Phát huy 'tài nguyên' để thực hiện sứ mệnh bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động nhiệm kỳ II (2014-2019), triển khai Chương trình hành động nhiệm kỳ III (2024-2029) và công bố các quyết định nhân sự của Quỹ nhiệm kỳ III.
Tại Hội nghị, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cho biết: Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam được thành lập vào năm 2013 nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích và góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Sau khi được thành lập, Quỹ đã xin gia nhập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, từ năm 2013 tới nay, Quỹ đã trải qua 2 nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ I (2013-2018) và nhiệm kỳ II (2019-2024), đặc biệt, trong nhiệm kỳ II, Quỹ đã có được những bước phát triển mới, có nhiều hoạt động năng động, sáng tạo, tăng nguồn thu, phát triển nguồn vốn. Quỹ đã tài trợ hơn 10 tỷ đồng cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa như tài trợ cho Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên), tài trợ cho Đền thờ Cao Lỗ Đại vương tại Bắc Ninh, Đền thờ Hoàng Công Chất tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Ngoài ra, Quỹ cũng tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, trưng bày, triển lãm về di sản văn hóa; tặng ảnh Bác Hồ và ảnh các đồng chí lãnh đạo cho nhiều địa phương, đơn vị; tham gia tích cực vào việc tổ chức 2 cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ nhất - năm 2023 và lần thứ hai năm 2024-2025. Thành lập và phát triển Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam và ở một số quốc gia khác…
“Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chung của Quỹ trong nhiệm kỳ III là tăng cường, củng cố một cách hợp lý, hiệu quả tổ chức và nhân sự của Quỹ đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh phát triển, tăng cường nguồn vốn của Quỹ, thông qua việc thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các chương trình, dự án, sự kiện, là đầu mối kết nối giữa nhà đầu tư và chủ sở hữu di sản trong việc thực hiện các dự án về di sản văn hóa, đa dạng hóa các hình thức hoạt động để vừa bảo toàn được vốn, vừa có kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong khả năng và điều kiện cho phép” - PGS.TS Đỗ Văn Trụ chia sẻ.
Nhiều ý kiến tại Hội nghị đã đề cập về các nguồn lực, ý tưởng sáng tạo được triển khai gắn với việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Chia sẻ về câu chuyện di sản vào nền tảng Tik Tok, ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Giám đốc Tik Tok Việt Nam cho biết, năm 2018, việc đầu tiên ông và ekip xác định khi đưa nền tảng Tik Tok vào Việt Nam là phải truyền tải được hơi thở của chính quốc gia đó, các chính sách đưa ra phải dựa vào cộng đồng và văn hóa quốc gia đó.
Chương trình đầu tiên Tik Tok triển khai ở Việt Nam là “Hello Viet Nam” quảng bá du lịch Việt Nam trong năm 2019-2020. Sau thành công của chương trình, Tik Tok tiếp tục ra mắt chiến dịch “Hello QuangNam” để mỗi người tham gia hóa thân thành đại sứ du lịch, chia sẻ những trải nghiệm chân thực, thể hiện niềm tự hào về văn hóa, ẩm thực và con người xứ Quảng.
Hiện nay, Tik Tok vẫn tiếp tục khai thác các câu chuyện di sản, kết nối với các bạn trẻ truyền tải âm nhạc cổ truyền Việt Nam và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh như Hát Xoan; mời các nhóm kể chuyện lịch sử Việt Nam qua các cuộc triển lãm, qua bảo tàng thu hút hàng triệu người xem.
Ông Nguyễn Lâm Thanh khẳng định, khi Quỹ và Tik Tok có kế hoạch hợp tác chặt chẽ thì việc đưa di sản đến với thế hệ trẻ sẽ có cơ sở thành công rất lớn...
Ông Trịnh Thanh Giảng, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ khẳng định, 20 năm hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tạo ra một hệ sinh thái rất lớn và chặt chẽ. Đó là sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, đến thời điểm này là quỹ duy nhất về di sản văn hóa ngoài công lập.
Quỹ có nguồn “tài nguyên” rất mạnh, đó là các nhà văn hóa, nhà khoa học trên các lĩnh vực: bảo tàng, cổ vật, sử học, di sản... Đặc biệt là tình yêu di sản trong mỗi người dân Việt Nam và khối di sản văn hóa khổng lồ mà ông cha ta đã để lại. Tất cả tạo nên một tiềm năng vô cùng lớn để Quỹ kết nối “tài nguyên” này thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; kết nối di sản với người dân và doanh nghiệp...
Thay mặt Quỹ, ông Trịnh Thanh Giảng cam kết sẽ điều hành hoạt động Quỹ đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các cá nhân trong Quỹ hoạt động không vụ lợi vì mục đích chính trị hay kinh tế, để làm mất hình ảnh của những người làm di sản. Làm mới lại các chương trình hành động có tác dụng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; xây dựng các di sản mới.
“Thời gian vừa qua, Quỹ đã tài trợ hơn 2 tỷ cho Bảo tàng Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long với di huấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chúng tôi suy nghĩ và có quan điểm tiếp cận là phải xây dựng di sản cho con cháu mai sau”, ông Trịnh Thanh Giảng nhấn mạnh.
Là một trong những thành viên sáng lập Quỹ và là nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu khẳng định, việc ra đời Quỹ mang ý nghĩa lớn và những kết quả Quỹ và các thành viên Quỹ đã làm được như thời gian vừa qua là rất lớn, rất đang trân trọng.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cũng tin tưởng, Hội đồng Quản lý Quỹ, Ban Giám đốc và các thành viên Quỹ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những kết quả đã đạt được để có nhiều chương trình hành động thiết thực, hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: