Phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã huy động nhiều nguồn lực và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, qua đó thiết thực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giúp người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Trong bối cảnh đất nước không ngừng phát triển, công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển toàn diện, bền vững và gắn kết cộng đồng.

Tại Thái Nguyên, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30% với 51 dân tộc anh em cùng chung sống, việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội đối với công tác này đã và đang được xem là nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

 Các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giúp người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giúp người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Giai đoạn này, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách xã hội, đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai kịp thời và có hiệu quả. Nhiều chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc đã được thực hiện có thể kể đến như: “Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”; Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS” đến năm 2025; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025”; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS” giai đoạn 2015-2025; Chương trình “hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi vùng DTTS” giai đoạn 2016-2025; Chương trình “tín dụng chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi” giai đoạn 2019-2024;...

Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh Thái Nguyên triển khai tổng số 122 mô hình, dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 3.683 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí 43.151 triệu đồng.

Thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh đã đào tạo cho hơn 18.260 lao động, trong đó 49,4% lao động là người DTTS.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 5 năm từ 2019-2024, toàn tỉnh tập trung xây dựng, cải tạo và nâng cấp trên 2.602km đường giao thông nông thôn; trên 295,8km kênh mương các loại và 281 công trình thủy lợi; 325 trạm biến áp, trên 971km đường dây trung áp, hạ áp; 1.350 công trình trường học, phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ; 102 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 595 nhà văn hóa và khu thể thao xóm; 4 trụ sở xã; 19 chợ; 1 trung tâm y tế và 10 trạm y tế, 15 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; 62 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 77 điểm thu gom và xử lý rác.

Trên 96% gia đình vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Trên 96% gia đình vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Nhờ các nỗ lực trên, đời sống của đồng bào DTTS tại Thái Nguyên đã có những cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, và nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được nhân rộng.

Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 98% xóm thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, 100% xóm có điện lưới quốc gia, trên 96% gia đình vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường học kiên cố; 100% xã có trạm y tế, trong đó có trên 90% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại.

Tuy nhiên, để đối mặt với những thách thức trong tình hình mới, Thái Nguyên xác định cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chính sách, khai thác tốt hơn các nguồn lực, và xây dựng hệ thống giám sát hiệu quả để đảm bảo các chính sách được thực hiện đúng hướng, mang lại lợi ích lâu dài cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, văn bản của Trung ương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tăng cường các nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nhân rộng những mô hình hỗ trợ sản xuất hiệu quả, thiết thực giúp đồng bào nâng cao thu nhập, phát triển đời sống văn hóa xã hội.

Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên bằng 60% bình quân chung của cả nước; 100% xã vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; trên địa bàn tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn (xã Khu vực III); tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống dưới 8% (theo tiêu chí mới); 100% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thực hiện quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 100% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/phat-huy-hieu-qua-cac-chinh-sach-ho-tro-dong-bao-dan-toc-thieu-so-130110.htm
Zalo