Phật giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam
'Các ngôi chùa làng là đại diện cho linh hồn của văn hóa thôn, bản sắc dân tộc Việt Nam… Phật giáo và Dân tộc Việt Nam đã có mối liên cùng chung sinh mệnh…' - Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài nghiên cứu của Hòa thượng Thích Chơn Thiện về sứ mạng gắn kết của đạo Phật và LS phát triển của dân tộc Việt.
Từ khi có mặt trên đất Việt, Phật giáo đã gắn bó theo từng nhịp thăng trầm của dân tộc. Dù ở hoàn cảnh nào của lịch sử, sứ mệnh của Phật giáo luôn vẫn là sứ mệnh cứu khổ, phò nguy cho dân tộc, như lời dạy cứu khổ của Đức Phật.
Quốc sư Khuông Việt (Triều Đinh, Lê và Lý)
Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, thống nhất đất nước và ổn định chủ quyền. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vua Đinh Tiên Hoàng lập chức Tăng thống Phật giáo (đứng đầu Giáo hội) và đặt chức quan Tăng lục - chứng tỏ bấy giờ đã có nhiều tăng sĩ và nhiều cư sĩ.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Năm thái bình thứ hai (971), bắt đầu quy định cấp bậc văn, võ, tăng đạo... Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục ...”. [NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993, tập I, tr.212]
Dưới thời Bắc thuộc, việc học trong nước bị hạn chế nhiều, chỉ có các nhà tu là có điều kiện tự trau dồi học vấn, và mở lớp học ở chùa cho dân, miễn phí. Một số tăng tài thì dấn thân giúp dân, giúp nước, cống hiến các kiến thức kinh bang tế thế, thảo văn kiện, chiếu chỉ, biên soạn sử liệu, thi phú...
Đại sư Ngô Chân Lưu là tăng tài xuất chúng đã phò tá vua Đinh, khuông phò nước Việt. Sau đó, Đại sư tiếp tục phò tá vua Lê Đại Hành. Đại sư đã cùng với Pháp Thuận, Vạn Hạnh thiền sư giúp Lý Công Uẩn đăng ngôi, mở ra cơ nghiệp nhà Lý đưa dân tộc đi vào thời kỳ lịch sử của thực sự độc lập, tự chủ, tự cường.
Sư Vạn Hạnh, ngoài danh nghĩa thiền sư lỗi lạc của triều Lý còn được đời biết đến như một nhà phong thủy, dịch lý thời danh. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, ghi: ”Về phong thủy học, các thiền sư Định Không (730 - 808), La Quý An (852 - 936), và Vạn Hạnh (- 1068) đều là những người nổi tiếng. Ta có nhiều lý do để tin rằng quốc sư Vạn Hạnh, thầy của Lý Công Uẩn, là người đã thuyết phục vua này dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long trong ý nguyện bảo vệ cho nền độc lập lâu dài ...” [NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993, tr.136 - 137]
Tinh thần Nho giáo "trung thần bất sự nhị quân" (tôi trung không thờ hai chúa) nếu gắn vào trường hợp hoàng tử bé bỏng của Đinh Tiên Hoàng, hay vua trẻ thâm ác, bệnh hoạn Lê Long Đỉnh, thì đất nước sẽ suy vong.
Cơ may, thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh thấm nhuần tinh thần phóng khoáng, vô chấp, và trí tuệ của nhà Phật, chỉ một tâm phò tá hiền tài vì nghĩa lớn của tổ quốc, vì hạnh phúc, an lạc của nhân dân, nên Việt Nam đã mở ra một thời kỳ lịch sử hùng cường, uy vũ của Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ. Đây là một bài học lịch sử quý báu!
