Phát triển đô thị xanh và bài toán quy hoạch

Theo Bộ Xây dựng, mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Nếu như năm 2010, tốc độ đô thị hóa tăng 30,5%, thì tới năm 2023 đã lên 42,6% và chắc chắn xu hướng sẽ còn cao hơn trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, bên cạnh những hạn chế về tình trạng tự phát, thiếu quy hoạch (hoặc phá vỡ quy hoạch), hạ tầng manh mún; nhìn chung các đô thị ở Việt Nam thiếu hẳn một sự bài bản, tầm nhìn về mô hình đô thị xanh. Nguyên nhân do đâu?

Trong những năm gần đây, các cơ chế, chính sách về công trình xanh được ban hành khá đầy đủ.

Trong những năm gần đây, các cơ chế, chính sách về công trình xanh được ban hành khá đầy đủ.

Đô thị xanh - vì sao chưa đạt kỳ vọng?

Với tốc độ đô thị hóa đã nêu trên, nhưng trong những năm qua, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị chủ yếu theo bề nổi như khu đô thị mới, khu vui chơi giải trí… Không hiếm tình trạng phá vỡ tính đồng bộ vì quy hoạch xong nhưng khi đi vào thực hiện lại thay đổi, điều chỉnh. Công tác quản lý đô thị còn thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Mặt khác, hệ thống pháp luật liên quan tới đầu tư xây dựng đô thị thiếu đồng bộ khiến đô thị hóa diễn ra tự phát, không có quy hoạch. Tình trạng này dẫn đến một số đô thị thiếu hạ tầng, mất cảnh quan đô thị... gây tác động tiêu cực cho môi trường sống, nhất là khu vực thành phố, do quá tải cơ sở hạ tầng đô thị, an ninh xã hội không đảm bảo, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu việc làm...

Tác động thấy rõ là một số tỉnh, thành phố Việt Nam liên tục đứng top đầu về ô nhiễm không khí, khiến người dân ngày càng “khát” không gian xanh. Đặc biệt là thế hệ trẻ với điều kiện sống và có ý thức hơn về giá bị bền vững. Nhưng với tốc độ đô thị hóa hiện nay, những không gian xanh, mặt nước đang ngày càng thu hẹp và vắng bóng trong môi trường đô thị Việt Nam.

Đơn cử - theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2 và chỉ tiêu của những thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người. Qua đó cho thấy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới.

Một thực tế khác, nhiều chủ đầu tư muốn làm công trình xanh nhưng chưa có kinh nghiệm, hoặc lo ngại việc xây dựng và phát triển công trình xanh sẽ khiến chi phí đầu tư tăng 20-30%, thậm chí cao hơn. Trong khi thực tế, nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải.

Trong những năm gần đây, các cơ chế, chính sách về công trình xanh được ban hành khá đầy đủ. Gần đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về tiết kiệm hiệu quả năng lượng tòa nhà… Chính vì vậy, số lượng công trình xanh tại Việt Nam ghi nhận chiều hướng tăng qua mỗi năm. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam có khoảng hơn 200 công trình xanh, sang năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 300 công trình xanh. Điều này cho thấy cơ chế, chính sách trong khuyến khích phát triển công trình xanh cũng bước đầu đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, đánh giá thẳng thắn thì vẫn còn không ít doanh nghiệp phân vân việc đầu tư phát triển công trình xanh do lo ngại chi phí tăng cao, tìm kiếm vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn.... Chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn là câu hỏi đầu tiên của nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường. Điều này cho thấy, chi phí đầu tư đang trở thành một trong những yếu tố có thể gây cản trở đến hoạt động phát triển công trình xanh.

Thời gian qua, một số khu đô thị được xây dựng ở một số thành phố lớn được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ để có thể gọi là đô thị xanh.

Theo nhiều chuyên gia, để một đô thị chuẩn xanh phải đáp ứng được 7 tiêu chí: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, kết nối là một trong những chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay và sắp tới

Phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, kết nối là một trong những chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay và sắp tới

Quy hoạch tích hợp - yếu tố tiên quyết để phát triển đô thị xanh

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” và đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; phát triển đô thị có tầm nhìn dài hạn; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; xây dựng các đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển.

Như vậy, có thể thấy rõ phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, kết nối là một trong những chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đều chung nhận định, Việt Nam có điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là môi trường thuận lợi để phát triển không gian xanh đô thị và các công trình kiến trúc xanh. Thuận lợi hơn là có thể học tập, rút kinh nghiệm đi trước từ các nước phát triển để áp dụng vào nước ta.

Tuy nhiên, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam nói chung còn gặp nhiều trở ngại, như hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, dân số đông nên hạn chế về quỹ đất xây dựng.

Ngay trong chiến lược quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của nước ta đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 còn thiếu định hướng phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, và thực tế cũng chưa xây dựng được bộ tiêu chí về đô thị xanh.

Bên cạnh đó, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới ở Việt Nam, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước; hoặc khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái.

Bên cạnh những khó khăn kể trên, còn có một vấn đề rất quan trọng là công tác quy hoạch như đã nêu ở phần trên, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao.

Làm quy hoạch tốt là phải cân bằng đất và nước, có như vậy mới bảo đảm môi trường sinh thái phát triển để có được đô thị xanh, kinh tế xanh. Do đó, bài toán quy hoạch phải được tích hợp đa ngành, đặt ra mục tiêu con người làm trọng tâm, cam kết của nhà quản lý là quan trọng, lợi ích của cộng đồng phải được tôn trọng.

Quỹ đất đô thị phải được quy hoạch sử dụng hợp lý, phát triển bất động sản phải song hành với phát triển nông nghiệp sinh thái, nhằm tuần hoàn rác thải và nước thải đô thị. Bản chất của phát triển đô thị xanh và bền vững là phải cân bằng được môi sinh, cân bằng về lợi ích, cân bằng giữa tự nhiên và phúc lợi xã hội.

Để đạt được mục tiêu phát triển đô thị xanh, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, công tác quy hoạch của các đô thị lớn của Việt Nam phải được nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng, giải quyết thấu đáo những vấn đề đặt ra của tất cả các khía cạnh về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, bất động sản, không gian công cộng… Và chỉ khi công tác quy hoạch được làm mang tính tích hợp cao thì mới hy vọng có được một kịch bản phát triển xanh, bền vững cho tất cả các đô thị trên cả nước.

Ngọc Hân

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/phat-trien-do-thi-xanh-va-bai-toan-quy-hoach-130137.htm
Zalo