Phát triển khu công nghiệp xanh - sinh thái: Cần gỡ vướng mắc
Phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái là vấn đề được nhiều địa phương và chủ đầu tư dự án hạ tầng KCN rất quan tâm nhằm tạo sự phát triển bền vững, phù hợp với định hướng chọn lọc thu hút đầu tư của Việt Nam.

Người dân xem quy hoạch Khu công nghiệp Phước An, được định hướng phát triển theo mô hình khu công nghiệp xanh, sinh thái. Ảnh: Văn Gia
Một số KCN của cả nước, trong đó có Đồng Nai, đã bước đầu tham gia các chương trình phát triển KCN xanh, sinh thái và mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển mô hình KCN sinh thái được thuận lợi cũng còn những rào cản, vướng mắc cần tháo gỡ.
Doanh nghiệp quan tâm
Tại Đồng Nai, KCN Amata là một trong những đơn vị đi đầu của cả nước về định hướng phát triển KCN sinh thái.
Giám đốc cấp cao Quản lý nước và môi trường Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa Phạm Anh Tuấn nhận định, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường. Việc xây dựng và phát triển KCN sinh thái nhằm tăng tỷ lệ tuần hoàn nước và tăng các chỉ số điểm cho KCN.
KCN Amata đang xây dựng các cộng sinh công nghiệp, mang lại lợi ích rõ ràng về kinh tế môi trường, đáp ứng các điều kiện xuất khẩu. Các KCN sau này của Tập đoàn Amata cũng định hướng phát triển sinh thái như ở Quảng Ninh hay Dự án KCN công nghệ cao Long Thành. Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp cho các nhà đầu tư quốc tế là một trong những ưu tiên hàng đầu, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Amata đối với phát triển bền vững.
Không chỉ Amata, các KCN phát triển về sau của Đồng Nai sẽ tiếp tục được định hướng theo mô hình KCN xanh, sinh thái.
Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức (chủ đầu tư hạ tầng KCN Long Đức) Ishii Hiroyuki, doanh nghiệp đang phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy dự án KCN xanh, thông minh. Theo đó, sẽ tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu KCN xanh, thông minh; nâng cao hiệu quả xử lý chất thải công nghiệp hướng tới không phát thải khí CO2; tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, các dự án mới sắp được xây dựng trên địa bàn tỉnh như: KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp, KCN Phước An... cũng được chủ đầu tư định hướng trở thành trung tâm công nghiệp - logistics đáp ứng các tiêu chí hiện đại, phát triển theo mô hình KCN xanh - thông minh - tích hợp, sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo áp mái, hệ thống xử lý nước thải và chất thải tiên tiến...
Vẫn còn vướng các rào cản
Phát triển KCN sinh thái không chỉ là một mô hình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nguyên liệu theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, mà còn là công cụ quan trọng để thực hiện cam kết giảm phát thải và mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia. Gần đây, các địa phương cũng như các chủ đầu tư hạ tầng KCN đã dành sự quan tâm nhiều hơn đối với mô hình này, cơ hội phát triển lớn song vẫn còn những thách thức.
Theo ông Bạch Ngọc Tùng, Viện phó Viện Khoa học công nghệ xây dựng AIS (Thành phố Hà Nội), trong vấn đề phát triển KCN sinh thái, cần phát triển theo chuỗi liên hoàn thay vì từng khu, dự án riêng lẻ. Các khu không thể là thực thể biệt lập, mà phải kết nối thành các cụm, hành lang kinh tế xanh, chia sẻ nguồn lực và chuỗi cộng sinh công nghiệp liên vùng. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là khung pháp lý còn thiếu đồng bộ. Sự vướng mắc giữa các luật như: Luật Đầu tư năm 2020, Luật Môi trường năm 2020, Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 và Luật Xây dựng năm 2014 thời gian qua cũng gây khó khăn cho chủ đầu tư và các doanh nghiệp trong KCN.
Bên cạnh đó, nguồn tài chính “xanh” như: tín dụng xanh, trái phiếu xanh hay quỹ bảo vệ môi trường vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Ngoài ra, các công nghệ mới, công nghệ quản lý thông minh (IoT, AI, GIS) và chuyển đổi số, mặc dù được khuyến khích nhưng chi phí đầu tư ban đầu lớn và thiếu nguồn nhân lực chuyên môn nên vẫn chưa có nhiều đơn vị thực hiện được.
Theo các chuyên gia, để chuyển đổi KCN thông thường sang KCN sinh thái, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng lộ trình chuyển đổi, nâng cao nhận thức, hỗ trợ tài chính, thúc đẩy đổi mới công nghệ...
Trên thực tế, việc phát triển mô hình KCN xanh, sinh thái không chỉ là câu chuyện của chủ đầu tư hạ tầng. Ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, các KCN đang phải đối mặt với áp lực lớn từ cả khách hàng và nhà đầu tư về việc cung cấp năng lượng sạch, đảm bảo chỉ số carbon thấp và cung cấp nước tái sử dụng. Bên cạnh đó, khi niêm yết trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp phải báo cáo các chỉ tiêu phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Việc kết nối các doanh nghiệp trong KCN và khu vực lân cận để tạo ra công nghiệp cộng sinh cũng là điều rất quan trọng để có thể xây dựng được mô hình công nghiệp sinh thái, bền vững.