Phát hiện 303 hình vẽ bí ẩn nhất ngành khảo cổ học tại Peru

Với máy bay không người lái và AI, các nhà khảo cổ học phát hiện thêm 303 hình vẽ mới mô tả các loài mèo, vẹt, khỉ, cá voi... có niên đại từ năm 200 TCN đến năm 700 SCN ở Peru.

Cận cảnh 303 hình vẽ bí ẩn được tìm thấy trên sa mạc ở Peru Hàng trăm hình vẽ bí ẩn mới được tìm thấy tại sa mạc Peru mang hình mô tả các loài mèo, vẹt, khỉ, cá voi...

Trên vùng đồng cỏ hoang vu, khô cằn ở miền Nam Peru, Nazca Lines là một trong những điều bí ẩn khó hiểu nhất của ngành khảo cổ học.

Nhìn từ mặt đất, các hình vẽ trông như những rãnh cày đơn giản. Nhưng từ trên không, ở độ cao hàng trăm mét, chúng hiện lên thành các hình thang, hình xoắn ốc, hình zic zac hoặc các biểu tượng cách điệu như chim ruồi, nhện, thậm chí là mèo có đuôi cá... ở những địa điểm khác.

Hàng nghìn đường kẻ băng qua những vách đá và thung lũng mà không đổi hướng, đường dài nhất thẳng tắp như một đường đạn, kéo dài hơn 24 km.

Những hình vẽ khổng lồ này đã được phát hiện lần đầu vào những năm 1920 bởi một nhà khoa học người Peru khi ông leo núi ở khu vực chân đồi Nazca. Chúng được cho là đã được tạo ra từ năm 200 trước Công nguyên (TCN) đến năm 700 sau Công nguyên (SCN) bởi một nền văn minh tồn tại trước người Inca. Tuy nhiên, việc tìm kiếm chúng rất khó khăn do diện tích sa mạc quá lớn.

"Phải mất gần một thế kỷ để phát hiện ra tổng cộng 430 hình vẽ", ông Masato Sakai, nhà khảo cổ học tại Đại học Yamagata ở Nhật Bản, người đã nghiên cứu những hình vẽ này trong suốt 30 năm, cho biết.

 AI đã giúp thu hẹp những địa điểm tiềm năng, sau đó nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát thực hiện để xác nhận những hình vẽ mới. Ảnh: Đại học Yamagata.

AI đã giúp thu hẹp những địa điểm tiềm năng, sau đó nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát thực hiện để xác nhận những hình vẽ mới. Ảnh: Đại học Yamagata.

Ông Sakai là tác giả chính của một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 trên Proceedings of the National Academy of Sciences. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy thêm 303 hình vẽ mới trong vòng 6 tháng - gần như gấp đôi số lượng hình vẽ được ghi nhận đến năm 2020.

Các nhà nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp cùng máy bay không người lái tầm thấp để khảo sát trên diện tích hơn 630 km2. Kết quả nghiên cứu còn hé lộ những manh mối về mục đích bí ẩn của các biểu tượng này.

Những hình vẽ mới tìm thấy có kích thước trung bình rộng khoảng 9 m. Để xác định các hình vẽ mới, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một ứng dụng AI có khả năng nhận diện đường viền từ những bức ảnh chụp trên không dù chúng mờ đến đâu.

Nhờ AI, nhóm nghiên cứu đã thu hẹp hơn 47.000 điểm tiềm năng xuống còn 1.309, sau đó xác nhận 303 hình khắc mới bằng cách khảo sát thực địa.

Những hình vẽ này bao gồm cây cối, con người, rắn, khỉ, mèo, vẹt, lạc đà không bướu, và một bức tranh rùng rợn về một con cá voi sát thủ cầm dao chặt đầu người. Trong số những hình vẽ mới, 244 hình được AI gợi ý, trong khi 59 hình khác được xác định trong quá trình thực địa mà không có sự hỗ trợ của AI.

 Những hình vẽ mới được phát hiện có kích thước khoảng 9 mét. Ảnh: Đại học Yamagata,

Những hình vẽ mới được phát hiện có kích thước khoảng 9 mét. Ảnh: Đại học Yamagata,

Những hình vẽ này được người Nazca tạo ra bằng cách cạo lớp sỏi đỏ trên bề mặt để lộ ra lớp đất sáng màu bên dưới. Chúng có thể phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo hoặc để truyền đạt thông tin về nông nghiệp và chăn nuôi. Tuy nhiên, một số hình khắc vẫn bị đe dọa bởi tác động của thiên nhiên và con người, khiến việc bảo tồn trở thành thách thức lớn.

Dựa trên nghiên cứu hiện tại, ông Sakai ước tính còn ít nhất 500 hình khắc chưa được phát hiện. "Tôi tin rằng sẽ còn nhiều sự thật bất ngờ được hé lộ", ông nói.

Nguồn Znews: https://znews.vn/phat-hien-303-hinh-ve-bi-an-nhat-nganh-khao-co-hoc-tai-peru-post1513788.html
Zalo