Đời Lý Thái Tổ, nhờ tài đa văn, quảng kiến, một lòng vì nước, thiền sư Vạn Hạnh đã thuyết phục được nhà vua xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Đại La (Thăng Long; Hà Nội ngày nay) mở ra một vận hội mới cho 400 năm Lý, Trần vẻ vang, lập được nhiều chiến công bất hủ ảnh hưởng đến quốc tế, và tiếp nối các chiến công về sau đánh gục quân Minh, Thanh và đại thắng Pháp, Mỹ cho đến thời hiện đại, năm châu đều biết tiếng...
Hình ảnh của quốc sư Vạn Hạnh là hình ảnh tiêu biểu nhất về những gì mà Phật giáo Việt Nam và một tu sĩ Phật Giáo Việt Nam có thể đóng góp cho dân tộc Việt Nam.
Lý Thái Tổ (944 - 1028)
Qua Đại Việt sử ký toàn thư và Việt Nam Phật giáo sử luận, Lý Thái Tổ là vị vua sùng Phật, nhận ảnh hưởng giáo dục từ sư Lý Khánh Văn và sư Vạn Hạnh từ năm lên ba. Được một chiến dịch vận động ngầm của các thiền sư, Lý Công Uẩn Thân vệ lên ngôi năm 1010, mở ra cơ nghiệp nhà Lý.
Năm ấy, vua dời đô về Thăng Long (Hà nội ngày nay), chăm lo quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa giáo dục và xã hội. Song song với công việc triều chính, vua cho xây các chùa, chú tượng, đúc chuông, thỉnh kinh, chép kinh và cổ xúy hàngthanh niên ưu tú Thăng Long xuất gia đầu Phật. Nhà vua làm thế, không phải là thuần do mộ Phật, đáp nghĩa các sư, mà động cơ chính là mục tiêu chính trị, văn hóa.
Phật giáo Việt Nam tạo nên nét văn hóa Đại Việt độc lập với văn hóa phương Bắc (vốn nặng màu Khổng, Lão), vừa góp phần cô kết lòng dân, nuôi dưỡng tinh thần tự chủ, độc lập, tự cường của dân tộc (giáo lý Phật giáo đề cao tự chủ, trừ bỏ nô lệ).
Chủ trương chính trị, văn hóa này vốn đã được đại đế A Dục (Asoka) xứ Ấn thực thi thành công rực rỡ từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch, và tiếp tục được nhà chính trị lỗi lạc Trần Thủ Độ phát triển trong 200 năm văn hóa đời Trần, dẫn đến các chiến công lịch sử rạng rỡ (ba lần đánh tan quân Nguyên Mông, đoàn quân đã bách thắng ở châu Âu và ở Trung Hoa (đời Tống).
Đấy là sách lược quốc gia có tầm nhìn chân xác vậy.
Lý Thái Tông (1000 - 1054)
Vua rất thông minh, thông tỏ thế học và Phật học, có lòng tự tin rất cao về sở kiến, sở đắc, sở ngộ của mình, từng xem mình như đồng đẳng với thiền tố Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) - người gốc Ấn, đắc pháp với tam tổ Tăng Xáng (Trung Quốc) là khai tổ dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở Việt Nam.
Nhận xét về Lý Thánh Tông, Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “..... ở ngôi 27 năm (1028 - 1054), thọ 55 tuổi (1000 - 1054), băng ở điện Trường Xuân. Vua là người trầm mặc, cơ trí, biết trước mọi việc, giống như Hán Quan Vũ đánh đâu được đấy, công tích sánh với Đường Thái Tông”. (tập I, tr. 253).
Lý Thánh Tông (1023 - 1072)
Lý Thánh Tông là vị vua nhân hậu, anh minh, thông văn võ, là sư tổ thiền phái Thảo Đường Việt Nam. Vua có thần phi Ỷ Lan tuổi trẻ thông tuệ - năm 23 tuổi đã nổi tài nhiếp chính, Thừa tướng Lý Đạo Thành lão luyện, nghiêm trung và nguyên soái Lý Thường Kiệt kiệt xuất.
