Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Năm 2024, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh xác định tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn. Các địa phương có thế mạnh lĩnh vực này đã chủ động tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, gia tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Dự án Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao do Công ty CP Chăn nuôi Greentech làm chủ đầu tư tại xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) là dự án chăn nuôi công nghệ cao có quy mô lớn nhất miền Bắc. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 45,2ha, nằm trong khu vực quy hoạch chăn nuôi tập trung của huyện.
Với quy mô đàn 5.000 con lợn nái, 20.000 lợn cai sữa, 40.000 lợn thịt/lứa, áp dụng công nghệ trại lạnh khép kín theo tiêu chuẩn châu Âu, đảm bảo an toàn sinh học với 100% hệ thống chuồng hầm, dự án khi đi vào vận hành không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nông nghiệp của huyện Hải Hà mà còn đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh, đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP toàn ngành trên 4% trong năm 2024. Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chăn nuôi Greentech, cho biết: Từ khi bắt đầu triển khai dự án, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ huyện Hải Hà, nhất là công tác GPMB sớm để tạo thuận lợi cho triển khai dự án. Nhờ đó, tiến độ dự án được đảm bảo theo đúng cam kết đã đề ra. Để đảm bảo chất lượng tốt nhất, dự kiến tháng 11 tới đây, đơn vị đưa hệ thống chuồng nái vào hoạt động; phấn đấu tháng 12 sẽ đạt 50% công suất, tương đương với khoảng 2.500 con lợn nái.
Bên cạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, việc từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân đóng vai trò quan trọng. Tại nhiều địa phương, người nông dân dần chuyển từ sản xuất nông hộ manh mún, nhỏ lẻ sang mạnh dạn tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản. Tại huyện Tiên Yên đã triển khai hiệu quả mô hình “2 con, 1 cây” (gà, tôm và cây dược liệu), hiện đã và đang tạo ra sự phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng canh tác tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao.
Mới đây, CLB Nuôi trồng thủy sản bền vững huyện Tiên Yên ra mắt dưới sự tuyên truyền, vận động, hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Hội Nông dân tỉnh và Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao. CLB gồm 52 thành viên, đa số là chủ hộ nuôi tôm trên địa bàn. Thành viên được tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ và thực hiện nuôi tôm theo quy trình cân bằng sinh học, không sử dụng hóa chất, kháng sinh; chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm siêu thâm canh - tuần hoàn - cách ly dịch bệnh - triệt tiêu các nguyên nhân gây ra rủi ro từ sớm - từ xa - hướng tới mục tiêu nuôi tôm đạt tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu - GAA). Ông Lý Văn Giểng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên, chia sẻ: Hội xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp then chốt để thúc đẩy phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản bền vững, trong đó có con tôm. Những người nuôi cần phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề về kỹ thuật, thị trường,... để hạn chế rủi ro và cùng nhau phát triển.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo chiến lược nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP), chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, tiếp tục triển khai đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Quan điểm phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị tăng cao là lợi thế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ gắn với cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường chế biến đa dạng hóa sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, phát triển liên kết sản xuất tạo chuỗi liên kết giá trị sản xuất, kinh doanh nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong hợp tác.