Phát huy tiếng nói của thanh niên
Không còn ngại ngần, ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đã mạnh dạn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của mình đến lãnh đạo địa phương. Đằng sau tín hiệu tích cực ấy là nỗ lực của các cấp bộ đoàn trong công tác tổ chức, phát huy cao nhất hiệu quả hoạt động đối thoại.
Không còn ngại... nói
Bí thư Huyện đoàn Đakrông Nguyễn Đức Linh thông báo, chương trình đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với thanh niên năm 2024 đã thành công tốt đẹp. Đây là lần thứ hai UBND huyện Đakrông phối hợp với huyện đoàn tổ chức chương trình. So với lần đầu tiên tổ chức, buổi đối thoại năm nay được đánh giá rất cao. Một trong những điều đáng chú ý là có nhiều ĐVTN đã vượt qua sự ngại ngần, chủ động gửi gắm ý kiến.
Theo anh Nguyễn Đức Linh, toàn huyện Đakrông hiện có khoảng 2.700 ĐVTN. Sinh sống ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên các bạn trẻ khó có điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện. Vì thế, một bộ phận ĐVTN thường ngại ngần khi phát biểu tại diễn đàn lớn. “Chúng tôi biết rất khó để thay đổi điều đó nhưng nếu không làm thì sẽ mãi là... không thể. Vì thế, năm 2023, Huyện đoàn Đakrông đã phối hợp với UBND huyện tổ chức chương trình đối thoại đầu tiên. Sau lần ấy, thấy ý kiến của mình được lắng nghe, quan tâm, giải quyết nên các ĐVTN rất vui mừng và quyết tâm thay đổi”, anh Linh nói.
Phát huy hiệu quả của lần đối thoại trước, năm nay, UBND huyện Đakrông và Huyện đoàn thống nhất chọn chủ đề: “Thanh niên lập thân, lập nghiệp và định hướng nghề nghiệp, việc làm”. Nhờ thế, buổi đối thoại thu hút sự quan tâm của thêm nhiều bạn trẻ. Từ các xã, thị trấn, đông đảo ĐVTN vượt đường sá xa xôi tham dự đối thoại. Ai cũng phấn khởi khi mở đầu chương trình, Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu đã khuyến khích ĐVTN tập trung trí tuệ, trao đổi, thảo luận, kiến nghị những vấn đề quan tâm. Cùng với đó, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu lãnh đạo các phòng, ban, ngành tập trung theo dõi, tổng hợp và giải trình cụ thể.
Cảm nhận rõ sự cầu thị của người chủ trì buổi đối thoại, các ĐVTN đều mạnh dạn phát biểu ý kiến. Nhiều vấn đề đáng quan tâm đã được đưa ra như: việc làm cho thanh niên sau khi rời quân ngũ, đi xuất khẩu lao động; đầu ra cho sản phẩm thanh niên; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vốn vay... Ngoài phản hồi tích cực từ lãnh đạo địa phương, năm nay, các bạn trẻ ở huyện Đakrông rất phấn khởi khi có đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và doanh nghiệp đến dự buổi đối thoại và trực tiếp trả lời những câu hỏi liên quan. “Mình tin là qua những buổi đối thoại như thế này, các thanh niên sẽ không ngại nói nữa. Còn gì vui hơn khi thấy ý kiến của mình được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ”, một đoàn viên cho biết.
Nhân lên những tín hiệu vui
Trò chuyện với phóng viên, Bí thư Tỉnh đoàn Trần Thị Thu cho biết, không chỉ ở Đakrông, hiện nay, hoạt động đối thoại với lãnh đạo địa phương đã phát triển rộng khắp tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Hoạt động này ngày càng được đổi mới, đi vào chiều sâu. “Từ chỉ diễn ra ở cấp tỉnh, hiện nay, các buổi đối thoại đã về với thanh niên nhiều huyện, thị xã, thành phố. “Lợi ích kép” của đối thoại từ đây được phát huy cao hơn”, chị Thu cho biết.
Là Bí thư Tỉnh đoàn, chị Trần Thị Thu hiểu sâu sắc vai trò, vị trí của ĐVTN. Chị nhận thức sâu sắc, để phát huy cao nhất sức mạnh của tuổi trẻ, điều quan trọng là giúp thanh niên mạnh dạn, tự tin nêu ý kiến. Không chỉ chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của thanh niên còn sẽ góp phần phản ánh nhiều vấn đề thực tiễn tại địa phương, đơn vị; chỉ rõ khó khăn, vướng mắc; hiến kế cho sự phát triển... Vì thế, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên chỉ đạo cơ sở tập trung triển khai các giải pháp động viên, khuyến khích, phát huy tiếng nói thanh niên.
Năm 2022, hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên được tổ chức. Tại hội nghị, các cán bộ đoàn, ĐVTN đã được Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cũng đã thông tin về tình hình KT-XH địa phương; chính sách liên quan đến thanh niên; gửi gắm những kỳ vọng ở tuổi trẻ... Từ sự động viên, khuyến khích của Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều ĐVTN đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và gửi gắm kiến nghị, đề xuất. Qua lắng nghe, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đã có sự phản hồi cụ thể, thỏa đáng. Nhiều kiến nghị được ghi nhận, giải quyết và giải trình tại buổi đối thoại tiếp theo.
Từ dấu mốc trên, hoạt động đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên Quảng Trị bắt đầu được tổ chức định kỳ. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, các huyện, thị, thành đoàn sớm đưa hoạt động đối thoại về ở địa phương, đơn vị và tổ chức liên tục hai năm nay. Đáng chú ý là được sự động viên, khuyến khích của đoàn cấp trên, một số đơn vị như Huyện đoàn Hải Lăng đã tạo diễn đàn đối thoại ở cấp xã.
“Thanh niên ở các xã, thị trấn thường nắm rất rõ tình hình địa phương và những vấn đề đặt ra. Vì thế, phát huy tiếng nói của họ là rất cần thiết. Từ những phiên đối thoại ở địa phương, chúng tôi tổng hợp ý kiến, đối chiếu, rút ra những vấn đề lớn để phản ánh, kiến nghị đến cấp cao hơn”, Bí thư Huyện đoàn Hải Lăng Lê Văn Phong chia sẻ.
Đánh giá cao hiệu quả của các hoạt động đối thoại với lãnh đạo tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan trên địa bàn trong thời gian qua, Bí thư Tỉnh đoàn Trần Thị Thu khẳng định, đây là kênh rất hữu ích để phát huy tiếng nói, vai trò, vị trí của thanh niên. Nhiều kiến nghị của thanh niên tại buổi đối thoại đã góp phần giải quyết những vấn đề lớn nảy sinh từ thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn phát huy cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động đối thoại. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn khuyến khích các cấp bộ đoàn đổi mới nội dung, hình thức đối thoại theo hướng gần gũi, sát thực tiễn cuộc sống, đề cập đến những vấn đề đang được quan tâm...”, chị Thu khẳng định.