Phát hiện cá heo bị chết tại đảo Cù Lao Xanh và giải pháp 'độc' từ Nam Mỹ
Liên tiếp trong 2 ngày 12 và 13/12, ngư dân khai thác thủy sản trên biển khu vực Bãi Trước đảo Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) phát hiện hai cá thể cá heo đã chết, trong đó có cá thể bị dính lưới 3 màng của ngư dân, trên cổ có vết hằn và bị chảy máu ở mắt; cá thể còn lại trên thân không có vết thương.
Theo người dân địa phương, cả hai cá thể cá heo đều dài khoảng 1,2 m, nặng khoảng 20 kg. Sau khi đưa vào bờ, cá heo được Ban vạn đầm lăng ông Nam Hải thực hiện các nghi thức cúng và chôn cất theo phong tục.
Ông Vũ Long, chuyên gia Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học và Loài nguy cấp (CBES) cho biết hai trường hợp trên đều là loài cá heo không vây Neophocaena phocaenoides, thuộc họ cá heo chuột Phocoenidae.
Loài này trên lưng có rãnh dài và nhám. Cá heo không vây phổ biến ở Việt Nam tuy nhiên thuộc loài sắp nguy cấp (VU) theo phân loại của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế ( IUCN). Loài này sống gần bờ, vào mùa sóng gió thường bơi gần bờ hơn nữa. Loài này có thể đi lẻ hoặc đi theo nhóm nhỏ.
Người dân địa phương cho biết, vùng biển Nhơn Châu là khu vực sinh sống thường xuyên từ xưa giờ của loài cá này. Khi biển động, cá di chuyển vào gần bờ...
Ông Trần Văn Hạnh, 59 tuổi, Trưởng Ban vạn đầm Lăng ông Nam Hải xã Nhơn Châu cho biết, trong năm 2024, có 4 trường hợp cá ông chết tại Nhơn Châu trong đó 3 cá heo không vây (trên lưng có rãnh) và một cá thể cá heo Frase (miệng nhọn, dài). Hiện trong lăng có lưu giữ 10 vách chứa bộ xương cá ông, trong đó 6 vách là cá heo không vây.
Ông Nguyễn Hạ Lào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Châu thông tin, ngư dân khai thác thủy sản bằng lưới 3 màng thường thả lưới vào chiều tối, sáng sớm hôm sau kéo lưới nên không phát hiện được cá heo vướng lưới để cứu hộ kịp thời.
Vừa qua Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 1287/QĐ-BNN-KN ngày 9/5/2024 về việc ban hành Kế hoạch hành động quản lý và bảo tồn thú biển Việt Nam giai đoạn 2024 – 2028 với mục đích quản lý, bảo tồn, bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thú biển nhằm duy trì đa dạng sinh học tại vùng biển Việt Nam, giảm thiểu đánh bắt không chủ ý thú biển trong khai thác thủy sản, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu và trách nhiệm quốc gia thành viên quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải thành viên nhưng có hợp tác.
Liên quan đến quán triệt quyết định kể trên, ông Vũ Long, chuyên gia CBES cho biết, địa phương nên vận động người dân bớt giăng lưới ở khu có cá heo sinh sống vào mùa biển động.
"Nếu giăng thì có thể tham khảo cách: gắn vài cái vỏ chai nhựa, cứ khoảng 20m lưới gắn 1 chai. Chai phải chứa không khí với 1 con bù long nhỏ. Các loài cá heo dùng siêu âm để định vị và săn mồi. Nhưng lưới của ngư dân sợi mảnh, đan thưa, dập dìu trong nước nên cá heo không phát hiện ra. Trong khi đó, mấy cái chai nhựa chứa khí thì siêu âm rất dễ phát hiện; đó là chưa kể tiếng động lộp cộp từ con bù long trong chai có thể báo hiệu cho cá heo rằng có chướng ngại vật. Cách làm này gần đây được áp dụng ở Nam Mỹ, để giảm đánh bắt không chủ ý các loài cá heo", ông Long chia sẻ.