Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn cho đất nước
Dự án Luật được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Sáng 23/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Hải, QH nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐBQH TP.Cần Thơ tham gia phiên thảo luận tại tổ.
Chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, làm chủ công nghệ lõi
Bố cục của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 08 Chương, 73 Điều. Dự thảo Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số bao gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; Hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; Hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; Doanh nghiệp công nghệ số; Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.
Về mục đích ban hành, quan điểm xây dựng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định: Dự án Luật được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Luật Công nghiệp công nghệ số thay thế các nội dung về công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển. Quan điểm xây dựng Luật tập trung vào 5 nội dung chính, gồm:
Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng thực thi các quy định pháp luật về công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT theo pháp luật hiện hành…; Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định còn phù hợp của Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành về công nghiệp CNTT… để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho thực thi, áp dụng.
Tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm quốc tế để vận dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của công nghiệp 4.0 và kinh tế số nói riêng, đặc biệt là tham khảo, học tập quy định quản lý những công nghệ mới tại các đạo luật của Châu Á, Châu Âu, Hoa Kỳ,…
Xây dựng Luật với các cơ chế, chính sách ưu đãi, quy trình, thủ tục thuận lợi nhất cho ngành công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số, thúc đẩy Make in Viet Nam nhưng vẫn bảo đảm không làm thay đổi trách nhiệm, không chồng lấn chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành theo lĩnh vực được phân công.
Cần cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định: Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình QH xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng ban hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, tránh chồng chéo với các luật có liên quan, nâng cao tính quy phạm của các chế định trong dự thảo Luật, bảo đảm khả thi, đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật.
Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật, tương thích với với điều ước quốc tế có liên quan. Tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật còn chậm, chưa bảo đảm theo quy định…
Về tài sản số, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, việc quy định về tài sản số trong Luật CNCNS là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường…
Về trí tuệ nhân tạo, một số ý kiến cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện (cả những vấn đề về sở hữu và các quyền tài sản và quyền nhân thân đối với dữ liệu; vấn đề tôn trọng quyền tác giả;…) để xây dựng một đạo luật riêng về trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam.
Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, tại thời điểm này, Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI. Do đó, cơ bản tán thành sự cần thiết và phạm vi, mức độ quy định về các hệ thống AI trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ (nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường)…
Không nên phát triển “đại trà” Khu công nghệ số
Đóng góp ý vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, phải định nghĩa đúng về “công nghệ số” thì nội hàm luật điều chỉnh mới tốt.
Theo ĐB, hiện Điều 3 của dự thảo Luật về giải thích từ ngữ quy định: “Công nghệ số bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ số thế hệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, thực tại ảo/thực tại tăng cường, và các công nghệ số khác để số hóa thế giới thực, thu thập, lưu trữ, truyền đưa, xử lý thông tin và dữ liệu số”. “Dự thảo Luật định nghĩa theo dạng liệt kê như vậy không hợp lý và sẽ thiếu”. Theo ĐB, trên thế giới có nhiều định nghĩa chuẩn mực về vấn đề này theo hướng làm rõ nội hàm của công nghệ số ban soạn thảo có thể tham khảo.
Ví dụ, công nghệ số là sử dụng các hệ thống công cụ và thiết bị kỹ thuật số để xử lý, lưu trữ và truyền dữ liệu dưới dạng số, điện tử. Công nghệ số bao gồm nhiều công nghệ khác nhau, bao gồm máy tính, điện thoại thông minh, ứng dụng, phần mềm, internet và các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, máy học, blockchain…
Bên cạnh đó, dù tán thành với việc có chính sách ưu tiên để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số song ĐB cho rằng, “trong dự thảo Luật, các quy định ưu tiên, ưu đãi nhiều quá, dàn trải, không tập trung”.
Cũng theo vị ĐB, cả nước hiện có 7 Khu công nghệ thông tin tập trung nhưng hiệu quả hoạt động hiện còn hạn chế. Trong khi đó, Điều 72 về điều khoản chuyển tiếp quy định: “Khu công nghệ thông tin tập trung đã được quy hoạch, thành lập, công nhận, mở rộng và đang hoạt động theo quy định của pháp luật tự động chuyển thành Khu công nghệ số và thực hiện theo quy định tại Luật này”.
“Hết sức cân nhắc việc Khu công nghệ thông tin tập trung tự động chuyển thành Khu công nghệ số. Chúng ta không nên và không thể phát triển đại trà khu công nghệ số. Thay vào đó, Chính phủ nên chọn một vài khu đúng nơi đúng chỗ, đầu tư tập trung, đầu tư cho “tới mức” thì mới bật lên được”, ĐB đề nghị.
Đồng quan điểm trên, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị làm rõ 3 nội dung. Thứ nhất, quy định công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế riêng đã thật phù hợp với phân chia các ngành kinh tế, khoa học công nghệ theo thông lệ của quốc tế hay chưa?
Thứ hai, theo nữ ĐB, vừa qua QH đã thông qua một số luật như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông... và đang trình QH xem xét, cho ý kiến như Luật Dữ liệu... Các luật này cũng có nhiều nội hàm của công nghệ số, vì vậy, cần được xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống luật pháp.
Thứ ba, ĐB Tại Thị Yên cho rằng, một số nội dung lần đầu được quy định ở văn bản luật như tài sản số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các quy định về nguồn nhân lực công nghệ số, khung năng lực công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát... cần được nghiên cứu, làm rõ hơn trong quá trình xây dựng Luật để có tính khả thi cao và gắn với thực tiễn của tình hình cụ thể của nước ta.
Một số khái niệm như: công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, hội tụ công nghệ số, khu công nghệ số… cần làm rõ hơn cả về định tính và định lượng để xem xét, quyết định áp dụng các chính sách về ưu đãi thuế, đất đai…