Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Y học cổ truyền Việt Nam trong chăm sóc sức khỏe nhân dân
Hôm nay - 30/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo 'Phát huy Tiềm năng và thế mạnh của Y học cổ truyền Việt Nam' do Hội Quân dân y Việt Nam và Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội thảo.
Hội thảo nhằm hướng tới mục tiêu giúp mọi người hiểu rõ hơn về giá trị và tiềm năng to lớn của Y học cổ truyền Việt Nam. Từ đó, nhìn nhận một cách khách quan về những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại. Ngoài ra, hội thảo cũng tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để phát huy tối đa tiềm năng của Y học cổ truyền, đồng thời đưa các bài thuốc cổ phương vào ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hiện đại, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Lê Tuấn – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Quân dân y Việt Nam nhấn mạnh vai trò to lớn của Y học cổ truyền trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân qua hàng nghìn năm lịch sử.
"Nền Y học cổ truyền Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của y học hiện đại, người bệnh thường ưu tiên điều trị bằng phương pháp hiện đại, mặc dù có nhiều bệnh chỉ đạt hiệu quả khi chữa trị bằng Y học cổ truyền"- PGS.TS Phạm Lê Tuấn nói.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức mà y học cổ truyền đang đối mặt. Tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác đúng mức, nhiều bài thuốc cổ phương chưa được nghiên cứu đầy đủ, quy trình sản xuất dược liệu còn hạn chế, chất lượng vị thuốc không đồng đều. Từ đó, ông khẳng định mục tiêu của hội thảo là giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về giá trị và tiềm năng của Y học cổ truyền Việt Nam, đồng thời nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc cổ phương trong đời sống hiện đại.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao vai trò của Y học cổ truyền trong việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Thứ trưởng cho rằng Y học cổ truyền không chỉ tập trung vào sức khỏe thể chất mà còn chú trọng yếu tố tinh thần của người bệnh. Thứ trưởng khẳng định: Y học cổ truyền Việt Nam đã phát triển từ hàng nghìn năm, đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, Y học cổ truyền đã tham gia hiệu quả trong công tác hỗ trợ phòng, ngừa và điều trị.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại trong nghiên cứu và ứng dụng Y học cổ truyền. Nhiều tiềm năng chưa được khai thác triệt để, các nghiên cứu đôi khi chưa tuân thủ đúng nguyên tắc khoa học, dẫn đến kết quả chưa được công nhận rộng rãi. Thậm chí, một số bài thuốc gia truyền chưa được nghiên cứu, phát triển kịp thời, dẫn đến nguy cơ thất truyền.
Thứ trưởng đề nghị Hội Quân dân y Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đẩy mạnh nghiên cứu, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng Y học cổ truyền và phát huy giá trị truyền thống.
Theo tham luận "Định hướng phát triển Y Dược cổ truyền", PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh, sẽ đặt mục tiêu phát triển toàn diện y học cổ truyền đến năm 2030.
Cụ thể, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có bệnh viện đa khoa y học cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng tuyến tỉnh; 95% bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa sẽ có giường bệnh hoặc khoa Y, Dược cổ truyền; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương sẽ triển khai hoạt động tư vấn sử dụng Y, Dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
"Những mục tiêu này hướng đến việc khẳng định vai trò quan trọng của y học cổ truyền trong hệ thống y tế, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua sự kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và y học hiện đại"- PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh nói.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo, năm bài tham luận khác từ các chuyên gia và lãnh đạo cũng đã được trình bày. Nội dung xoay quanh việc phân tích giá trị, tiềm năng của Y học cổ truyền Việt Nam, đánh giá những thành tựu đạt được và những hạn chế còn tồn tại. Các ý kiến đóng góp cũng tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả để phát huy tối đa tiềm năng Y học cổ truyền, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.