Phát huy nguồn lực di sản Thăng Long – Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vừa tổ chức hội thảo Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, với nhiều ý kiến tham góp giá trị.

PGS.TS Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Thăng Long - Hà Nội hội tụ đầy đủ yếu tố để công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng lớn, để Thủ đô không chỉ sở hữu các di sản văn hóa quý giá mà còn là trung tâm văn hóa và nghệ thuật của Việt Nam.
Việc quảng bá văn hóa và xây dựng thương hiệu quốc tế sẽ giúp Hà Nội nổi bật trên bản đồ văn hóa toàn cầu, thu hút du khách và các nhà đầu tư.
Hội thảo tập trung vào ba chủ đề chính gồm: Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng của di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội; thực trạng phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Hà Nội giai đoạn hiện nay; giải pháp phát huy tiềm năng di sản văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Đỗ Hồng Cường Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia đã và đang hướng đến nhận thức mới về vai trò của văn hóa, nguồn lực văn hóa trong phát triển.
Tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi không còn đóng vai trò quyết định sự hưng thịnh của đất nước, mà thay vào đó, nền tảng cho sự phát triển của mọi quốc gia, dân tộc là tính sáng tạo - nội lực của đất nước từ truyền thống đến đương đại.
Nội lực đó chính là nguồn lực văn hóa - sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm..., được xem là nguồn lực đặc biệt, là sức mạnh mềm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững theo hướng nhân văn, nhân bản.
Hà Nội với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra các sản phẩm tinh thần cao đẹp cho xã hội, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững ở Thủ đô trong thời gian tới.

GS.TS Lê Hồng Lý phát biểu tại hội thảo
Tuy nhiên, để khai thác nguồn lực văn hóa nói chung và các giá trị di sản văn hóa nói riêng cho phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù để thu hút mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hà Nội có 4 loại tiềm năng mà ít địa phương nào tại Việt Nam cũng như trên thế giới có được, đó là: di sản cảnh quan thiên nhiên, di sản lịch sử văn hóa, di sản các công trình kiến trúc, di sản văn hóa dân gian.
Hà Nội còn có các làng nghề, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, tri thức dân gian, dân ca, văn hóa dân gian, ẩm thực, trò chơi dân gian… Đây là nhóm di sản phong phú, đa dạng nhất, tiềm năng nhất cho việc phát triển văn hóa dựa trên di sản văn hóa phi vật thể.
Với lợi thế vốn văn hóa phong phú đa dạng, Hà Nội đang từng bước phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa. Tuy vậy, lộ trình biến tiềm năng thành cơ hội trong phát triển công nghiệp văn hóa và thương hiệu thành phố sáng tạo của Hà Nội vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham góp giá trị
Theo TS Bùi Văn Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế, thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh hiện nay không chỉ là nguồn tài nguyên tiềm năng như di sản văn hóa giàu có, hệ sinh thái sáng tạo đa dạng mà còn thể hiện ở năng lực kết nối quốc tế mạnh mẽ.
Người Hà Nội luôn được biết đến như những cá nhân linh hoạt, cởi mở và sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới. Nguồn lực quan trọng này đã tạo nên sự đa dạng của Hà Nội trong kết nối quốc tế với hơn 100 thủ đô các nước, cũng như quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Đặc biệt, từ khi chính thức trở thành thành phố thiết kế sáng tạo đầu tiên của Việt Nam gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực sáng tạo, đặc biệt với các thành viên của UCCN nhằm mở rộng thị trường để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ công nghiệp văn hóa, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo TS. Bùi Văn Tuấn, để hiện thực hóa thế mạnh này, Hà Nội cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng văn hóa, xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hóa.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Việc quảng bá văn hóa và xây dựng thương hiệu quốc tế sẽ giúp Hà Nội nổi bật trên bản đồ văn hóa toàn cầu, thu hút du khách và các nhà đầu tư.
Đặc biệt trong bối cảnh phân tách, sát nhập, cấu trúc lại các đơn vị hành chính hiện nay, Hà Nội cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá và định vị lại các giá trị bản sắc, thương hiệu của từng vùng, địa phương trên toàn địa bàn để có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa hiệu quả, bền vững.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng là yếu tố không thể thiếu trong phát triển bền vững công nghiệp văn hóa. Hà Nội cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô hiện nay.
Cần nghiên cứu, khảo sát đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo, dự báo chính xác sự biến động của nguồn nhân lực này để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.
Cùng với Chương trình Bồi dưỡng kiến thức về Hà Nội học, Hà Nội cần có những lớp bồi dưỡng về Công nghiệp văn hóa cho các địa phương, làng nghề,… giúp các chủ thể văn hóa hiểu hơn về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa – ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Nguyên Phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến góp ý, cần nhận diện, liên kết hệ thống di sản và đồng bộ trong quảng bá; đầu tư cơ sở vật chất và dịch vụ; tăng cường hoạt động lễ hội văn hóa định kỳ; nghiên cứu phát huy nguồn lực di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, giúp Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần vào sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế Thủ đô trên trường quốc tế.
Những tham luận tại hội thảo là cơ sở khoa học để nhà trường xây dựng và đề xuất các giải pháp, kiến nghị với lãnh đạo TP Hà Nội về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo và xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong kỷ nguyên mới của dân tộc.