Phát triển nông nghiệp an toàn và bền vững

Trong xu hướng phát triển hiện đại, việc đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người ngày càng được quan tâm. Trước yêu cầu đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất từ canh tác truyền thống sang mô hình nông nghiệp hữu cơ. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế chung, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Công nhân Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên sử dụng phân bón vi sinh chăm sóc cho cây chè.

Công nhân Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên sử dụng phân bón vi sinh chăm sóc cho cây chè.

Triển khai mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ, Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên đã lựa chọn bãi Pháy Váng (xã Mường Lạn) - một khu vực tách biệt với dân cư và các vùng chăn nuôi tập trung. Trên tổng diện tích gần 20ha, hiện Công ty đã canh tác trên 10ha chè hữu cơ, sử dụng hoàn toàn các loại phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học và thuốc trừ sâu thảo mộc thay cho các loại hóa chất, phân bón vô cơ. Để triển khai thành công mô hình này, Công ty đã nghiên cứu kỹ lưỡng về nguồn gốc giống chè phù hợp với thổ nhưỡng, đồng thời hợp tác với các đơn vị chuyên môn trong việc tư vấn kỹ thuật và hướng dẫn quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn.

Ông Phan Trọng Nhất, Giám đốc Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên cho biết: Việc lựa chọn bãi Pháy Váng để trồng chè hữu cơ là kết quả của quá trình khảo sát và phân tích kỹ lưỡng. Ban đầu, quá trình canh tác gặp không ít khó khăn khi phải đầu tư nhiều chi phí và thuê nhân công làm cỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng phương pháp canh tác mới, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi tích cực của vườn chè, khi các loại vi sinh vật và côn trùng có lợi bắt đầu phát triển trở lại, không cần đến thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Hơn thế là phương pháp này còn giúp bảo vệ sức khỏe con người, duy trì độ phì nhiêu của đất, đồng thời tạo điều kiện cho hệ sinh thái phát triển bền vững.

Giám đốc Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên Phan Trọng Nhất hướng dẫn công nhân sử dụng chế phẩm sinh học.

Giám đốc Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên Phan Trọng Nhất hướng dẫn công nhân sử dụng chế phẩm sinh học.

Không riêng Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên, hiện nay, nhiều hợp tác xã và tổ hợp tác khác trên địa bàn tỉnh cũng đã từng bước tiếp cận phương pháp canh tác hữu cơ. Những đơn vị này cam kết sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ hay chất kích thích tăng trưởng. Bên cạnh việc đầu tư mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp còn chú trọng phát triển vùng nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn từ khâu gieo trồng đến thu hoạch. Quy trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt theo yêu cầu của các đơn vị bao tiêu sản phẩm, từ đó giúp nâng cao chất lượng nông sản, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chị Lường Thị Loan, xã Mường Ảng cho biết: Trước đây, chúng tôi canh tác cà phê chủ yếu tự học hỏi lẫn nhau và áp dụng các kỹ thuật còn hạn chế. Việc tỉa cành, tạo tán cũng như bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa thực sự hiệu quả. Để chất lượng cà phê đầu vào đảm bảo chất lượng cao, chúng tôi đã được các đơn vị hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, cân đối, hợp lý và hiệu quả. Từ đó dẫn tạo cho người trồng cà phê thói quen, nắm vững các kỹ thuật thực hành nông nghiệp, đem lại kết quả tối ưu hóa chi phí, nguồn cây; tạo năng suất cao, cung ứng sản phẩm hiệu quả, chất lượng tốt nhất phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu cà phê ngày càng bền vững.

Người trồng cà phê xã Mường Ảng được hướng dẫn các chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại theo đúng kỹ thuật.

Người trồng cà phê xã Mường Ảng được hướng dẫn các chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại theo đúng kỹ thuật.

Việc thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hình thức sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa cũng được xác định là yếu tố then chốt trong phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, nhận thức của người dân trong việc phòng trừ sâu bệnh cũng thay đổi rõ rệt. Thay vì sử dụng thuốc hóa học như trước đây, người dân ngày càng ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, góp phần bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo về tình hình sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024, công tác phòng trừ sâu bệnh được thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Tổng diện tích được xử lý phòng trừ sâu bệnh là 20.951,2 lượt héc ta, giảm so với cùng kỳ năm trước. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng chủ yếu trên cây lúa ước khoảng 26 tấn, còn lượng phân bón khoảng 14.340 tấn. Tất cả đều thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Dịch vụ cung ứng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại khu vực trung tâm các huyện, xã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân. Đồng thời, người dân đã nâng cao ý thức sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và có thời gian cách ly ngắn. Dù việc áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp vẫn còn gặp không ít khó khăn, và thói quen sử dụng thuốc hóa học vẫn tồn tại ở một số nơi, song xu hướng sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng lan rộng. Đây là tín hiệu tích cực mở ra tương lai cho một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, hướng tới sự phát triển hài hòa giữa con người và tự nhiên.

Sản phẩm vi sinh sử dụng phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chè.

Sản phẩm vi sinh sử dụng phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chè.

Việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn là giải pháp lâu dài giúp nông dân tiếp cận phương thức sản xuất thân thiện với môi trường. Để thực hiện hiệu quả, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ cho người dân, từ đó nâng cao nhận thức và kỹ năng sản xuất. Việc chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ giúp bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng, đồng thời tăng thu nhập và giá trị kinh tế. Đây là bước đi thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hiện đại và ngày càng bền vững.

Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-an-toan-va-ben-vung
Zalo