Triều Thánh Tông đã lập nhiều chiến công hiễn hách: Bắc thắng Tống, Nam Bình Chiêm; đã lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc lập Văn Miếu, mở khoa thi bác học, mở mang học vấn cho dân (theo Thơ văn Lý Trần, 1977).
Dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam như là kết lại thành một trong tâm thức nhà vua, và trong triều đình của người. Bản truyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc được tuyên cáo dưới ảnh hưởng của vua, qua nguyên soái Lý Thường Kiệt, đã làm rã đám đại quân nhà Tống.
Vua tôi Thánh Tông đã giữ nước anh hùng một thuở, rạng rỡ tông phong Hồng Lạc.
Lý Nhân Tông (1066 - 1128)
Vua là sự kết hợp tinh anh giữa Vua Thánh Tông và Ỷ lan, được Lê Quý Đôn ca tụng: “Xứng đáng là vị anh quân đời Lý”. Vua tiếp nối vương nghiệp của Thánh Tông, dưới sự dẫn dắt, cố vấn của Thái hậu Ỷ Lan: sùng Phật; phát triển văn học, giáo dục; mở mang tam giáo, đặc biệt là trọng Nho; chăm lo cho quốc phòng, luật pháp, đạo đức của muôn dân; thể hiện đại đoàn kết trong, ngoài triều. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi nhận: “..... vua lên ngôi hoàng đế, ở ngôi 56 năm (1072 - 1127), thọ 63 tuổi (1066 - 1127), băng ở điện Vĩng Quang. Vua, ....., sáng suốt thần võ, trí tuệ, hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp, người theo, thông âm luật, chế ca nhạc,....., là vua giỏi của triều Lý.” [sđd., tr. 276]
Nhận xét chung về triều Lý, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, một nhà khoa học và nghiên cứu, đánh giá: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là ảnh hưởng của đạo Phật”. [Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang,..., tr. 199]
Thời bấy giờ, các danh tăng Phật giáo có nhiều, sau Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, là thiền sư Huệ Sinh (- 1063), Mãn Giác (1052 - 1096), Không Lộ (- 1119), vv... các vị đều chứng ngộ sự thật về khổ, vô thường, vô ngã (hay khổ, vô thường, không, vô ngã), một nguồn giáo lý hưng khởi trí tuệ, từ bi và vô úy. Các vua, và một số đại thần, tướng quân, và các danh tăng là các nhân tố chính của sức mạnh tinh thần, văn hóa đời Lý: Phật giáo là của dân tộc, và dân tộc là của Phật giáo; đấy là hai tên gọi của một thực thể nhân dân Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc.
Vua Trần và Thiền sư nhà Trần
Dưới đời Trần, ngoài sự đổi mới về dòng dõi lãnh đạo, Phật giáo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo văn hóa, và tam giáo (Phật, Lão, Nho) đồng thời phát triển: Bấy giờ xuất hiện các khoa thi tam giáo. Vị vua Phật giáo anh minh Trần Nhân Tông đã phát biểu: Người chưa rõ gốc tâm thì sai lầm cho rằng ba tôn giáo khác biệt; người rõ gốc tâm thì thấy rằng cả ba giáo đều cùng phát triển một nguồn tâm.
Vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, và Anh Tông (và cả Minh Tông) đều thâm hiểu Phật giáo, và thâm chứng giải thoát của nguồn tâm, đã đưa đất nước và Phật giáo Việt Nam vào thời kỳ cực thịnh.
Tinh thần đoàn kết và dân chủ đã được thể hiện rộng rãi hơn ở trong và ngoài triều đình, qua các Hội nghị Diên Hồng, Bình Than để nhân dân tướng sĩ tham gia ý kiến quyết định cuộc chiến: hòa hay chiến?
Vì thế mà sức mạnh của tiềm lực dân tộc bùng dậy mạnh mẽ, ba lần đánh sụm quân Nguyên Mông, chiến công còn để lại sự kinh ngạc cho thế giới ngày nay.
