Phát triển nhà máy thông minh: Doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng

Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh của Samsung đã và đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Thay đổi tích cực nhờ được hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại In Minh Mẫn – doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp in và sản xuất nhãn mác là một trong số những doanh nghiệp tại TPHCM tham gia dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh năm 2024 của Samsung. Việc cải tiến sản xuất từ lâu đã không còn xa lạ với Minh Mẫn bởi trước đó doanh nghiệp này cũng đã từng tham gia chương trình tư vấn cải tiến của Samsung năm 2017 và dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh năm 2023.

Nói về lý do quyết tâm tham gia dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh lần thứ 2, ông Nguyễn Văn Mẫn – Tổng giám đốc công ty cho biết “Samsung là một tập đoàn nổi tiếng toàn cầu, việc nhận được hỗ trợ, đào tạo, chia sẻ quá trình xây dựng thành công nhà máy thông minh của công ty Samsung sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh tiến trình cải tiến tại nhà máy của mình.”

Thực tế sau 2 lần tham gia dự án, Minh Mẫn đã hoàn toàn lột xác. Trước khi tham gia dự án, Minh Mẫn phát triển không đồng bộ, việc kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh không tập trung và dữ liệu chưa chính xác, kịp thời

“Sau khi tham gia dự án, chúng tôi từ lãnh đạo đến từng cán bộ nhân viên đã có sự thay đổi lớn về tư duy trong quản trị sản xuất kinh doanh. Tất cả quá trình sản xuất, thông số sản xuất tại từng máy được thu thập, cập nhật lên hệ thống phần mềm theo thời gian thực. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với chúng tôi trong việc ra quyết định nhanh cũng như tăng năng suất giảm thiểu sai sót hao hụt trong sản xuất.” – ông Mẫn nói.

Tổng kết dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại Công ty In Trùng Khoa

Tổng kết dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại Công ty In Trùng Khoa

Hiện chỉ số thông minh của Minh Mẫn đã đạt 3.0/5.0 (cấp độ 3 trong thang đo 5 cấp độ nhà máy thông minh của Hàn Quốc).

Khác với Minh Mẫn, năm nay là lần đầu tiên công ty TNHH In Trùng Khoa được tham gia dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh. Là đơn vị chuyên thiết kế, in ấn, sản xuất các loại thiệp, tem nhãn, catalogue, túi xách, bao bì giấy các loại, được thành lập từ năm 2001 đến nay trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, công ty TNHH Trùng Khoa đã khẳng định được thương hiệu uy tín của mình trong lĩnh vực thiết kế và in ấn tại Thành phố Đà Nẵng. Song với định hướng không dừng lại ở việc sản xuất kinh doanh nhỏ, chất lượng quản lý hạn chế, doanh nghiệp này xác định số hóa là chìa khóa giải quyết vấn đề tồn tại của doanh nghiệp.

Tháng 9/2024, Trùng Khoa trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp tại khu vực miền Trung được lựa chọn tham gia dự án tư vấn hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh năm 2024. Và từ đây, doanh nghiệp này đã có những bước cải tiến ấn tượng: Xây dựng môi trường lập kế hoạch dựa trên đánh giá số lượng đơn hàng so với capa của máy để đảm bảo giao hàng đúng hạn; Quản lý thu thập dữ liệu theo thời gian thực các yếu tố chính trong quy trình in ấn và ghép nối; Xây dựng môi trường quản lý tồn kho nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm theo thời gian thực; Cải thiện môi trường làm việc trong quy trình kiểm tra và đóng gói thành phẩm….

Với sự có mặt của chuyên gia Samsung trực tiếp tại nhà máy để hỗ trợ, tư vấn, công ty đã xây dựng nhà kho thông minh; số hóa và vận hành từ xa, nâng chỉ số thông minh tại nhà máy từ 1.1/5.0 lên 3.0/5.0.

Ông Ngô Tiến Thành - Trưởng Ban phát triển nhà máy thông minh, Công ty TNHH In Trùng Khoa cho biết, sau khi triển khai thực hiện dự án, hiệu suất xử lý trong vận hành máy móc đã tăng khoảng 20%.

Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kỹ càng

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh cao như hiện nay, với cơ chế tự sàng lọc và lựa chọn, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn không chỉ tại thị trường quốc tế mà ngay trong thị trường nội địa. Vì vậy, phát triển nhà máy thông minh là xu thế tất yếu cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam hiện nay.

Tham gia dự án “Hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh” giống như Minh Mẫn hay Trùng Khoa cũng là 1 cách để các doanh nghiệp Việt có cơ hội được các chuyên gia tư vấn và hỗ trợ xây dựng nhà máy thông minh nhanh hơn, chính xác hơn và đáp ứng đúng tiêu chuẩn của chuỗi doanh nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, để tham gia dự án có hiệu quả, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng.

Tổng kết dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại công ty In Minh Mẫn

Tổng kết dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại công ty In Minh Mẫn

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn – Tổng giám đốc công ty In Minh Mẫn, trước khi đăng ký tham gia dự án, Minh Mẫn đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại nhà máy như hệ thống máy vi tính, hệ thống mạng…, các quy trình sản xuất cũng được xây dựng và duy trì, thông tin về sản xuất cơ bản đã được cập nhật trên Excel.

Ông Jang Yoon Ho, Giám đốc bộ phận Hỗ trợ đối tác, Samsung Việt Nam nhận định bản chất của hoạt động nhà máy thông minh chính là tối ưu hóa với mục tiêu là có thể làm minh bạch tất cả những điều còn ẩn khuất trong quá trình vận hành sản xuất. Từ đó, giúp doanh nghiệp gia tăng tối đa lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Để có thể đạt được kỳ vọng như vậy cần phải có nền tảng từ hoạt động điều hành doanh nghiệp một cách hệ thống và công cụ để đạt được hệ thống đó là phải có phần mềm quản lý.

“Xây dựng nhà máy thông minh thì không phải là phần mềm mà chính tư duy của đội ngũ nhân sự vận hành mới là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, các doanh nghiệp phải có tư duy đổi mới trong xây dựng, vận hành nhà máy”- ông Jang nói.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ nhân sự, ông Shim Sang Yong - chuyên gia tư vấn của dự án cho biết “Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình cải tiến của doanh nghiệp là nhân sự. Doanh nghiệp cần có đội ngũ quản lý và nhân viên kỹ thuật đủ năng lực và sẵn sàng tham gia đào tạo, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong quá trình triển khai dự án”.

Ông Shim tin tưởng rằng nếu các doanh nghiệp Việt Nam có tinh thần sẵn sàng đổi mới, cam kết tham gia đầy đủ các hoạt động trong chương trình và đầu tư nguồn lực cần thiết để triển khai, thì hoàn toàn có thể chuyển đổi số và hướng tới xây dựng nhà máy thông minh thành công trong tương lai.

CTV An An/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/phat-trien-nha-may-thong-minh-doanh-nghiep-can-chuan-bi-ky-cang-post1141413.vov
Zalo