Phát huy vai trò của thôn, tổ dân phố trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết

Ngày 19/3, Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 'Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố, trong điều kiện miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn'.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành của Trung ương đã dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn nhấn mạnh: Nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của các tổ chức, các lực lượng tham gia công tác tại cơ sở, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã chỉ đạo quyết liệt, phối hợp cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu tổng thể tới 100% các thôn, tổ dân phố trong điều kiện miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lạng Sơn.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn đề nghị: Hội thảo cần tập trung trao đổi, thảo luận về những nội dung cơ bản xoay quanh vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trong điều kiện miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung trong tình hình hiện nay. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Hội thảo quy tụ 126 bài tham luận có chất lượng, mang tính tổng kết thực tiễn và khái quát lý luận cao, bảo đảm tính khoa học của các bộ, ban, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học… Nổi bật là bài tham luận “Phát huy vai trò của thôn, tổ dân phố trong xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết - Một số vấn đề lý luận, thực tiễn và giải pháp trong giai đoạn hiện nay” của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, được trình bày tại Hội thảo.

Trong đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đã nhắc tới vai trò quan trọng của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở khu dân cư với cấp ủy Đảng và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;…

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng cần phải xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đảm bảo số lượng, đảm bảo cơ cấu thành phần Ban Công tác Mặt trận theo quy định. Xây dựng quy chế hoạt động của Ban công tác Mặt trận, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; duy trì họp thường kỳ mỗi tháng một lần, họp bất thường khi cần thiết.

Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban công tác Mặt trận để triển khai các phong trào thi đua một cách linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn địa phương, thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia.

Bên cạnh đó, hệ thống chính trị các cấp cần chủ động nắm chắc tình hình nhân dân ở khu dân cư, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn bức xúc trong nhân dân để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ. Thường xuyên “gần dân, sát dân, hiểu dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin” tạo nên sự thống nhất giữa “ý Đảng lòng dân”. Tăng cường đoàn kết thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân “lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho nhân dân”, lấy đoàn kết để phát huy sức mạnh của mọi tổ chức và cá nhân, lấy việc động viên, thực hiện dân chủ và công khai, minh bạch ở cộng đồng dân cư làm phương châm hành động.

Cùng với đó cần tăng cường công tác tự quản của nhân dân ở khu dân cư thông qua hoạt động của Tổ tự quản và Tổ hòa giải gắn với việc thực hiện quy ước, hương ước, phát huy vai trò của người có uy tín, tiêu biểu tham gia công tác hòa giải. Đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp như đội ngũ luật sư, luật gia, cán bộ, công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật ở các khu dân cư. Hòa giải viên phải đi sâu, đi sát xuống từng hộ dân, lắng nghe nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn để hòa giải thành công theo tinh thần hòa giải hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Ngoài ra, các tham luận tại Hội thảo cũng đã làm nổi bật vị trí, vai trò của thôn, tổ dân phố, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố. Qua đó làm sâu sắc tính tất yếu phải nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố các địa phương miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Lạng Sơn hiện nay.

Các bài phát biểu cũng đã nêu bật những kinh nghiệm thực tiễn, những cách làm hay, sáng tạo về phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với hoạt động của thôn, tổ dân phố; về kiện toàn các chức danh hoạt động không chuyên trách và lực lượng tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; kinh nghiệm trong công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở;... Từ đó, gợi mở nhiều hàm ý chính sách để Lạng Sơn có thể chọn lọc để xây dựng chủ trương, chính sách và cách làm phù hợp với đặc thù của tỉnh.

Nguyễn Quý

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phat-huy-vai-tro-cua-thon-to-dan-pho-trong-xay-dung-cung-co-khoi-dai-doan-ket-10275584.html
Zalo