Phát huy giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Ngày 12/6, đoàn công tác Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia do GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng làm trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương liên quan tiếp và làm việc với đoàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MỸ LUẬN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MỸ LUẬN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 119 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia, 96 di tích cấp tỉnh. Có 6 di sản đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các di tích được xếp hạng được đầu tư kinh phí để tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị nhằm phục vụ phát triển KT-XH. Một số di tích trở thành điểm đến, thu hút đông đảo du khách tham quan, thành biểu tượng của du lịch Phú Yên, như: danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh, Tháp Nhạn, Vũng Rô...

Các di sản văn hóa phi vật thể như: Nghệ thuật Bài chòi, Nghệ thuật trình diễn Trống đôi, cồng ba, chiêng năm được tổ chức biểu diễn thường xuyên phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân và du khách.

Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, cho ý kiến về hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Tàu Không số Vũng Rô là di tích quốc gia đặc biệt; hồ sơ đề nghị công nhận Phù điêu Kala là Bảo vật quốc gia.

Di tích Vũng Rô là chứng tích lịch sử về lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam và của quân, dân Phú Yên vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục tình yêu quê hương đất nước, truyền thống đấu tranh cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân.

UBND tỉnh tổ chức chào cờ đầu năm tại khu vực Mũi Điện (TX Đông Hòa) - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam, thu hút đông đảo du khách, người dân tham gia. Ảnh: PV

UBND tỉnh tổ chức chào cờ đầu năm tại khu vực Mũi Điện (TX Đông Hòa) - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam, thu hút đông đảo du khách, người dân tham gia. Ảnh: PV

Phù điêu KaLa là tác phẩm điêu khắc đá thuộc văn hóa Cham Pa, là hiện vật gốc, độc bản, được phát hiện năm 1993, trong hố khai quật khảo cổ phế tích tháp Núi Bà (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa), hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Phú Yên. Đây là tác phẩm điêu khắc tiêu biểu, quý hiếm, đại diện cho phong cách nghệ thuật điêu khắc đá Cham Pa ở thế kỷ XIV.

Sau khi nghe những ý kiến đóng góp và khuyến nghị từ các chuyên gia Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ mong muốn sau chuyến làm việc, khảo sát các di tích, di sản văn hóa tại Phú Yên, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tiếp tục quan tâm, tư vấn giúp tỉnh trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Tỉnh Phú Yên cần khai thác tốt các di sản vật thể và phi vật thể để thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để phát huy giá trị di sản văn hóa, qua đó tạo thêm sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan, du lịch.

GS.TS Nguyễn Văn Kim

MỸ LUẬN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/317387/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-phat-trien.html
Zalo