Pháp luật và cuộc sống: Vi phạm IUU: Hại nước, thiệt nhà

Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông T.V.P, sinh năm 1968, trú tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng); quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với H.B.C, sinh năm 1990, trú tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép theo quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự.

Theo kết quả điều tra, bị can T.V.P vì muốn thu được lợi nhuận cao nên đã chỉ đạo H.B.C điều khiển tàu cá do mình làm chủ đưa người sang vùng biển của Malaysia để khai thác hải sản trái phép, sau đó bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Thời gian qua, tình trạng ngư dân vi phạm IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) đã giảm mạnh, nhưng chưa triệt để. Ngoài vi phạm vùng biển nước ngoài như trường hợp nói trên, một vi phạm khá phổ biến nữa là về thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Điển hình như cuối tháng 11-2024, lực lượng chức năng phát hiện tàu của các ông H.M.H, N.V.T, T.Q.H (đều trú tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) không duy trì việc truyền thông tin về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định, không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền. Hậu quả, 3 chủ tàu cá nói trên đã bị phạt 154,5 triệu đồng/trường hợp. Trong đó, riêng lỗi không duy trì việc truyền thông tin về hệ thống giám sát tàu cá bị phạt 150 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá 7,5 tháng... Hay chỉ riêng trong ngày 30-11, các lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã phát hiện nhiều tàu cá chở thuê thiết bị giám sát hành trình cho tàu khác để “đánh lừa” cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho các tàu vi phạm IUU...

Ảnh minh họa / Vietnam+

Ảnh minh họa / Vietnam+

Theo Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ tính từ thời điểm sau đợt thanh tra “thẻ vàng” IUU lần thứ tư của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10-2023 đến nay đã có hơn 4.200 trường hợp bị xử phạt với tổng số tiền hơn 109 tỷ đồng, trong đó hơn 20 vụ khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Để tăng tính răn đe, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Đặc biệt, ngày 12-6-2024, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Trong đó, các hành vi xuất cảnh để khai thác thủy sản trái phép ngoài vùng biển Việt Nam, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm khai thác thủy sản trái phép, khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản... sẽ bị xử lý hình sự.

Việc ngư dân vi phạm IUU không những gây thiệt hại cho bản thân, gia đình vì phải chịu xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn gây hại cho đất nước, bởi sẽ khiến nước ta đối mặt với nguy cơ bị “thẻ đỏ” IUU, cơ hội xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu sẽ khép lại. Vì vậy, hơn ai hết, mỗi ngư dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong quá trình khai thác thủy, hải sản, vì lợi ích của đất nước cũng như của chính bản thân mình.

TRUNG HIẾU

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/phap-luat-va-cuoc-song-vi-pham-iuu-hai-nuoc-thiet-nha-806739
Zalo