Phát triển bền vững nghề truyền thống đan cỏ bàng
Trong đề án 'Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)' có xác định 5 nội dung liên kết quan trọng gồm: Liên kết phát triển sản phẩm du lịch; Xây dựng thương hiệu; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; Phát triển hạ tầng du lịch; Liên kết xây dựng chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng. Tại Kiên Giang, việc phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đang là chủ trương được hướng đến. Một trong những làng nghề được chú trọng phát triển đó là làng nghề đan cỏ bàng ở huyện Giang Thành.
Nghề đan cỏ bàng của người dân vùng biên từ lâu đã nổi tiếng, không chỉ đem lại thu nhập mà còn mang nét độc đáo trong cách truyền dạy. Trong chuyên mục Cửu Long Du Ký hôm nay, mời quý vị cùng ghé thăm 2 xã Phú Mỹ và Phú Lợi, huyện Giang Thành, nổi tiếng với nghề đan cỏ bàng của người Khmer.
Xưa kia, cỏ bàng mọc bạt ngàn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những cánh đồng đất càng nhiễm phèn nặng, lúa cấy xuống là chết cháy thì cỏ bàng lại ngạo nghễ vươn tốt. Cũng tự bao đời, người Khmer nơi đây biết nhổ cỏ bàng về phơi khô, đập dập rồi đan cà ròn, đệm, chiếu, giỏ, nón... phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Ngày 5/1/2016, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt quyết định thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, với tổng diện tích khoảng 2.700 ha, phân cấp cho địa phương quản lý. Mục tiêu của khu bảo tồn là bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở ĐBSCL; đảm bảo phát triển được làng nghề truyền thống bền vững.
Cùng đến thăm gia đình chị Mộng Tuyền, ở xã Phú Lợi, huyện Giang Thành. Chị kể, nghề đan cỏ bàng đã trở thành đặc trưng ở huyện biên giới này nhiều thế kỷ nay. Thấy tiềm năng, năm 2017, vợ chồng chị mở xưởng, tạo đầu ra ổn định cho người dân địa phương.
Trước đây, bà con Khmer chủ yếu dùng cỏ bàng để đan đệm, túi đơn giản, lợi ích chưa cao do sản phẩm làm ra bán ra theo lối tự phát. Hiện xã Phú Mỹ cũng có HTX hỗ trợ cho người dân, họ thường xuyên được hướng dẫn thêm kỹ thuật đan mới, đáp ứng yêu cầu hàng xuất khẩu. Tham gia hợp tác xã thời gian rảnh, ngoài thu nhập trung bình 3,65 triệu đồng/tháng/người, các thành viên còn được chia lợi nhuận trên 2 triệu đồng/tháng từ tổng lợi nhuận của hợp tác xã. Số tiền này đủ để lo cho con, cháu đi học ở vùng biên.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!