Vua Trần Nhân Tông tổ chức thống nhất các dòng thiền ở Việt Nam (Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường) vào dòng thiền đầy sắc Việt Nam: Trúc Lâm Yên Tử dương thiền… kết hợp chặt chẽ văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc, như các nhà nghiên cứu văn hóa thường đề cập.
Tiêu biểu như lời khuyên của Trúc Lâm quốc sư (Viên chứng) đối với Thái Tông rằng: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng, tuệ hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì thành Phật ngay tại chỗ, không phải đi tìm Phật cực khổ ở bên ngoài. Phàm làm đấng nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Chỉ mong bệ hạ đừng xao lãng việc nghiên cứu Phật học”. [Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang,...,tr221,222]
Tự thân vua Thái Tông và triều đình Trần Thái Tông cũng là một biểu hiện sinh động rằng: Phật giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam là một.
Trong lần giáp mặt quân Nguyên Mông đến xâm lược Việt Nam lần đầu, Trần Thái Tông và Thái tử xông pha đầu trận trước lằm tên, mũi giáo, và đã đại phá quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, đuổi thẳng giặc về Bắc. Đại Việt Sử ký toàn thư viết: ‘’... Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp, truyền dòng, lập kỷ dựng cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy’’. [ĐVSKTT, tập II, tr7]
Trần Thánh Tông chịu ảnh hưởng rất đậm của Thái Tông, thông hiểu Phật và Nho, tiếp tục phát huy các thành quả lịch sử, xã hội của vua cha, và chuẩn bị giáo dục kỷ Nhân Tông, vị vua giác ngộ Phật pháp, đưa đến thời kỳ hiển hách nhất đời Trần: Mạnh đủ các mặt quốc phòng, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội...
Các vua Trần, dù đặc biệt mộ Phật, nhưng chủ trương phát triển tam giáo (Phật, Lão, Nho) vì mục tiêu đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, ghi: ‘’Phật giáo đã để cho Nho giáo và Lão giáo tự do phát triển... Năm 1253, Thái Tông lập Quốc Học Viện ở kinh sư, và tạo tượng Chu Công Khổng Tử, Mạnh Tử, và vẽ tranh 72 vị tiền hiền để thờ cúng, Thánh Tông đã cho hoàng đệ là Trần Ích Tắc mở trường dạy Nho học... mở các khoa thi năm 1232, 1247... để kén chọn nhân tài. Nền giáo dục hồi đó còn mang tính chất tổng hợp tam giáo..."
Nói về giới sĩ phu đời Trần, Lê Quý Đôn đã viết trong Kiến Văn Tiểu Lục : ‘’Các vị ấy phẩm hạnh và thanh giới cao khiết, có tư cách người trí thức quân tử như đời Tây Hán, không phải kẻ tầm thường sánh được, bởi nhà Trần đãi kẻ sĩ một cách khoan dung..., làm cho quang vinh sử sách, không thẹn với Trời, Đất, há phải đời sau kịp được đâu’’. [Việt Nam Phật giáo sử luận,...,tr.391]
Tương tự đời Lý, đời Trần có nhiều danh tăng Phật giáo ra đời, như Tuệ Trung thượng sĩ, Huyền Quang, Pháp Loa, Bảo Phát, Tông Cảnh, Nhất Tông, Viên Chứng... Tư tưởng Phật học thâm trầm, thi ca vào hàng thượng đẳng, như ba tập Thơ văn Lý, Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội - dù tài liệu thi ca, văn học đã bị quân Minh tiêu hủy rất nhiều.
Nếu không bị ảnh hưởng nặng nề bởi chủ trương hủy diệt văn hóa Việt của phương Bắc, thì kho tàng văn hóa Lý, Trần sẽ vô cùng phong phú, để lại một niềm tự hào lớn trong lịch sử dân tộc.
