Phát triển ngành hàng sắn theo hướng xanh, bền vững
Sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu. Việc ứng dụng mô hình canh tác tuần hoàn và các công nghệ mới sẽ giúp gia tăng giá trị xuất khẩu sắn, phát triển ngành sắn theo hướng xanh, bền vững…

Xuất khẩu sắn trong nửa đầu năm 2025 đạt hơn 711 triệu USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 6/2025 đạt 350 nghìn tấn, giá trị 109,7 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm đạt 2,3 triệu tấn và 711,5 triệu USD, tăng 68,6% về khối lượng và tăng 12,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
TRUNG QUỐC LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC
Đề cập về thị trường xuất khẩu sắn trong nửa đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và môi trường cho biết mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khi thị trường này chiếm tới 93,4% thị phần. Đài Loan và Malaysia là hai thị trường tiêu thụ lớn tiếp theo với thị phần nhỏ, chiếm lần lượt 1,5% và 1%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường Trung Quốc tăng 10,5%, thị trường Đài Loan giảm 33,7%, và thị trường Malaysia tăng 13,4%.
"Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 là 304,1 USD/tấn, giảm 33,1% so với cùng kỳ năm 2024".
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết 5 tháng đầu năm 2025, tổng lượng nhập khẩu sắn và tinh bột sắn của Trung Quốc đạt 4,97 triệu tấn, trị giá 1,38 tỷ USD, tăng 79,7% về lượng và tăng 19,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân nhập khẩu sắn giảm mạnh 33,5% so với cùng kỳ năm 2024, xuống mức 277,7 USD/tấn.
Đối với sắn lát, trong kỳ, Trung Quốc nhập khẩu hơn 2,62 triệu tấn sắn lát, trị giá 510,59 triệu USD, tăng 118% về lượng và tăng 62,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá bình quân nhập khẩu sắn lát vào Trung Quốc ở mức 194,5 USD/tấn, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong kỳ, Thái Lan và Việt Nam tiếp tục là hai nguồn cung sắn lát chủ yếu cho Trung Quốc, chiếm tổng cộng 98,6% tổng lượng nhập khẩu của thị trường này. Trong đó, nước này nhập từ Thái Lan 2 triệu tấn sắn lát với giá trị 388 triệu USD, tăng 116% về lượng và 60% về giá trị so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu bình quân từ Thái Lan đạt 194 USD/tấn, giảm 25,9%.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, Trung Quốc nhập sắn lát từ Việt Nam đạt 585.918 tấn với kim ngạch 114,4 triệu USD, tăng 115% về lượng và 61% về giá trị. Giá nhập khẩu sắn lát bình quân đạt 195,3 USD/tấn, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với tinh bột sắn, trong 5 tháng đầu năm 2025, Trung Quốc nhập khẩu 2,35 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 871,07 triệu USD, tăng 50,2% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Dù lượng nhập khẩu tăng mạnh nhưng kim ngạch chỉ nhích nhẹ lên do giá nhập khẩu giảm sâu. Trong kỳ, giá bình quân nhập khẩu tinh bột sắn vào Trung Quốc ở mức 370,7 USD/ tấn, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong 5 tháng đầy năm 2025, Việt Nam là nhà cung cấp tinh bột sắn lớn nhất cho Trung Quốc với hơn 1,14 triệu tấn, chiếm 48,84% tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu vào Trung Quốc trong kỳ. So với cùng kỳ năm trước, lượng nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam tăng 99%. Kim ngạch nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam cũng tăng 36,1% so với cùng kỳ, lên 409 triệu USD. Giá nhập khẩu bình quân đạt 357,2 USD/tấn, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thái Lan là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn thứ hai của Trung Quốc với 806.261 tấn, đạt 322,2 triệu USD, tăng lần lượt 13,3% về lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ. Lượng tinh bộ sắn mà Trung Quốc nhập khẩu từ Lào đạt 351.976 tấn với giá trị 123,2 triệu USD, tăng lần lượt 52,9% và 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu bình quân đạt 350,3 USD/tấn, giảm 31,6%.
TRIỂN KHAI MÔ HÌNH SẢN XUẤT SẮN TUẦN HOÀN
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước hiện có 517,8 nghìn ha diện tích sắn, sản lượng đạt 10,5 triệu tấn củ tươi/năm. Cây sắn cũng mang lại giá trị xuất khẩu từ 1 – 1,2 tỷ USD/ năm. Tuy nhiên, trồng sắn, đặc biệt là khi canh tác ồ ạt và không bền vững, có thể dẫn đến tình trạng đất bị kiệt quệ. Điều này xảy ra do sắn là loại cây có khả năng hút nhiều dinh dưỡng từ đất, làm giảm độ phì của đất do độ che phủ không cao và dễ gây xói mòn.
Nhằm khắc phục tình trạng này, cuối năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phê duyệt Dự án chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn ở Việt Nam thông qua canh tác tuần hoàn và quản lý chuỗi giá trị tinh bột sắn thông minh.
Mới đây, ngày 9/7/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung đã tiếp đoàn công tác JICA, do GS Takuro Shinano, Trưởng dự án Chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn ở Việt Nam thông qua canh tác tuần hoàn phía Nhật Bản, làm trưởng đoàn.

Thứ trưởng Hoàng Trung làm việc với GS Takuro Shinano.
Báo cáo tại cuộc gặp, GS Takuro Shinano cho biết Dự án được thực hiện thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST), chia làm 4 hợp phần: Lựa chọn các nguồn carbon có khả năng tăng hấp thụ carbon trong đất; Thiết lập kỹ thuật đo hàm lượng carbon trong đất dựa trên điều kiện đồng ruộng; Thiết lập tổng hợp biện pháp nông nghiệp tái sinh tăng lưu trữ carbon trong đất; Xây dựng chiến lược toàn diện để cung cấp tinh bột bền vững dựa trên gói nông nghiệp tái sinh cho phép tích trữ carbon.
Dự án hướng tới xây dựng một nền tảng kỹ thuật vững chắc cho Việt Nam, với sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ từ các đối tác Nhật Bản và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), tạo tiền đề cho việc phát triển sản xuất sắn theo hướng phát thải thấp. Dự kiến, mô hình sẽ được triển khai từ tháng 9/2025, song song bố trí thời gian phù hợp đào tạo ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật Việt Nam tại Nhật Bản, và hoàn thiện lắp đặt thiết bị tại phòng thí nghiệm, cung cấp trang thiết bị trong phòng phân tích và thiết kế ở Tây Ninh.
"Đoàn công tác đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh tiến hành điều tra, khảo sát và lựa chọn lại điểm thí nghiệm mô hình của dự án. Khu vực được chọn có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đủ nước tưới, đảm bảo an toàn lao động và có tiềm năng nhân rộng", GS. Takuro Shinano chia sẻ.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao ý nghĩa và mục tiêu của dự án giúp phát triển thành công mô hình canh tác tuần hoàn trong sản xuất sắn đầu tiên ở Việt Nam, hỗ trợ trực tiếp cho Đề án Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ.
“Điểm quan trọng của dự án là việc tích hợp phương pháp đo đếm hàm lượng carbon (MRV), giám sát, quản lý thông minh chuỗi giá trị. Việc thiết lập vùng canh tác tuần hoàn nhằm chuyển đổi hệ thống sản xuất sắn sẽ được thực hiện thông qua xác định các giống sắn dự trữ carbon, xây dựng các phương pháp canh tác tuần hoàn và giám sát thông số đất - cây trồng bằng công nghệ cao như: cảm biến, dữ liệu vệ tinh và máy bay không người lái”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.