Phát huy thành quả của mô hình '5 không, 3 sạch'
Không dừng lại ở việc hoàn thành các tiêu chí, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) còn hướng đến sự bền vững - nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu cũ, nay là phường Tân Triều, chia sẻ cách thức thực hiện mô hình Ngôi nhà xanh trong phân loại chất thải rắn có khả năng tái chế. Ảnh: Nga Sơn
Vì vậy, sau sáp nhập, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục bứt phá trong xây dựng NTM. Điều này đòi hỏi các cấp hội, hội viên, phụ nữ - lực lượng nòng cốt trong xây dựng NTM - tiếp tục phát huy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Góp sức bằng những việc làm cụ thể
Năm nay 67 tuổi, bà Nguyễn Thị Tính (ngụ xã Trị An) đã có 28 năm tham gia công tác hội và Phong trào Phụ nữ tại địa phương. Trong Phong trào Xây dựng NTM, bà Tính không chỉ gương mẫu thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, mà còn tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ trên địa bàn thực hiện các tiêu chí NTM thông qua các mô hình, hoạt động cụ thể.
Theo tin từ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, từ năm 2021-2025, hàng năm, 100% cơ sở hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện 865 công trình, phần việc tham gia xây dựng NTM và đô thị văn minh với tổng kinh phí gần 43 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, bà Tính thường xuyên nhắc nhở chị em giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi sinh sống của gia đình; thực hiện treo cờ Tổ quốc vào những ngày lễ, Tết; tuyên truyền, vận động con, cháu chấp hành pháp luật, không vướng vào tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, bà còn vận động nhân dân đóng góp xã hội hóa đường giao thông nông thôn; tổ chức cho chị em tham gia dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường, diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết.
Góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho chị em phụ nữ, bà Tính đã thành lập Câu lạc bộ Dân vũ, trực tiếp hướng dẫn chị em các bài dân vũ, giúp hội viên, phụ nữ nâng cao sức khỏe, tăng cường gắn kết giữa hội viên, phụ nữ với nhau.
Ở xã Xuân Lộc, bà Cao Thị Toái không chỉ gương mẫu thực hiện, mà còn đóng góp vào quá trình xây dựng NTM bằng việc tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện và làm theo Bác thông qua một số mô hình cụ thể như: Hũ gạo tình thương, Heo đất tiết kiệm; duy trì các tuyến đường tự quản. Không dừng lại ở đó, bà còn giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ thực hiện các tiêu chí của Cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, không vi phạm chính sách dân số, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ)…
Từ năm 2024, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn và đến nay toàn tỉnh đã có 469 mô hình. Mô hình này vừa giúp phân loại rác tại nguồn, vừa tạo kinh phí cho hội cơ sở hoạt động.
Duy trì, phát huy các mô hình “5 không, 3 sạch” hiệu quả
Một trong những định hướng của lãnh đạo tỉnh tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Phong trào Thi đua toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 mới đây là: Đồng Nai sẽ tiếp tục bứt phá trong xây dựng NTM.

Phụ nữ phường Long Bình tập kết rác thải nhựa tại mô hình Ngôi nhà xanh - mô hình phân loại chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng. Ảnh: Nga Sơn
Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp. Sau khi đánh giá toàn diện việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN tỉnh đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trong đó, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiện hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về thực hiện Cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 và Đề án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.
Một số ý kiến cho rằng, hội cần có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nông thôn, nhất là phụ nữ thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn, đối tượng yếu thế, nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh; tạo sinh kế, việc làm ổn định, tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ... Đồng thời, phát triển ngành nghề truyền thống, tài nguyên bản địa; hỗ trợ phụ nữ kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối phù hợp. Ngoài nâng cao đời sống vật chất, các cấp hội sẽ vận động phụ nữ nông thôn tích cực tham gia Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm hướng tới mục tiêu cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn.