Pháp luật quy định thế nào về hành vi bạo hành trẻ em?

Theo luật sư, trẻ em là những đối tượng được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em là trái pháp luật và phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Hình ảnh cậu bé 11 tuổi bị bạo hành được camera giám sát ghi lại. (Ảnh: Cắt từ clip)

Hình ảnh cậu bé 11 tuổi bị bạo hành được camera giám sát ghi lại. (Ảnh: Cắt từ clip)

Người mẹ dùng dây điện đánh con

Liên quan vụ mẹ ruột và người tình bạo hành con trai 11 tuổi xảy ra tại khu Vân Cơ, phường Minh Phương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cơ quan chức năng đã xác định nạn nhân của vụ việc là cháu C.S.N.M, 11 tuổi, còn người có hành vi bạo hành là chị C.T.N, mẹ cháu M và bạn trai chị N, tên là L.X.H.

Tại CQCA, bước đầu người mẹ này khai nhận, tối 25/6, tại nhà của gia đình ở TP Việt Trì, cháu M mở tủ lấy kem ra ăn và để kem chảy, rớt xuống nền nhà. Thấy vậy, chị N quát mắng và cùng với bạn trai dùng đoạn dây điện vụt vào chân, tay, người của cháu. Sau đó, cả ba người về nhà riêng ở khu Vân Cơ, TP Việt Trì để nghỉ ngơi. Tại đây, N lại dùng dây điện đánh con trai lần nữa.

Sau khi tiếp nhận thông tin trình báo và quan sát thấy thân thể cháu M có nhiều vết thương bầm tím, CA phường Minh Phương, TP Việt Trì đã cùng người dân đưa cháu bé vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chữa trị. CA phường Minh Phương, cũng tiến hành củng cố hồ sơ tài liệu, thu giữ đoạn dây điện để phục vụ công tác điều tra.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu của việc bạo hành trẻ em nên CA phường Minh Phương đã đề xuất chuyển hồ sơ lên CATP Việt Trì điều tra, làm rõ. Trước đó, khoảng 0h15’ ngày 25/6, CA phường Minh Phương vừa tiếp nhận thông tin phản ánh về việc, tại khu Vân Cơ, phường Minh Phương xảy ra vụ việc mẹ ruột và bạn trai bạo hành cháu bé 11 tuổi.

Theo trình báo của người dân, khoảng 23h50 ngày 25/6, họ nghe thấy tiếng trẻ con kêu khóc tại nhà chị C.T.N nên đến hỏi thăm. Tại đây, cùng với việc cháu C.T.N kêu khóc, người dân phát hiện trên người cháu còn có nhiều thương tích.

Những vết thương trên người cháu M nghi do mẹ ruột và bạn trai gây ra. Ảnh: Xuân Nguyễn

Những vết thương trên người cháu M nghi do mẹ ruột và bạn trai gây ra. Ảnh: Xuân Nguyễn

Chế tài xử lý hành vi bạo hành trẻ em

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trẻ em là những đối tượng được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em là trái pháp luật và phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư Đinh Thị Nguyên viện dẫn, tại khoản 6 Điều 4, Luật Trẻ em năm 2016 giải thích, các hành vi bạo hành, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Đồng thời, khoản 3 Điều 6, Luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em trong đó có: xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

Do đó, có thể hiểu bạo hành hay bạo lực trẻ em là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em. Trong đó: bạo lực thể chất là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của người khác.

Pháp luật sẽ căn cứ vào mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi bạo hành và tùy trường hợp người bạo hành có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Điều 22, Nghị định 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi hành hạ trẻ em nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất là 20 triệu đồng tùy thuộc vào mức độ.

Trong trường hợp có thương tích thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” được quy định theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trường hợp không đủ căn cứ xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng có căn cứ cho thấy hành vi là đối xử tàn ác với trẻ em thì cũng có thể xem xét xử lý hình sự về tội “Hành hạ người khác” được quy định theo Điều 140, Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//phap-luat-quy-dinh-the-nao-ve-hanh-vi-bao-hanh-tre-em-385982.html
Zalo