Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong quản lý đất đai
Quản lý đất đai luôn là nhiệm vụ khó, nếu làm không tốt dễ dẫn tới tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất trái quy định, gây ảnh hưởng tiến độ các dự án, phát sinh khiếu kiện... Thực tế công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua cho thấy, khi cấp ủy cơ sở quan tâm vào cuộc tích cực thì công tác này vào nền nếp.
Quyết liệt vào cuộc
Phường Đa Mai (TP Bắc Giang) là địa phương được Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá quản lý đất đai hiệu quả. Đa Mai vốn là xã nông nghiệp giáp đê, khoảng 10 năm trở lại đây mới trở thành phường nên nguy cơ vi phạm về đất đai cao. Tuy nhiên, do địa phương quan tâm làm tốt công tác quản lý nên từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn không xảy ra vi phạm mới. Từ tháng 6/2020 trở về trước, toàn phường chỉ xảy ra 13 vụ vi phạm phần lớn là trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp nhưng đến nay đã được xử lý xong.
Đồng chí Phùng Thị Thu Hiền, Bí thư Đảng ủy phường Đa Mai cho biết: “Đạt kết quả trên là do Đảng ủy, UBND phường luôn sâu sát, triển khai chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý đất đai. Chỉ đạo cán bộ, đảng viên phải làm gương, vận động người thân chấp hành nghiêm quy định, không lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định”.
Trước đó, từ năm 2014, Đảng ủy phường đã chỉ đạo rà soát, đưa toàn bộ diện tích đất công ích trên địa bàn phường vào quản lý chặt chẽ. Ngay sau khi Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 19 (Chỉ thị 19) ngày 11/6/2020 về tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tháng 8/2020, Đảng ủy phường đã ban hành Nghị quyết thực hiện Chỉ thị này. Đồng thời chỉ đạo thành lập tổ phản ứng nhanh kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai.
Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp quản lý đất đai, việc triển khai các dự án trên địa bàn phường diễn ra cơ bản thuận lợi. Năm 2024, phường Đa Mai triển khai 6 dự án khu đô thị, khu dân cư với tổng diện tích thu hồi đất khoảng 29 ha, liên quan đến 730 hộ dân ở các tổ dân phố. Tuy nhiên, công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản được các hộ dân đồng thuận, không có trường hợp phải cưỡng chế.
Không riêng tại phường Đa Mai, theo đồng chí Phạm Việt Dũng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, qua công tác giám sát chuyên đề (trong đó có công tác quản lý đất đai) tại các huyện, thị xã, TP của tỉnh cho thấy, ở các địa phương có cấp ủy, chính quyền cơ sở quyết liệt thực hiện các giải pháp quản lý đất đai, phát huy rõ nét vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thì nơi ấy công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp.
Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên
Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 19 và Kết luận 120 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở trong đấu tranh, xử lý các vi phạm về đất đai được nâng lên và tạo chuyển biến lớn trong công tác này trên địa bàn tỉnh. Sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhất là sự quyết liệt trong xử lý vi phạm của người đứng đầu ở cấp cơ sở góp phần răn đe, ngăn ngừa hiệu quả các vi phạm, lấn chiếm đất đai trên địa bàn.
Thái độ quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhất là trong xử lý vi phạm ở cấp cơ sở đã góp phần răn đe, ngăn ngừa hiệu quả các vi phạm về đất đai trên địa bàn. Thống kê của các huyện, thị xã, TP, trước năm 2020, trung bình mỗi năm toàn tỉnh xảy ra khoảng 600 trường hợp vi phạm về đất đai, thì trong 3 năm từ 2021- 2023 chỉ xảy ra 637 trường hợp, từ tháng 8/2023 đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 7 vụ vi phạm mới.
Thống kê của các huyện, thị xã, TP, trước năm 2020, trung bình mỗi năm toàn tỉnh xảy ra khoảng 600 trường hợp vi phạm về đất đai, thì trong 3 năm từ 2021- 2023 chỉ xảy ra 637 trường hợp; từ tháng 8/2023 đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 7 vụ vi phạm mới. Các vi phạm phát sinh mới có tỷ lệ xử lý dứt điểm đạt cao (hơn 93%). Một số địa phương đã quyết liệt xử lý, cưỡng chế không ít công trình kiên cố, có diện tích xây dựng lớn như: Huyện Yên Dũng xử lý nhiều công trình kiên cố tại xã Tiền Phong; huyện Hiệp Hòa cưỡng chế xong 3 vụ phức tạp tại thôn Ngọc Liễn, xã Châu Minh; thị xã Việt Yên huy động toàn lực lượng xử lý các vi phạm tại xã Vân Trung…
Đáng chú ý, qua rà soát, kiểm tra, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã phát hiện, lập biên bản xử lý nghiêm đối với 426 trường hợp cán bộ, đảng viên và người thân của cán bộ, đảng viên vi phạm về đất đai. Đặc biệt, có những cán bộ, đảng viên giữ trách nhiệm lãnh đạo tại cơ sở đã chủ động nhận trách nhiệm trước vi phạm. Gần đây là trường hợp đồng chí Lã Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Dương Hưu, nhận thấy trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra một số vi phạm về đất đai trên địa bàn xã trước đó, tháng 9/2024, ông Giang đã viết đơn xin thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã để chuyển sang công tác khác.
Được biết, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được từ Chỉ thị 19, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh vừa kiến nghị BTV Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục duy trì, thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về đất đai; huy động sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên đoàn thể ở cơ sở. Xã, phường, thị trấn nào còn để xảy ra vi phạm đề nghị kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó.
Đồng chí Phí Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: Thực hiện tinh thần này, để góp phần quản lý hiệu quả đất đai trên địa bàn, Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, nắm kỹ các nội dung của Luật Đất đai 2024 và các nghị định, văn bản liên quan để hướng dẫn cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện trên thực tế. Cùng đó, phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng sổ tay hướng dẫn thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về đất đai cũng như công trình vi phạm trên địa bàn tỉnh, góp phần ngăn ngừa vi phạm, tiêu cực phát sinh trong lĩnh vực này thời gian tới.
Bài, ảnh: Thùy Ninh