Phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu

Vừa biết tương trợ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, vừa biết liên kết cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, đó là những điều người nông dân Quảng Ninh rất tự hào.

Ông Đỗ Ngọc Nam - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh thăm và chia sẻ, động viên và trao hỗ trợ các hộ hội viên nông dân chịu thiệt hại nặng do cơn bão số 3 tại huyện Tiên Yên.

Ông Đỗ Ngọc Nam - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh thăm và chia sẻ, động viên và trao hỗ trợ các hộ hội viên nông dân chịu thiệt hại nặng do cơn bão số 3 tại huyện Tiên Yên.

Tháng 9 vừa qua, siêu bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh đã cuốn đi hơn 10.000 tỷ đồng thành quả sản xuất của nông dân toàn tỉnh. Không ít người nông dân rơi vào cảnh điêu đứng.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, bão Yagi đổ bộ đã làm gần 100.000ha rừng sản xuất bị gãy đổ, hơn 2.200 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển bị mất trắng; trên 6.000ha lúa màu bị ngập úng; trên 2.000 gia súc và hàng trăm ngàn gia cầm bị chết…

Ông Nguyễn Sỹ Bính - Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết: Nhiều năm qua, đơn vị tổ chức các mô hình liên kết nuôi biển xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, đạt doanh thu từ 28-32 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đã khiến HTX bị thiệt hại hoàn toàn về tài sản, cùng phương tiện sản xuất nuôi trồng thủy sản.

“Ngay sau cơn bão, người đầu tiên điện thoại hỏi thăm, động viên tôi là lãnh đạo Hội Nông dân huyện. Sau đó, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đỗ Ngọc Nam đã đến tận nơi, bày tỏ sự chia sẻ và động viên các hộ nông dân cố gắng vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại và nhanh chóng phục hồi sản xuất, đời sống. Đó là những tình cảm ấm áp, chân thành của những người nông dân” - ông Bính nói.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Hội Nông dân các cấp, dẫn đầu là Hội Nông dân tỉnh đã động viên hội viên nông dân “Lá lành đùm lá rách”, chung tay giúp các hội viên nông dân bị thiệt hại do bão phục hồi sản xuất và ổn định cuộc sống. Tính đến nay, Hội Nông dân toàn tỉnh đã vận động, quyên góp 422 triệu đồng và trên 2.000 ngày công giúp hội viên nông dân khắc phục thiệt hại. Hội Nông dân các cấp cũng trao tặng 3.175 suất quà trị giá trên 678 triệu đồng cho cán bộ, hội viên nông dân bị ngập lụt nhà cửa, thất thoát vật nuôi, cây trồng…

Ông Nguyễn Văn Dinh (trú tại thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) trước đây làm nghề buôn bán hải sản. Đầu năm 2024, ông Dinh đã vay 1,5 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đóng lồng bè nuôi 15.000 con cá giò, 600 con cá sủ. Sau 5 tháng nuôi, mỗi con cá được khoảng 3,5 - 4kg. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã phá tan toàn bộ bè nuôi cá của gia đình ông.

“Các ô bè nuôi cá của gia đình tôi đều bị hư hỏng hết, 2 chiếc xuồng và 1 chiếc tàu bị đắm, ước tính thiệt hại cả cá với lồng bè và xuồng là 2,2 tỷ đồng. Gia đình tôi cũng đã được HND huyện và chính quyền địa phương đến động viên, thăm hỏi chia sẻ thiệt hại sau bão. Hiện tôi cũng như ngư dân đang tiếp tục vay mượn để khởi nghiệp lại, mong các cấp chính quyền hỗ trợ về vốn để chúng tôi có thể sớm tái đầu tư sản xuất” – ông Dinh bày tỏ.

Càng trong những tình huống khó khăn, nguy cấp, người nông dân Quảng Ninh càng thể hiện được tinh thần đoàn kết, sẻ chia của mình. Ông Nguyễn Văn Đường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Trong phần lớn các chương trình thiện nguyện gần đây liên quan đến bão số 3, hội viên nông dân tham gia rất nhiệt tình, kết quả thực hiện rất khả quan, qua đó đã kịp thời hỗ trợ được rất nhiều hội viên nông dân giảm bớt đi khó khăn, có thêm động lực để vượt qua bão dữ.

Cùng với các hoạt động nông dân giúp nhau lúc khó khăn, nông dân Quảng Ninh còn giúp nhau làm giàu thông qua các hình thức tập hợp nông hộ sản xuất thành những tổ hợp tác, tổ liên kết, các HTX... Đây là những mô hình kinh tế tập thể, mà qua đó phát huy sức mạnh tập thể của người nông dân.

Dù chỉ mới thành lập năm 2023, nhưng các thành viên trong HTX Toàn Thắng (xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) sinh hoạt rất thường xuyên, mục tiêu là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây ăn quả, tiếp cận các nguồn vốn, chính sách về phát triển mô hình kinh tế, đầu ra cho sản phẩm, cũng như việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Hiện HTX đang có 15 thành viên, với diện tích canh tác khoảng 6ha, chủ yếu trồng các cây ăn quả như cam, táo… Thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 60-80 triệu đồng/năm. Ông Bùi Thọ Hoài - thành viên HTX Toàn Thắng, cho biết: Chúng tôi duy trì kênh trao đổi qua nhóm Zalo, những thông tin về thời tiết, nông vụ, kinh nghiệm chăm sóc đều được các thành viên chia sẻ với nhau. Mục tiêu là xây dựng một cộng đồng trồng cây ăn quả có chất lượng, cùng phát triển bền vững.

Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh có hơn 650 HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 30 HTX, 20 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp; nâng chất lượng hoạt động của các HTX, THT. Để làm được điều này, HND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp hội khuyến khích, vận động, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất kinh doanh, nông dân xuất sắc làm nòng cốt, hạt nhân thành lập HTX, THT nông nghiệp. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tiếp sức về vốn, kỹ năng quản trị, khoa học kỹ thuật... cho các thành viên HTX, THT.

Nguyễn Quý

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phat-trien-kinh-te-vuon-len-lam-giau-10295507.html
Zalo