

Sự thay đổi toàn diện về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành của TP Hà Nội, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trong mục tiêu thực hiện Đề án 06 của Chính phủ gắn với công cuộc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và chuyển đổi số trên địa bàn thành phố thời gian qua đã gặt hái được những kết quả, thành tích đáng tự hào.

Những “trái ngọt” vì người dân, doanh nghiệp

Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ, việc triển khai Đề án 06 của thành phố đã có những bước tiến, kết quả đáng kể. Các nền tảng, ứng dụng mô hình chuyển đổi số từ Đề án 06 trên tất cả các lĩnh vực như: Hệ thống giao thông, y tế, giáo dục thông minh, dịch vụ công trực tuyến và thanh toán số, tài chính số…

Đến nay, các nền tảng, ứng dụng quản lý thành phố tiên phong triển khai và đề xuất làm điểm cơ bản đã hoàn thành và bắt đầu đi vào cuộc sống, như ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thử nghiệm Hồ sơ sức khỏe điện tử hiển thị trên ứng dụng VNeID. Thống kê, trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, 651 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố được triển khai, cấp tài khoản cho gần 3.900 cán bộ y tế; tạo lập được 46/46 trường thông tin theo quyết định của Bộ Y tế cho khoảng 1,73 triệu người dân và 66/73 trường thông tin theo quyết định của UBND TP Hà Nội.

Các điểm trông giữ xe thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn TP Hà Nội giúp minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý.

Các điểm trông giữ xe thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn TP Hà Nội giúp minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý.

Hà Nội cũng hoàn thành việc kết nối chính thức Hệ thống Sức khỏe điện tử thành phố vào mạng số liệu chuyên dùng CPNet, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác minh, làm sạch dữ liệu. Gần 3,5 triệu hồ sơ người dân Thủ đô đủ 48 trường thông tin được làm sạch, sẵn sàng công khai trên ứng dụng VNeID; xây dựng phiên bản web phục vụ cho ngành y tế và các cơ sở khám chữa bệnh Hà Nội trong quản lý và tổ chức khám chữa, bệnh; đồng thời tích hợp Sổ sức khỏe điện tử thành phố lên hệ thống iHanoi với 1,73 triệu sổ để phục vụ tra cứu, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đã đưa vào vận hành hệ thống thẻ vé ảo trên xe buýt, dịch vụ thu giá trông giữ xe không dùng tiền mặt, đồng thời phê duyệt kế hoạch thí điểm hệ thống quản lý, giám sát giao thông thông minh và dự kiến cuối tháng 6/2024 sẽ bắt đầu vận hành. Hệ thống giao thông vận tải của TP Hà Nội đang từng bước được số hóa, chuyển đổi sang dịch vụ “online”. Đã triển khai 57 điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt (57 điểm/9 quận, huyện; thực hiện hơn 50.000 lượt giao dịch, với trung bình 79,9% lượt thực hiện thanh toán không tiền mặt). Riêng UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành kế hoạch triển khai toàn bộ đối với 256 điểm sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường để trông giữ phương tiện xe ôtô, xe máy từ 1/7/2024.

Một trong những điểm nhấn của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 và UBND TP Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ biểu dương đó chính là triển khai cấp lý lịch tư pháp trên VNeID. Kết quả trên đã giải bài toán ách tắc trong thực hiện các TTHC thiết yếu cho người dân, hướng người dân tiếp cận nền hành chính hiện đại. TP Hà Nội cũng đã có nhiều giải pháp và chính sách hỗ trợ đột phá như ủy quyền giải quyết TTHC và đặc biệt từ 1/6 đến hết 31/12/2024, Hà Nội hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân trên địa bàn thành phố có tài khoản định danh mức độ 2 và có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID nhằm khuyến khích, động viên, thu hút người dân; đồng thời cũng là bước chuẩn bị cho việc chuyển đổi và sử dụng tài khoản VNeID mức độ 2 là tài khoản duy nhất trong thực hiện các TTHC, dịch vụ công trực tuyến từ 1/7/2024.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong triển khai chi trả an sinh không dùng tiền mặt cũng như thúc đẩy mạnh mẽ việc không dùng tiền mặt trong các giao dịch, TTHC. Đến nay, số người nhận chi trả an sinh xã hội qua tài khoản đạt tỷ lệ gần 85%; tỷ lệ thực hiện đăng ký tài khoản đạt tới 95,4%.

