Phát triển ngành chè Việt Nam theo tiêu chuẩn Halal để tăng cường xuất khẩu sang Pakistan
Với dân số hơn 240 triệu người và thói quen tiêu dùng chè (chai) rất phổ biến của người dân Pakistan, đã đưa quốc gia Nam Á này trở thành thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam.

Hiện chè của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được hơn 3% nhu cầu sử dụng chè của Pakistan.
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Pakistan, nhất là tăng cường xuất khẩu sản phẩm chè của Việt Nam sang Pakistan, ngày 25/6 vừa qua, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã phối hợp với Hiệp hội chè Pakistan tổ chức Hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến về "Phát triển ngành chè Việt Nam theo tiêu chuẩn Halal để tăng cường xuất khẩu sang Pakistan”.
Tham dự Hội thảo trực tuyến ở Việt Nam có đại diện các tỉnh Lâm Đồng, Thái Nguyên, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Giang và Yên Bái là những tỉnh có sản lượng chè lớn nhất của Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam; Hiệp hội chè Việt Nam; Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam (VHCC); dự trực tuyến ở Pakistan có cơ quan Halal Pakistan tại Islamabad (PHA). Hội nghị trực tiếp được tổ chức tại trụ sở của Hiệp hội chè Pakistan tại Karachi có Chủ tịch Hiệp hội chè Pakistan (PTA), các thành viên của Hiệp hội chè Pakistan và một số nhà nhập khẩu chè chính của Pakistan.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Pakistan Phạm Anh Tuấn nhiệt liệt chào mừng các đại biểu ở 14 điểm cầu tham dự Hội thảo, đánh giá cao và khẳng định sự tham dự đông đảo của các tỉnh thành có sản lượng chè lớn nhất Việt Nam tại hội thảo thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới thị trường Pakistan, một thị trường hơn 240 triệu dân với nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu.

Quang cảnh hội thảo thúc đẩy xuất khẩu chè theo tiêu chuẩn Halal sang Pakistan (trực tiếp và trực tuyến).
Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Việt Nam và Pakistan đạt 850 triệu USD, tăng 22% so với năm 2023, trong đó Việt Nam xuất khẩu vào Pakistan 522 triệu USD, nhập khẩu từ Pakistan 328 triệu USD. Riêng xuất khẩu chè sang Pakistan và Afghanistan đạt 127 triệu USD, là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất, chiếm tới 43% tổng sản lượng chè của Việt Nam ra thế giới.
Đại sứ khẳng định riêng về lĩnh vực chè, Pakistan còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu. Hiện chè của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được hơn 3% nhu cầu sử dụng chè của Pakistan, nhất là đối với sản phẩm chè đen mới đáp ứng 0,1% nhu cầu của thị trường này. Đại sứ đề xuất Chủ tịch của VHCC và Chủ tịch PHA phát biểu tham luận tập trung vào các quy định, tiêu chuẩn Halal của Pakistan và khu vực để thông tin và hướng dẫn cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu chè Việt Nam sang Pakistan được thuận lợi hơn.
Đại sứ cảm ơn Chủ tịch PTA đã phối hợp chặt chẽ với Thương vụ ĐSQ Việt Nam để tổ chức Hội thảo này. Đại sứ Phạm Anh Tuấn kêu gọi các doanh nghiệp Pakistan sớm thành lập các đoàn khảo sát thị trường và tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam, thông qua sự hỗ trợ của Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan.
Đánh giá về thị trường chè Pakistan, Phụ trách thương vụ Nguyễn Thị Diệp Hà cho biết, Thị trường Pakistan có nhu cầu cao và ổn định đối với mặt hàng chè trong đó có chè nhập khẩu từ Việt Nam. Chè là thứ đồ uống phổ biến nhất trong đời sống của người dân Pakistan từ thành thị đến thôn quê, từ nhà giầu đến nhà nghèo. Chính vì vậy chè là một trong số 12 mặt hàng thiết yếu mà chính phủ Pakistan phải đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá thị trường.

Các doanh nghiệp Pakistan và Việt Nam đã sôi nổi phát biểu ý kiến, kết nối thông tin tại Hội thảo.
Pakistan là nước nhập khẩu chè lớn nhất thế giới với khối lượng nhập khẩu là 244 nghìn tấn, trị giá 634 triệu đô la vào năm 2024. Việt Nam chỉ là nhà xuất khẩu chè đứng thứ 4 tại thị trường này sau Kenya, Rwanda và Uganda. Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành chè, bao gồm khí hậu, đất đai phù hợp và sự đa dạng của các giống chè. Tuy nhiên, ngành chè Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng để xuất khẩu chè có giá trị cao hơn. Mặt khác, để tăng được sản lượng xuất khẩu chè sang thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đầu tư trang thiết bị để sản xuất trà đen xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm cần thay đổi từ trà OTD sang trà đen CTC để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường Pakistan.
Ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trung bình từ 6% đến 7% mỗi năm, cho thấy nền kinh tế nội địa vững mạnh với tiềm năng cao. Việt Nam còn sở hữu nguồn nguyên liệu chè thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm chè xuất khẩu. Trung tâm sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Pakistan nói riêng và thị trường Halal thế giới nói chung.
Trong phần trao đổi, các doanh nghiệp Pakistan và Việt Nam đã sôi nổi phát biểu ý kiến, kết nối thông tin, xây dựng kế hoạch hợp tác để thúc đẩy việc trồng, chế biến sản phẩm chè đáp ứng tiêu chuẩn Halal nhằm tăng cường xuất nhập khẩu chè của Việt Nam sang khu vực. Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã cung cấp thông tin, trả lời nhiều câu hỏi, trong đó có nhiều câu hỏi liên quan đến những khó khăn của khách Pakistan khi xin visa online vào Việt Nam, không chỉ đối với khách du lịch mà cả với khách là doanh nhân, học giả vào dự hội thảo khoa học, xúc tiến thương mại… Hỗ trợ thông tin và hướng dẫn, kết nối các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi đoàn, xúc tiến thương mại sản phẩm chè và sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam.