Phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức trẻ trong hoạt động khoa học công nghệ

Trí thức trẻ là lực lượng nòng cốt, là nguồn lực đổi mới sáng tạo quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Với vốn tri thức, nhiệt huyết và khả năng thích ứng nhanh, nếu được khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi, đội ngũ tri thức trẻ sẽ phát huy được tiềm năng, trí tuệ trong kỷ nguyên mới.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 16/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Công tác đoàn kết, thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức trẻ trong hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”.

 Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký Liên hiệp Hội, phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký Liên hiệp Hội, phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, ông Nguyễn Quyết Chiến cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết được gọi là “Bộ tứ trụ cột” định hướng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó có -NQ/TW về đột phá phát triển , đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Cùng với đó là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua đã tạo ra khuôn khổ pháp lý then chốt cho hoạt động của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong kỷ nguyên mới. Những chuyển động lớn đó đòi hỏi Liên hiệp Hội Việt Nam cần có tư duy mới, cách tiếp cận mới, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đổi mới phương thức tập hợp trí thức để khẳng định vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển đất nước.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (Liên hiệp Hội Việt Nam), ông Lê Công Lương đã đưa ra cái nhìn tổng quan về thực trạng công tác tập hợp trí thức trẻ. Số liệu cho thấy, trong vòng 10 năm, số người có trình độ đại học trở lên đã tăng gần 3 triệu người. Đội ngũ trí thức trẻ đang dần khẳng định vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất và chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, ông Lương cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại như: Chưa có cơ chế khuyến khích đủ mạnh; hoạt động hội còn mang tính hành chính, chưa hấp dẫn; thiếu kết nối với các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp và đoàn thể thanh niên.

Để đổi mới phương thức hoạt động của hội, ông Lê Công Lương đề xuất xây dựng các chương trình hành động, diễn đàn khoa học, cuộc thi đổi mới sáng tạo dành riêng cho trí thức trẻ; ứng dụng nền tảng số để tương tác hiệu quả với giới trẻ. Đồng thời, ông đề nghị thành lập mạng lưới trí thức trẻ hoạt động theo các cụm chuyên môn như môi trường, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), trí thức trẻ Việt Nam ngày càng thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo, đi đầu trong khởi nghiệp, đổi mới công nghệ và hội nhập quốc tế. Song, vẫn tồn tại khoảng cách lớn về trình độ giữa trí thức trẻ Việt Nam và khu vực; phân bố không đều, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài trẻ.

Để mở rộng sân chơi khoa học-công nghệ cho trí thức trẻ, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), bà Hà Hoàng Yến cho biết, trong nhiều năm qua, Quỹ đã tổ chức hàng nghìn giải thưởng, hội thi, cuộc thi khoa học sáng tạo. Các phong trào này không chỉ giúp phát hiện tài năng mà còn tạo động lực thi đua nghiên cứu, đóng góp cho quốc gia. Tuy nhiên, để tăng chất lượng, bà Yến kiến nghị các địa phương, ngành cần nâng cao công tác hướng dẫn, thẩm định và truyền thông để phong trào thực sự trở thành “ngày hội khoa học” toàn dân.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến thống nhất rằng đã đến lúc chúng ta hành động quyết liệt, đồng bộ, từ Trung ương tới cơ sở, từ thể chế chính sách đến hoạt động thực tiễn. Thu hút và phát huy trí thức trẻ không chỉ là một khẩu hiệu, mà là chiến lược phát triển quốc gia.

Kim Oanh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-huy-suc-manh-sang-tao-cua-doi-ngu-tri-thuc-tre-trong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-post894064.html
Zalo