Nhà văn hóa, chiến lược Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi là cháu ngoại của cụ Tư đồ Trần Quốc Đán, hàm Tể tướng, dưới triều vua Trần Duệ Tông và Trần Đế Nghiễn, thời mạt Trần.
Theo Thơ văn Lý, Trần, tập III, Nguyễn Phi Khanh (NXB Văn Học, Hà Nội 1981) và Văn học Việt Nam (Phạm Diêu, Saigon 1960), có những điểm cần ghi lại:
- Tú tài Nguyễn Phi Khanh làm gia sư ở nhà cụ Tư đồ; yêu thầm Trần Thục Trinh (Trần Thị Thái), con gái của cụ;
- Khi Thục Trinh mang thai, Phi Khanh sợ rơi đầu mà lẫn trốn.
- Cụ Tư đồ và phu nhân đầy từ tâm, điệu Phi Khanh về; tha thứ; tác thành đôi lứa; nuôi Phi Khanh tại dinh Tể tướng; năm Nguyễn Trãi lên năm, Thục Trinh qua đời ; Nguyễn Trãi theo ông ngoại về ở Côn Sơn sau ngày mẹ mất; được ông ngoại thương yêu, trực tiếp giảng dạy đến năm lên mười thì ông ngoại mất, Nguyễn Trãi về sống trong cảnh hàn vi với bố Phi Khanh, và học chữ từ bố.
- Lúc giặc Minh đánh bại nhà Hồ (Hồ Quý Ly), Phi Khanh bị bắt; Nguyễn Trãi theo phò Lê Lợi khởi nghĩa và đại thắng quân Minh, viết bài đại cáo ‘’Bình Ngô’’ rất lịch sử; sự nghiệp kinh bang của người kết thúc từ vụ án ‘’Vườn Lệ Chi’’ rất bi thiết !.
Nhân ngày kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, trong bài diễn văn khai mạc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đọc: ‘’... Nguyễn Trãi là một tiêu biểu rất đẹp của thiên tài Việt Nam, tiêu biểu về sự nghiệp giữ nước và dựng nước, về xây dựng cuộc sống với những tình cảm đẹp đẽ giữa người và người, thiên tài lộng gió bốn phương và vẫn giữ nguyên vẹn bản lĩnh và tinh hoa của dân tộc, kiên trì phấn đấu vì sự nghiệp cao quý của mình cùng với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân thế giới’’.
Trong dịp này, đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu: ‘’Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà chiến lược thiên tài, nhà tư tưởng lớn, nhà văn hào kiệt xuất, một con người mẫu mực của thời đại mình, đã để lại cho chúng ta những di sản vô cùng quý báu, góp phần to lớn cho dân tộc ta, nhân dân ta có thêm sức mạnh, quyết tâm và tin tưởng để hăng hái tiến lên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc’’. [Kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1982, t r21]
Nguyễn Trãi ra đời từ tâm khoan dung và nhân ái của cụ Tư đồ và phu nhân; tiếp thụ văn hóa Phật giáo từ môi trường sống ở gia đình ông bà ngoại, chịu ảnh hưởng sâu đậm tình yêu nhân dân, đất nước của cụ Tư đồ và Tiến sĩ Nguyễn Phi Khanh.
Trường hợp của Nguyễn Tiên Sinh quả là một trường hợp quý hiếm cung cấp tư liệu về ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo Việt Nam đối với dân tộc và văn hóa dân tộc Việt Nam.
Các ngôi chùa làng Việt Nam, như là linh hồn của văn hóa thôn, bản Việt nam, nếu hằng năm cử hành lễ tưởng niệm nhà đại văn hóa Nguyễn Trãi, thì thật là ý nghĩa, tiếng chuông cha sẽ ngân xa hơn, vang mãi âm thanh nhân Nghĩa Việt Nam. Phật giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam từng có mối liên hệ như thế, mối liên hệ của cùng chung sinh mệnh.