Minh bạch hoạt động thương mại điện tử

Thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Năm 2023, Cục Thuế TP đã triển khai vượt chỉ tiêu về số lượng đối tượng đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (6.066 cơ sở kinh doanh). Cục Thuế TP xác định năm 2024 bổ sung thêm 2.996 cơ sở kinh doanh thuộc diện triển khai, trong đó 2.420 doanh nghiệp và 576 hộ kinh doanh.

Đặc biệt, Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với công tác quản lý tài chính, TMĐT với mục tiêu triển khai đồng bộ được dữ liệu CCCD và mã số thuế cá nhân. Kết quả trên đã giúp thành phố từ việc không xác định được đối tượng kinh doanh trên nền tảng số, đến nay đã xây dựng được kho dữ liệu liên quan của tất cả những cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, qua đó thu thập xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân nhóm theo các loại hình kinh doanh TMĐT với mục tiêu quản lý đối tượng - theo dõi kê khai - xác định dòng tiền.

Thống kê, đến tháng 6/2024 đã định danh và tổng hợp được dữ liệu lớn về TMĐT gồm: 418 doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT; 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm và nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú; các cá nhân đơn vị bán hàng online; các nhà thầu nước ngoài... và các nguồn dữ liệu khác (giao dịch đáng ngờ từ cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, dữ liệu từ các tổ chức trung gian thanh toán, tổ chức trung gian vận chuyển...).

Trên cơ sở dữ liệu từ 3 sàn lớn nhất gồm: Shopee 8.000.000 bản ghi, Tiki 763.000 bản ghi, Lazada 1.800.000 bản ghi..., Cục Thuế TP Hà Nội đã tổng hợp, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh TMĐT, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng của trên 366.857 shop tương ứng 197.848 mã số thuế tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thuộc 3 sàn nêu trên. Triển khai kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề TMĐT đối với tổng số 2.378 tổ chức, cá nhân, tổng doanh thu chênh lệch là 17.955 tỷ đồng, dự kiến tăng thu 664 tỷ đồng.

Hà Nội cũng xây dựng trang web để khai thác tra cứu cơ sở dữ liệu theo tổ hợp các tiêu chí với thao tác đơn giản, xử lý nhanh, kết quả chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.

Cục Thuế TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên khớp nối thông tin giữa CCCD của các cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT gắn với mã số thuế và đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về số tài khoản ngân hàng, doanh thu, mức thuế, dòng tiền của các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, từ đó xác định đúng nghĩa vụ của người nộp thuế; triển khai đồng bộ, hiệu quả Bản đồ số hộ kinh doanh, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh làm căn cứ xác định chi phí và mức doanh thu.

Theo thống kê sơ bộ, số thu lũy kế khối hộ kinh doanh cá nhân trong Quý I/2024 đạt 794 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn thành phố. Trong 5 năm trở lại đây, Hà Nội liên tục đứng thứ 2 cả nước về xếp hạng chỉ số TMĐT.

Hiện nay, TP Hà Nội đang phát triển TMĐT trong xu thế mới theo hướng nghiên cứu và bổ sung một số chính sách, công cụ khuyến khích và tạo điều kiện để 100% doanh nghiệp ở Hà Nội thực hiện xây dựng website chuyên nghiệp và có sẵn tính năng đặt hàng trực tuyến. Điều này giúp việc đặt hàng của người mua nhanh chóng, thuận lợi và Nhà nước có cơ sở dữ liệu để kiểm soát tốt được doanh thu và tránh thất thu thuế từ hoạt động thương mại.

Hà Nội cũng báo cáo Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tiếp tục thực hiện áp dụng định danh và xác thực điện tử trong công tác quản lý trên cơ sở chuẩn hóa, đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông… đồng thời cho phép sàn giao dịch TMĐT thí điểm sử dụng định danh xác thực điện tử (kết nối qua VNeID) trong giao dịch TMĐT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-chong-that-thu-thue-tu-de-an-06-i734898/
Zalo